Connect with us

Ra ngõ gặp hàng Thái

Tình huống thương hiệu

Ra ngõ gặp hàng Thái

Hàng Thái Lan bằng nhiều con đường khác nhau đã xuất hiện khắp nơi trên thị trường và có những mặt hàng đánh bật cả hàng Trung Quốc. Ở lĩnh vực ngành hàng điện tử, điện máy như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy sấy tóc..., hàng xuất xứ từ Thái Lan chiếm đến 70% thị phần.

Ngấp nghé sau hàng Trung Quốc

Theo nhận định của nhiều nhà kinh doanh, hiện nay, trong số các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài, thì hàng xuất xứ tại Thái Lan đứng thứ hai trên thị trường, sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiếm tỷ lệ cao ở nhiều ngành hàng có giá trị và được tiêu thụ mạnh như điện tử, điện lạnh thì Thái Lan đứng đầu.

Theo Thương vụ Thái tại TP.HCM, từ nhiều năm qua, Thái Lan đã xuất sang Việt Nam nhiều mặt hàng, gồm: đồ điện gia dụng, máy móc, sắt thép, hóa chất, ô tô và phụ tùng thay thế, xe máy và phụ tùng xe máy, than đá…

Ngoài những mặt hàng trên, khảo sát thực tế còn cho thấy, hàng Thái hiện diện tại Việt Nam với đủ loại, từ thực phẩm, trái cây cho đến hàng may mặc.

Cũng như hàng Trung Quốc, hàng Thái hiện diện ở tất cả các ngóc ngách trên thị trường, từ thành thị cho đến nông thôn, từ cửa hàng hàng tạp hóa cho đến chợ, siêu thị…

Tại kênh phân phối hiện đại, hàng Thái chiếm tỷ trọng thấp so với hàng Việt nhưng vẫn cao hơn nhiều so với hàng từ các nước khác. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc hệ thống siêu thị Hà Nội, cho biết, hiện hàng Thái chỉ chiếm khoảng 5% lượng hàng hóa bán trong siêu thị. Trong các mặt hàng bánh kẹo, nước uống, đồ hộp, quần áo may sẵn, mỹ phẩm nhập khẩu thì hàng Thái Lan có thế mạnh hơn.

Ở các chợ, trái cây, quần áo may sẵn xuất xứ từ Thái chiếm ưu thế so với hàng nhập từ các nước khác. Cụ thể, các loại trái cây nhập từ Thái như chôm chôm, sầu riêng, xoài, bòn bon, măng cụt, quýt… luôn được tiêu thụ mạnh.

Đại diện Công ty Mỹ phẩm Lan Hảo khẳng định, trong nhóm các sản phẩm chăm sóc tóc ở mức giá trung bình như gel, thuốc nhuộm – duỗi, dầu hấp tóc, hàng Thái qua mặt hàng Việt Nam và gần như không có đối thủ từ nhiều năm nay.

Theo khảo sát của Mỹ Hảo, hàng Thái bao phủ hầu hết các tiệm uốn tóc tại TP.HCM, chiếm hơn 80% lượng hàng ở các sạp chuyên bán mỹ phẩm cho thợ ngành tóc ở khu vực chợ Tân Bình, Kim Biên, Bình Tây…

Tương tự, ở lĩnh vực ngành hàng điện tử, điện máy như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy sấy tóc…, hàng xuất xứ từ Thái Lan chiếm đến 70% thị phần trên thị trường. Đó là do các hàng sản xuất lớn trên thế giới đều đặt nhà máy tại Thái Lan, vì vậy, dù hàng của các thương hiệu Panasonic, Philips, Sanyo… đều có “made in Thailand”.

Đại diện một DN thường xuyên tham gia các chuyến hàng về nông thôn cho biết, so với TP.HCM, sức tiêu thụ hàng Thái Lan của người tiêu dùng các tỉnh ĐBSCL mạnh nhiều hơn. Ở các vùng biên giới, nhóm hàng hóa mỹ phẩm như bột giặt, kem đánh răng, dầu gội, thậm chí là hàng may mặc chiếm phần nhiều là hàng Thái Lan.

Ở những nơi hàng Việt chưa phủ tới thì hàng Thái gần như chiếm lĩnh thị trường. Các nhà kinh doanh cho rằng, so với hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan đang được nhiều người tiêu dùng Việt Nam nhìn nhận với một sự tin cậy cao hơn, đặc biệt là sự tin cậy về chất lượng.

Theo giới kinh doanh, từ nhiều năm nay, hàng Thái đã vào Việt Nam bằng rất nhiều đường khác nhau: chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, xách tay và bằng đường nào cũng cạnh tranh được với hàng nội.

Khi vào thị trường Việt Nam, hàng Thái lại được tổ chức phân phối khá chặt chẽ. Những nhà phân phối hàng Thái đều được nhà cung cấp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối khá tốt, đặc biệt chú trọng phát triển thị trường nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, một nhà phân phối quần áo may sẵn nhập từ Thái Lan cho biết, mua hàng Thái khá dễ. Muốn tìm những lô hàng mới, chỉ cần liên lạc với các công ty Thái trên mạng. Nếu đặt hàng với số lượng lớn thì chỉ cần 10 – 15 ngày sau là đối tác sẽ gửi hàng tậân nơi bằng đường hàng không.

“Bí mật” sức mạnh Thái

Sở dĩ hàng Thái tràn ngập thị trường Việt Nam, theo giới phân tích, vì ngoài ưu thế giảm thuế từ hội nhập AFTA, các DN Thái còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ. 

Không tự bươn chải như các nước khác, DN Thái nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ trong việc xúc tiến, đưa hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Các cơ quan xúc tiến thương mại của nước này thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm Thái Lan ở nước ngoài và luôn thành công nhờ có sự đồng thuận của DN và Chính phủ.

“Với những hội chợ đầu tiên tìm đối tác ở nước ngoài, các DN Thái được Chính phủ hỗ trợ 100% kinh phí. Những hội chợ sau đó cũng sẽ được hỗ trợ nhưng mức mức hỗ trợ sẽ giảm dần vì các DN đã kinh doanh và hoạt động tại nước sở tại”, đại diện Thương vụ Thái tại TP.HCM cho biết.

Cũng đánh giá cao vai trò của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ DN xuất khẩu, ông Bùi Đức Huệ, Giám đốc Công ty Phân phối Sao Việt, DN chuyên phân phối hàng ngoại, cho rằng, Thái Lan là nước có văn phòng xúc tiến thương mại tốt nhất ở Việt Nam.

Để mở rộng thị trường tại Việt Nam, mỗi năm, các cơ quan này tổ chức từ 2 – 4 hội chợ, triển lãm để quảng bá hàng Thái. Không những thế, họ còn đưa hàng vào tất cả các khu kinh tế cửa khẩu.

Hai hội chợ, triển lãm hàng Thái Lan dành nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam là “Hội chợ bán lẻ hàng Thái” và Triển lãm sản phẩm Thái Lan”.

Trong đó, “Hội chợ bán lẻ hàng Thái” đã diễn ra đến lần thứ 6 và Triển lãm sản phẩm Thái Lan đã diễn ra lần thứ 11. Từ đầu năm đến nay, hai hội chợ, triển lãm này đã diễn ra lần lượt trong tháng 4, 8 và thu hút rất đông khách tham dự.

Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, một trong những “bệ đỡ” giúp hàng Thái phát triển mạnh ở Việt Nam là ngành du lịch. Với sự phát triển mạnh mẽ cộng với tour, tuyến giá rẻ, du lịch Thái đã thu hút khá đông khách du lịch Việt Nam.

Người Việt Nam du lịch Thái mua hàng về sử dụng thấy tốt khi về nước tìm hàng Thái để mua. Điều này càng khiến cho hàng Thái có nhiều cơ hội hơn để phát triển.

Dù hàng Thái đang phát triển khá tốt tại Việt Nam nhưng chính phủ nước này vẫn đang tiếp tục hỗ trợ DN đưa hàng tiến sâu vào Việt Nam.

Bà Pranomsri Sormkun Ngoen, Lãnh sự Thương mại Văn phòng Thương vụ Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM, cho biết, để giúp các DN xuất hàng qua Việt Nam, Văn phòng Thương vụ sẵn sàng cung cấp thông tin cho các công ty Thái Lan về thị trường hàng hóa, các nhà nhập khẩu, phân phối và các quy định của Việt Nam.

Thậm chí, văn phòng này còn tổ chức các chương trình, các cuộc hẹn, tham quan nhà máy… cho các công ty Việt Nam muốn nhập khẩu hàng Thái và các công ty Thái Lan muốn tìm kiếm đối tác tại Việt Nam…

Hiện nay, hàng Thái có giá cao hơn hàng trong nước từ 20 – 25% do chi phí phân phối cộng với thuế. “Nhưng khi tất cả các mặt hàng đều áp thuế 0% cộng với chính sách hỗ trợ tích cực của Chính phủ Thái thì DN Việt sẽ rất “mệt” với hàng Thái”, ông Huệ khẳng định.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − twelve =

To Top