Tin trong nước
Sản phẩm ăn liền gốc gạo: Giá cao, bán vẫn chạy
Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm ăn liền làm từ bột gạo hiện có khoảng 70 loại và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.Theo lãnh đạo hệ thống siêu thị Co.op Mart, trước đây các sản phẩm ăn liền có nguồn gốc từ bột gạo chỉ chiếm 10%, nay đã tăng lên 40%. Phổ biến nhất là bún, phở, hủ tiếu, bánh đa cua, cháo sấy khô… dù có giá bán trung bình cao hơn mì gói nhưng vẫn bán rất chạy.
Không chỉ trong nước mà các sản phẩm ăn liền làm từ bột gạo của VN cũng được đánh giá rất cao trên thế giới. Cụ thể như món phở và bánh đa cua của Công ty cổ phần Kỹ Nghệ Thực Phẩm Việt Nam – Vifon cũng được Liên đoàn Các Hiệp hội Khoa học & Công nghệ thực phẩm quốc tế (IUFoST) trao tặng Giải thưởng Công nghiệp thực phẩm toàn cầu IUFoST.
Tại một hội thảo về đổi mới sáng tạo gần đây, Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa – Miliket cho biết mỗi năm sử dụng đến 10.000 tấn gạo để chế biến các sản phẩm ăn liền phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo tính toán của DN này, qua chế biến giá trị hạt gạo đã tăng gấp 2 lần. Đặc biệt hơn, gần đây DNTN bánh kẹo Á Châu (ABC) của ông Cao Siêu Lực còn nghiên cứu sáng chế ra sản phẩm bánh mì làm từ gạo. “Tôi tin đây sẽ là loại bánh mì độc đáo của người Việt đủ sức làm hài lòng người sành ăn của thế giới”, ông Lực nói.
Cũng phát triển sản phẩm từ gạo, ông Bùi Hữu Lộc – chủ DN chế biến bột Lộc Sánh – cho biết cứ 1 tấn gạo thì có thể chế biến được từ 700 – 730 kg bột. Giá thành xuất khẩu (ủy thác) hiện khoảng 14 triệu đồng/tấn. Từ năm 2000, sản phẩm bột gạo đã được xuất khẩu sang Đài Loan. Đến nay DN này đã có khách hàng từ nhiều nước như: Úc, Hà Lan, Thái Lan, Campuchia, Pháp… với số lượng trên 3.000 tấn mỗi năm.
Trong khi đó, ông Trần Khiêm Khánh, cha đẻ của thương hiệu bột Bích Chi chia sẻ, mình sống trên vựa lúa gạo, bà con nông dân làm ra rất nhiều lúa gạo mà không tiêu thụ được nhiều năm qua vẫn nghèo là điều rất đáng buồn. Gạo của mình chất lượng không cao bằng Thái Lan nên khó cạnh tranh.
Để tăng giá trị hạt gạo thì chúng ta phải chế biến nó thành các sản phẩm tinh chế. Phương Tây họ mang bột mì của họ đi khắp thế giới thì mình cũng có thể quảng bá cho bột gạo của Việt Nam. Các nước Nhật, Trung Quốc… cũng có nhiều loại bánh làm từ bột gạo rất ngon. Đó là cơ sở để tin rằng nếu biết cách chúng ta có thể phát triển xuất khẩu bột gạo. Hiện thương nhân Thái Lan vẫn đến Sa Đéc để mua bột về xuất khẩu đi các nước.
Theo Thanh Niên