Connect with us

So găng tứ đại gia thống lĩnh thị trường bia thế giới

Tình huống thương hiệu

So găng tứ đại gia thống lĩnh thị trường bia thế giới

Bốn hãng Carlsberg, Sabmiller, Heineken và AB InBev cung cấp gần trăm tỷ lít bia năm 2012

Carlsberg là hãng bia ra đời sớm nhất 

Trong 4 ông lớn thống trị thị trường bia thế giới, Carlsberg là hãng ra đời sớm nhất. Năm 1847 JC Jacobsen thành lập xưởng sản xuất bia có tên là Carlsberg Lager Beer với 10-12 công nhân tại Đan Mạch. Tên Carlsberg được lấy theo tên của con trai ông- Carls Jacobsen. Carlsberg lần đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài vào năm 1868 đến Scotland.

AB InBev thành lập năm 1852 tại bang St.Louis, Mỹ. Hiện nay hãng bia này có gần 118 nghìn nhân viên tại 23 nước trên thế giới.  Đây cũng là thương hiệu bia đứng đầu và được tạp chí Fortune bình chọn thuộc top 5 công ty tiêu dùng lớn nhất trên thế giới. 

Heineken ra đời năm 1870. Tiền thân của Heineken là hãng sản xuất đồ uống Haystack có trụ sở tại Amsterdam được Gerard Adriaan Heineken mua lại khi ngành công nghiệp bia tại Hà Lan đi xuống. Năm 1870, nhãn hiệu bia Heineken’s Beiersch ra đời.

Sab Miller là hãng bia ít tuổi nhất trong 4 ông lớn, được sáng lập năm 1895 với vốn góp ban đầu là 650 nghìn bảng Anh. Thứ đồ uống ban đầu được lựa chọn là hỗn hợp giữa nước khoai tây với nước thuốc lá và hạt tiêu. Bia được phục vụ nhưng tương đối ít.

AB InBev là hãng bia đứng đầu thế giới

Mặc dù là Carlsberg là hãng bia ra đời sớm nhất nhưng ngôi vị đứng đầu thị trường bia lại lọt vào tay AB Inbev. Năm 2012, hãng bia này đạt 39,7 tỷ USD doanh thu trên thế giới. Với gần 40 tỷ USD, bia AB InBev bỏ xa các đối thủ khi doanh thu của Heineken đạt mức hơn 24 tỷ USD, Sabmiller gần 22 tỷ USD. Ngoài ra nguồn thu của AB InBev gần gấp 2,5 lần hãng bia lâu đời Carlsberg.

Ngoài vị trí quán quân về doanh thu, AB Inbev cũng là ông lớn đứng đầu về khả năng sinh lợi. Lợi nhuận của AB InBev trong năm 2012 đạt 11,1 tỷ USD, gấp 10 lần hãng bia Carlsberg.

Bốn ông lớn cung cấp gần trăm tỷ lít bia 

Theo số liệu thống kê sản lượng của 4 hãng bia Carlsberg, Sabmiller, Heineken và AB InBev năm 2012, tổng sản lượng bia cung cấp ra thị trường đạt 94 tỷ lít. Trong đó hãng bia AB InBev cung ứng ra lượng bia khổng lồ hơn 40 tỷ lít, bằng tổng sản lượng của Heineken và Sabmiller.

Vai trò của châu Âu và Châu Mỹ với 4 ông lớn

Một điểm khá thú vị là 4 ông lớn này chi làm 2 nhóm thống lĩnh các thị trường. Châu Âu là thị trường chính của Carlberg và Heineken. Trong khi đó Châu Mỹ là thị trường chính của AB InBev và Sabmiller. Châu Á Thái Bình Dương là khu vực mang về ít lợi nhuận cho 2 hãng bia lớn nhất này. Hãng bia AB InBev sẽ gia nhập vào Việt Nam- là thị trường tiêu thụ lớn tại châu Á Thái Bình Dương vào cuối năm 2013.

Tại Mỹ, AB InBev là hãng bia thống lĩnh khi chiếm gần nửa thị phần tiêu thụ. Tại thị trường này, Carlsberg đứng vị trí thứ 4 với tỷ trọng 4%.

Châu Á- Thái Bình Dương: thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ

Nhìn vào tỷ trọng lợi nhuận, châu Á- Thái Bình Dương là thị trường đem lại nguồn lợi thấp đối với 4 hãng bia. Tuy nhiên khối lượng tiêu thụ tại khu vực này cũng không phải là nhỏ. Năm 2012, người châu Á tiêu thụ 11 tỷ lít bia Sabmiller, chiếm hơn 48% tổng sản lượng. Mức tiêu thụ bia AB InBev cũng đạt gần 6 tỷ lít, Heineken khiêm tốn ở mức 0,65 tỷ lít.

Tại châu Á, mỗi hãng bia lại có thị trường quan trọng riêng. Đối với Heineken, Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc, Ấn Độ là những đất nước tiêu thụ lớn. Hãng bia này có mặt tại châu Á từ năm 1932 khi với tư cách đồng sáng lập nên hãng bia Tiger cùng với Malayan Breweries Ltd.

Đối với ông lớn AB InBev, Trung Quốc lại là thị trường quan trọng nhất tại châu Á Thái Bình Dương. Nhãn hiệu Harbin của hãng bia này lọt vào top 50 thương hiệu giá trị tại Trung Quốc năm 2012. 

Trung Quốc cũng là đất nước quan trọng của Sabmiller bên cạnh Ấn Độ. Nhãn hiệu bia Sabmiller được tiêu thụ lớn nhất tại đất nước này là Snow. Trong năm 2013, Sabmiller sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tại đất nước đông dân này bằng việc thâu tóm hãng bia Foster, xây dựng vị thế đứng đầu về sản phẩm bia, cung cấp thêm các dòng sản phẩm hạng sang nhằm tăng doanh thu.

Theo Trí Thức Trẻ

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × four =

To Top