Chiến lược thương hiệu
Sheconomy: Nền kinh tế của các quý bà (Phần I)
85% quyết định mua bán nằm trong tay các “bà”, 1/3 các bà vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng, không lạ vì sao các công ty đều đang đổ xô tới chiều chuộng họ.Trong số những việc mà con người không muốn làm, mang xe đi sửa là việc khó chịu nhất, tương đương với nhổ răng.
Garry Rosenfeldt, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Midas International, hiểu điều đó. Khi xe sửa xong, chỉ ¼ số khách hàng của Midas quay trở lại tìm kiếm các dịch vụ khác. Nha sỹ còn gặp lại bệnh nhân của mình nhiều hơn thế.
Để biết nên làm gì để khách hàng thoải mái, hay ít nhất là ít khó chịu hơn, cuối năm 2008 Rosenfeldt tiến hành thực nghiệm quay phim khách hàng trước và sau khi họ mang xe vào xưởng.
Ông thấy rằng đàn ông hay đàn bà thì cũng đều vừa sợ vừa ghét xưởng sữa chữa ô tô, nhưng hai giới lại đối phó với tình hình theo cách khác nhau.
Vì Midas kinh doanh ở lĩnh vực của đàn ông nên họ phải nhắm tới những gì đàn ông muốn? Không.
“Trên quan điểm tài chính mà nói, tôi muốn có khách hàng nữ hơn là nam,” Rosenfeldt nói. Ông tin các khách hàng này tốt hơn, trung thành hơn. “Họ nói muốn tìm “thợ quen” của mình,” ông nói. Và một khi đã tìm được và tin tưởng người đó, “họ chi mạnh.”
Tại Best Buy, Phó Chủ tịch cao cấp Julie Gilbert với công việc chính là tìm hiểu về các khách hàng nam ở phân khúc cao cấp cũng đi đến kết luận tương tự.
Cô thích tiến hành nghiên cứu ở các phòng khách, vì thế hay lui tới các gia đình giàu có để tìm hiểu xem vì sao họ chọn đồ đạc tại Best Buy mà không phải một dàn âm thanh gia đình đắt giá nào đó.
Ngay từ gia đình đầu tiên, cô đã hiểu mình đang nói chuyện với nhầm người. “Phụ nữ mới là người phát biểu,” Gilbert nói. “Họ cực kỳ say mê việc mua bán, và vấn đề gì đi chăng nữa họ cũng có ngay một giải pháp.”
Điều hai vị trên cùng rất nhiều doanh nhân khác phát hiện ra, đó là “nền kinh tế của các quý bà” (Sheconomy).
Một thế lực kinh tế đang nổi lên mạnh mẽ
Ai cũng biết ví tiền nằm trong tay các bà. Người ta nói đi nói lại rằng 85% quyết định mua bán là do họ đưa ra hay các bà là Giám đốc mua hàng cấp gia đình.
Có điều nay phụ nữ còn là nguồn thu nhập nữa, và điều này sẽ gây tác động lớn tới toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Tháng 10/2009, một nửa lực lượng lao động Mỹ là nữ: nữ giới chiếm 49.9% số việc làm phi nông nghiệp và 51,5% các vị trí chuyên nghiệp và quản lý được trả lương cao. Đó không phải chỉ là một vài điểm sáng.
Số phụ nữ tốt nghiệp đại học hay mới lấy bằng cấp cao hơn cao gấp rưỡi đàn ông. Khi thế hệ “baby boomer” thời hậu chiến vào đại học, tỷ lệ trên vẫn giống hệt thế nhưng nghiêng về phía đàn ông.
Khi Mỹ tiếp tục quá trình chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế tri thức, phụ nữ đã sẵn sàng. 9/10 nghề nghiệp Cơ quan thống kê lao động dự báo sẽ tuyển thêm nhân viên trong 8 năm tới đều có phụ nữ chiếm đa số.
Cho dù đa phần phụ nữ vẫn kiếm được ít hơn nam giới, ít người ngồi ở những vị trí quan chức được trả lương cao nhất và bị hạn chế bởi thiên chức làm mẹ, 1/3 phụ nữ vẫn kiếm được nhiều tiền hơn chồng.
Theo James Chung từ công ty nghiên cứu Reach Advisors sau hơn một năm nghiên cứu dữ liệu từ cuộc Điều tra cộng đồng Hoa Kỳ của Cục Thống kê dân số năm 2008, trong riêng phân người độc thân chưa con cái ở độ tuổi 20, thu nhập của phụ nữ vượt nam giới.
Ở khu vực đô thị, thu nhập trung bình của nữ giới bằng 108% nam giới. Ở một số nơi, “họ không chỉ đuổi kịp, mà còn vượt xa”, Chung nói. Ở Atlanta, nữ giới hưởng lương cao hơn 21%, ở New York là 17%.
Những thành quả chủ yếu là nhờ giáo dục ấy có thể tan biến khi phụ nữ sinh con. Tuy vậy, việc nhiều phụ nữ có thu nhập tốt hơn làm thay đổi nhiều điều, trong đó cơ bản nhất là số tiền họ có.
Bước chuyển ấy có thể thấy rõ trên khắp thế giới. Một báo cáo mới đây của Booz & Co. gọi phụ nữ là “the Third Billion”, tức trên phạm vi toàn cầu, nữ giới chính là “nền kinh tế mới nổi” tiếp theo.
Việc này có được phần nhiều là nhờ sức mạnh kinh tế của phụ nữ ở các nước đang phát triển ngày càng đi lên, nhưng thậm chí ngay ở Mỹ, phụ nữ nắm 51,3% tài sản cá nhân.
“Chúng ta sắp chứng kiến một biến chuyển quyền lực to lớn làm thay đổi xã hội loài người,” Mady Dychtwald viết. “Đó là một thế giới mà phụ nữ có thể, nếu muốn, nắm quyền kiểm soát kinh tế.”
Sự thay đổi ấy bắt đầu ngay chính trong các gia đình. Một nghiên cứu gần đây của Pew với những người từ 30 đến 40 tuổi cho thấy khi người chồng là nguồn thu nhập chính hay duy nhất, quyết định chi tiêu trong nhà được phân định khá cân bằng.
Ông quyết 1/3, bà quyết 1/3, 1/3 còn lại hai người cùng quyết chung. Nhưng trong số 22% hộ gia đình có phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn, số quyết định chi tiêu “bà” đưa ra nhiều gấp đôi “ông”. Phụ nữ kiếm được nhiều hơn theo cấp số cộng thì số tiền trong tay họ tăng theo cấp số nhân.
Phụ nữ ngày càng mua bán nhiều những thứ vốn chỉ thuộc về đàn ông. Năm 2007, 90/200 tỷ USD doanh số thiết bị điện tử tiêu dùng đến từ phụ nữ. 105/256 tỷ USD thị trường sửa chữa nhà cửa cũng là của họ. 44% số fan giải bóng bầu dục Mỹ cũng là nữ.
Trước thay đổi ấy, chẳng có mấy ngành lại không cố thu hút đôla của các “bà”, kể cả những ngành trước đây gần như chỉ dành riêng cho đàn ông như máy tính, ô tô hay dịch vụ tài chính.
Website Harley-Davidson có riêng phần “Nữ xế” (Women Riders). Năm nay, nhà sản xuất xì gà Cuba Habanos tung ra lại xì gà Julieta nhỏ hơn, nhẹ hơn, dành riêng cho phụ nữ.
Theo Minh Tuấn – The Economist
Nguồn CafeF
