Connect with us

Ra chợ sắm đồ đắt tiền

Tin trong nước

Ra chợ sắm đồ đắt tiền

Hai hộp kem Guerlain hơn 15 triệu đồng, hộp phấn phủ 2,8 triệu đồng, thêm kem chống nắng, kem rửa mặt và dưỡng trắng da gần 10 triệu đồng, hoá đơn tính tiền của cô Bảo Ngọc mua mỹ phẩm ở chợ Bến Thành lên gần 30 triệu đồng. 

Không đủ tiền mặt trả ngay, người bán ở sạp Xuân Dung cho biết, cô Bảo Ngọc có thể thanh toán bằng thẻ, hoặc nhân viên của sạp sẽ giao hàng tại nhà vào bất cứ lúc nào cô Ngọc thấy thuận tiện.

Hàng đắt tiền ở chợ

Thay cho những mặt hàng có giá bình dân, nhiều sạp chợ tại TP.HCM đã chuyển sang bán hàng đắt tiền của những nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc hàng nhãn hiệu riêng do chủ sạp mua từ nguồn cung cấp độc quyền; hoặc đặt riêng để nhà sản xuất làm theo yêu cầu. Như sạp Hoa Hưng số 680 khu cửa Tây chợ Bến Thành chuyên bán quần áo thời trang cỡ lớn (big ) và tuổi trung niên. Mỗi chiếc áo ở đây có giá khoảng 1,5 triệu đồng, đầm hoặc túi xách lên đến vài triệu đồng. Diện tích sạp chỉ hơn 2m2, không đủ chỗ bày hàng, mỗi khi có khách đến hỏi mua, cô Lâm Thị Hoa – chủ sạp đều nói trước: “Hàng ở đây giá cao, không nói thách và không bớt đồng nào”, khách đồng ý thì người bán mới mở hàng để chọn lựa. Sạp bà Nga, tầng trệt chợ An Đông (cũ) trước đây chuyên bán quần áo lót, nay cũng đã chuyển sang bán các loại quần áo hàng hiệu nhập từ nước ngoài, giá áo thun bình quân 1,7 – 2 triệu đồng/cái, đầm 2 – 5 triệu đồng/cái, có một số kiểu độc đáo, giá tính bằng đôla Mỹ khi quy đổi sang tiền Việt lên đến cả chục triệu đồng.

Tương tự, quầy mỹ phẩm Xuân Dung ở chợ Bến Thành chuyên về mỹ phẩm chăm sóc da và chỉ bán mỹ phẩm có thương hiệu nổi tiếng. Tại đây có máy soi da, máy thanh toán thẻ, dịch vụ giao hàng tận nhà, cho đổi trả hàng nếu khách bị dị ứng sau khi dùng… Quầy mỹ phẩm An ở chợ An Đông (mới) cũng được khách hàng biết đến, vì chuyên bán mỹ phẩm có thương hiệu và mỗi khách mua hàng đều được ông chủ quầy tư vấn chăm sóc da và cách chọn lựa khá kỹ.

Cũng vậy, sạp giày dép và quần áo thời trang Nina ở chợ Bến Thành, giá mỗi đôi giày từ 1 triệu đồng trở lên, túi xách vài triệu đồng/chiếc. Kiểu quai, mẫu đế của giày Nina khác hẳn với các sạp khác trong chợ Bến Thành cũng như các tiệm giày trong thành phố. Theo nhân viên bán hàng, toàn bộ sản phẩm được đặt gia công ở nước ngoài, nhưng đóng hiệu riêng Nina, độc quyền phân phối tại sạp chợ và các nơi khác.

Mua – bán bằng uy tín

Lý do quan trọng nhất mà hầu hết các chủ sạp bán hàng đắt tiền đều chọn điểm bán tại chợ, không vào trung tâm thương mại là vì họ tin rằng: lượng khách đến chợ vẫn nhiều hơn trung tâm thương mại. Cô Lâm Thị Hoa nói: “tôi đã quan sát, đến trung tâm thương mại ăn uống, vui chơi, đi dạo đa phần là giới trẻ. Còn khách có khả năng mua hàng đắt tiền là người đã trưởng thành, đa phần vóc dáng đẫy đà – hợp với loại hàng của sạp. Nhóm người này vẫn quen đi chợ hơn”.

Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, chủ quầy mỹ phẩm Xuân Dung cho biết, “cho đến thời điểm này, chợ vẫn luôn có lượng khách nhất định”. Và bà Dung nhấn mạnh: “chợ Bến Thành còn hơn cả trung tâm thương mại, có thể thu hút khách nước ngoài, người có tiền ở Sài Gòn, người ở các tỉnh ghé đến mỗi dịp lên thành phố…”

Thứ đến là các sạp hàng ở chợ chuyển sang bán hàng đắt tiền và giữ chân được khách chính là uy tín trong mua – bán. Bà Nguyễn Thị Thịnh, chủ sạp Nina đã có hơn 20 năm bán giày dép, túi xách thêu nói: “Hàng đẹp, đúng chất lượng thì giá cao hay thấp không phải là điều quan trọng và khách mua có thể thử cả vài chục đôi giày, không mua, nhân viên vẫn tươi cười vui vẻ”.

Theo bà Xuân Dung, điều mà khách đi mua mỹ phẩm và trở thành mối của bà gần 30 năm qua, chính là: “Mua hàng ở chợ chính chủ đứng bán, người mua được kể chuyện, được trao đổi và chủ bán sẽ đích thân chịu trách nhiệm với khách, khác với mua hàng ở trung tâm thương mại người mua chỉ tiếp xúc với nhân viên bán hàng”. Nhờ có kinh nghiệm, kết hợp thêm kiến thức từ các khoá đào tạo của hãng mỹ phẩm, nên bà Dung có thể tư vấn cho khách đúng loại cần thiết. “Ngay cả khi khách chọn mua, nếu thấy không đúng, tôi cũng khuyên đừng mua và phân tích cho họ biết làn da họ cần gì”, bà Dung bộc bạch.

Chỉ mới ba tháng mở sạp, nhưng thời trang Hoa Hưng đã có nhiều khách quen. Cô Lâm Thị Hoa cho biết: “Do có nguồn hàng nhập độc quyền, mỗi sản phẩm đều chỉ có vài chiếc, giá đắt nhưng đảm bảo không đụng hàng nên khách đã mua một lần đa phần đều quay lại”. Sạp mỗi khi bán món hàng nào cho khách đều ghi lại số điện thoại, sở thích để mỗi lần có hàng mới về liền mời khách đến xem, đây cũng là cách giữ chân khách của hầu hết các sạp bán hàng xịn trong chợ. Nhờ vậy, các sạp bán hàng “xịn” đã xây dựng được mạng lưới khách hàng ở TP.HCM và các tỉnh.

Uy tín trong mua bán, vui vẻ niềm nở, dịch vụ bán hàng linh động…, những sạp bán hàng đắt tiền ở chợ đang kéo khách có thu nhập cao. Dường như khách cũng thích điều đó hơn là vào trung tâm thương mại hào nhoáng, sang trọng nhưng… lạnh lùng. Cô Bảo Ngọc tâm sự: “Tui thích mua hàng ở chợ, dù giá có khi không rẻ hơn vào trung tâm thương mại, nhưng được chính chủ chăm sóc, hướng dẫn, có khi còn tán dóc với mấy nhỏ bán hàng, được nghe nhiều chuyện vui hơn”.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 − nine =

To Top