Connect with us

Sàn B2B chật vật tìm hướng đi mới

Tình huống thương hiệu

Sàn B2B chật vật tìm hướng đi mới

Không nằm ngoài bối cảnh khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các sàn thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp (B2B, Business to Business) hiện đều gặp phải những vấn đề về nguồn vốn, doanh thu và nhân lực trong quá trình hoạt động. 

Một số sàn B2B đang đưa ra những chiến lược, hướng đi mới nhằm tiếp tục tồn tại, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của thị trường lẫn khách hàng.

Việc trang web Gophatdat.com giải thể sau một thời hoạt động sôi nổi (có tới 17.000 thành viên trong 23 lĩnh vực với gần 9.000 chủng loại sản phẩm) cùng tình trạng không truy cập được của nhiều trang web như vietgo.com, b2bvietnam.com, vietnamb2b.com, vnemart.com, daugia247.com, marofin.com… đã phần nào nói lên thực tế khó khăn của các sàn thương mại trực tuyến B2B này.

Có khá nhiều nguyên nhân để lý giải cho các cuộc ra đi này, nhưng phần lớn là do các sàn không có nhiều khách hàng lại không thể thu phí thành viên, từ đó không bảo đảm nguồn thu và dẫn đến việc không thể tiếp tục hoạt động.

Từ sàn nội

Một vị đại diện của Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE) cho biết lượng khách hàng tham gia sàn hiện tại tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sự tăng trưởng chủ yếu là ở ngành thép. Còn ngành phân bón do hoạt động mua bán trên sàn mới chính thức từ tháng 8 vừa rồi nên hiện mới thu hút khoảng 50 doanh nghiệp tham gia. Sacom-STE dự kiến trong thời gian sắp tới mở rộng thêm một số ngành hàng có tiềm năng phát triển như phân bón, hạt nhựa… chứ không chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực chuyên biệt như nông sản, thủy sản hay công nghiệp.

Bên cạnh đó, ngoài việc kết nối doanh nghiệp mua hàng và doanh nghiệp bán hàng, Sacom-STE sẽ cung cấp thêm dịch vụ hỗ trợ tín dụng cho bên mua. Cụ thể, bên mua chỉ phải ký quỹ trước khoảng 30%, khoản còn lại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ cho vay và giải ngân thông qua sàn này. Sacom-STE cũng sẽ tạo thêm một kênh mua bán các công cụ phái sinh, hợp đồng kỳ hạn cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Ông Hà Tuấn Anh, đại diện Ban quản lý sàn thép Vinametal.com, nói rằng từ đầu năm đến nay, lượng khách hàng tham gia giao dịch tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh thu tăng trưởng rất thấp. Trong thời gian tới sàn này sẽ tiếp tục hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp Việt Nam đăng thông tin về hàng hóa trên sàn; tuy nhiên, có thể xem xét thu phí việc cung cấp các thông tin “nóng” về ngành thép như thị trường thép trong nước và quốc tế, chẳng hạn, ở các thị trường thép lớn như Nga, Trung Quốc… đang có nhu cầu về mặt hàng nào, thừa sản phẩm nào, kèm theo việc cung cấp các bản báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường chuyên ngành thép cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ việc cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể và kịp thời, Vinametal.com kỳ vọng sẽ phần nào giúp doanh nghiệp có thể linh hoạt trong việc xây dựng những chiến lược kinh doanh đáp ứng được nhu cầu của thị trường, ví dụ đưa ra quyết định nhanh chóng trong việc nhập hàng, trả hàng khi thị trường có những diễn biến mới. Ngoài ra, sàn cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Trong tương lai, sàn sẽ mở thêm một trang tiếng Anh nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia, với mục đích tạo cầu nối giữa các nhà kinh doanh và sản xuất thép trong và ngoài nước.

Vinametal.com cũng dự kiến tổ chức các buổi gặp mặt giữa các nhà xuất nhập khẩu trong nước để trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin cho nhau cũng như thường xuyên mời những người mua tiềm năng ở thị trường quốc tế đến giao lưu, gặp gỡ với các doanh nghiệp trong nước, ông Tuấn Anh cho biết.

Đến sàn ngoại

Ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Công nghệ OSB – đại diện Alibaba.com ở Việt Nam, cho hay sàn này vừa đưa ra thị trường các dịch vụ mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm kiếm, tiếp cận với đối tác thuận tiện hơn như chức năng tài khoản phụ (Sub Account), công cụ phân tích về từ khóa mà người mua thường sử dụng (Biz Trends), các trang thông tin phụ (Sub Web) của doanh nghiệp.

Trong đó, với chức năng tài khoản phụ, ngoài tài khoản chính mà chủ doanh nghiệp quản lý như lâu nay, sẽ có thêm năm tài khoản phụ giúp doanh nghiệp dễ dàng phân bổ nhân lực cho công tác chăm sóc, trả lời thư khách hàng một cách nhanh chóng. Còn chức năng phân tích từ khóa sẽ cho doanh nghiệp biết được những từ khóa nào người mua hay sử dụng khi tìm kiếm sản phẩm, đặc biệt là những hàng hóa đặc thù như máy móc chuyên ngành…, từ đó các nhà xuất khẩu sẽ biết cách chọn từ khóa phù hợp để đăng giới thiệu về hàng hóa.

Một tính năng khác là Message sẽ cho biết người mua đang tìm kiếm các sản phẩm tương tự thuộc ngành hàng nào, thư hỏi mua hàng được gửi đến bao nhiêu nhà cung cấp để doanh nghiệp chủ động đăng sản phẩm phù hợp hơn cũng như xem xét mức độ cạnh tranh và đánh giá lại khách hàng tiềm năng, ông Toản cho biết thêm.

Còn bà Vũ Thị Hằng, Trưởng phòng đối ngoại của sàn Globalsources.com ở Việt Nam, nói rằng sàn này sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiếp thị nhằm thu hút các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, thường xuyên tổ chức những buổi hội chợ cho các doanh nghiệp Việt Nam triển lãm hàng hóa ở các thị trường nhập khẩu lớn như Hồng Kông, Ấn Độ, Brazil… Ngoài ra, sàn cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sàn với chi phí thấp hơn.

Trong quá trình hội chợ, sàn sẽ đăng tải hình ảnh chi tiết về gian hàng, sản phẩm của doanh nghiệp thành viên lên trang hội chợ trực tuyến của Globalsource.com để nhà nhập khẩu có thể xem và gửi thư hỏi mua hàng cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, sàn sẽ mở thêm nhiều khóa huấn luyện dành cho nhân viên của các doanh nghiệp thành viên về nghiệp vụ giao dịch với khách quốc tế, kỹ năng sàng lọc thư hỏi mua hàng, kỹ năng bán hàng, bà Hằng cho biết thêm.

Ngoài ra, cả hai sàn Alibaba.com và Globalsources.com đều hỗ trợ thành viên lập gian hàng riêng để có thể gửi riêng cho những khách hàng mục tiêu những mẫu thiết kế sản phẩm mới, sản phẩm chiến lược cũng như các chính sách ưu đãi mà nhà xuất khẩu dành cho đối tác tiềm năng… Chỉ những đối tác nào nhận được thư mời mới có thể xem thông tin trên trang riêng này, điều này góp phần bảo vệ doanh nghiệp trong các vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ liên quan đến mẫu mã, hình ảnh sản phẩm, hàng hóa và thương hiệu công ty.

Nhìn chung, giới chuyên gia thương mại nhận định rằng thị trường B2B Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ. Thị trường này đang tạo ra cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho những doanh nghiệp có hoài bão và tham vọng gia nhập vào nó.

Theo TBKTSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen + seven =

To Top