Connect with us

“Quyền định đoạt” TH True Milk

Tình huống thương hiệu

“Quyền định đoạt” TH True Milk

“Tôi không có đối thủ”, câu phát ngôn của bà Thái Hương, chủ thương hiệu TH True Milk, có thể coi là gây sốc nhưng nó cũng cho thấy sự “đối đầu” trong ngành sữa vốn ngấm ngầm, nay đã được bày ra công khai.

Ông Trần Bảo Minh, cựu Phó tổng giám đốc Vinamilk và CEO của TH True Milk, nhấn mạnh một điều: Cạnh tranh lớn nhất để giành vị trí dẫn đầu trong các doanh nghiệp sữa hiện nay chỉ ở phân khúc thị phần sữa tươi.

Tiêu thụ sữa tươi của Việt Nam còn rất thấp, khoảng 5,8 lít/người, (Thái Lan 30 lít/người, Singapore 45 lít, Malaysia 44 lít…), trong khi sản xuất sữa tươi trong nước mới đáp ứng khoảng 22-25% nhu cầu tiêu thụ.

Sức mạnh của đàn bò



Năm 2009, tranh thủ thị trường đang lùm xùm việc nhập nhằng giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên, tháng 7/2010, Vinamilk tung ra sản phẩm sữa tươi 100% nguyên chất và doanh số bán hàng đạt mức rất khả quan. Tháng 8/2011, sữa tươi TH True Milk cũng chính thức gia nhập thị trường.

Với chiến dịch quảng cáo khá rầm rộ, cùng hệ thống nhận diện thương hiệu thông qua các cửa hàng bán lẻ TH True Mart mọc lên ở các thành phố lớn, việc xuất hiện của TH True Milk đã làm cho thị phần sữa tươi “nóng” lên.

Theo bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH Group: “Trước khi TH True Milk tham gia thị trường, người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu hiểu biết hơn về tầm quan trọng của sữa tươi và nắm bắt nhu cầu này, chúng tôi đã chọn hướng đi riêng, chỉ sản xuất sản phẩm sữa tươi sạch nguyên chất (không có sữa hoàn nguyên)”. 

Khi cuộc chiến trong phân khúc sữa tươi đang dần nóng lên. Dĩ nhiên, phần thắng sẽ thuộc về doanh nghiệp có thực lực tài chính và chủ động nguồn nguyên liệu. Vì vậy, TH Group đã đầu tư hơn 350 triệu USD trong giai đoạn 1 cho trang trại bò sữa với hơn 22.000 con bò và tiếp tục đầu tư để cuối năm 2013, nâng tổng đàn bò lên 45.000 con, và năm 2017 đạt 137.000 con.

Mặc dù, TH True Milk khá mạnh tay trong việc đầu tư và chiến lược ban đầu thể hiện khá bài bản, nhưng dư luận vẫn hoài nghi về khả năng tài chính của TH trong bước đi lâu dài khi dự án vùng nguyên liệu và trang trại bò sữa hiện đại của TH True Milk đã vay ngân hàng hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Thái Hương tự tin cho rằng, ngoài Ngân hàng Bắc Á là đơn vị tư vấn tài chính, TH Milk còn có sự hỗ trợ của nhiều đối tác khác. 

Tương tự, Vinamilk, FrieslandCampina cũng đua nhau xây dựng chiến lược tự chủ về nguồn nguyên liệu sữa tươi thông qua việc phát triển đàn bò.

Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc Đối ngoại FrieslandCampina Việt Nam, cho biết: “Công ty đang có một nguồn nguyên liệu sữa hơn 60 ngàn tấn/năm, chất lượng và ổn định, được cung cấp bởi hệ thống hơn 3.100 trạng trại, nông hộ, do công ty chọn lọc, kiểm định, ký hợp đồng thu mua, huấn luyện, và kiểm tra giám sát.

Từ chỗ gần như không có nền kinh tế nông nghiệp bò sữa, đến nay, Bình Dương và các vùng lận cận Củ Chi, Long An, Thủ Đức, Sóc Trăng đã có hơn 3.100 hộ nông dân nuôi bò tham gia chương trình phát triển ngành sữa của FrieslandCampina Việt Nam. Công ty đã đầu tư trên 13 triệu USD để huấn luyện cách thức quản lý trang trại và hiện đang có trên 30 ngàn con bò”. 

Ở vị thế dẫn đầu, Vinamilk cũng tăng tốc đầu tư hơn 700 tỷ đồng để xây dựng các trang trại bò sữa tại Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định và Lâm Đồng, với quy mô thiết kế mỗi trang trại từ 2.000-3.000 con.

Theo kế hoạch, tổng đàn bò của các trang trại Vinamilk đến cuối năm 2012 đạt 9.500 con, đến năm 2016 sẽ tăng lên 28.000 con và có thể cung cấp trên 80.000 tấn sữa tươi.

Mới đây, Vinamilk đã quyết định đầu tư 20% vốn vào một doanh nghiệp sữa ở New Zealand nhằm ổn định vùng nguyên liệu sữa chất lượng cao từ nước ngoài để hỗ trợ cho phần thiếu hụt trong nước. Song song đó, Vinamilk cũng thu mua từ các hộ dân trên 450 tấn/ngày. Đến năm 2016, dự kiến sẽ thu mua lên 600 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày. 



Phá thế chân kiềng 



Ngay khi gia nhập thị trường, TH True Milk đã gây sốc bằng thông điệp quảng cáo “sữa sạch”. Theo các doanh nghiệp cùng ngành, khái niệm “sữa sạch” của TH chỉ là “chiêu thức” để quảng cáo, đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bà Hương quả quyết: “Khi đưa ra thông điệp “sữa tươi sạch”, tôi không có ý cạnh tranh, so sánh với sản phẩm khác mà chỉ mô tả chính xác về sản phẩm TH True Milk và chiến lược mà chúng tôi đang thực hiện.

Cụ thể, để đảm bảo sản phẩm sữa sạch, nguyên chất, chúng tôi xác định nguồn sữa tươi nguyên liệu phải được kiểm soát chất lượng với quy trình khép kín từ khâu chọn giống, thức ăn, chăm sóc bò đến khâu chế biến và phân phối”. Trang trại TH được trực tiếp quản lý bởi hai công ty đa quốc gia: Afikim của Israel về quản trị đàn bò và Totally Vets của New Zealand quản trị về mặt thú y.

Bên cạnh đó, họ cũng tư vấn cả việc nhập khẩu bò từ New Zealand, Úc… là những nước có giống bò sữa tốt nhất, bò được ăn cỏ ủ chua diệt vi khuẩn, được tắm mát và nghe nhạc mỗi ngày, được gắn chip ở chân để theo dõi sức khỏe một cách chính xác nhất để đảm bảo được sự vẹn toàn của sữa tươi trong suốt quy trình. 

Song gần đây, với tuyên bố của người đứng đầu TH True Milk là “không có đối thủ và sẽ đạt 3.700 tỷ đồng vào năm 2013”, một lần nữa dư luận cho rằng TH đang có ý “tuyên chiến” với Vinamilk và vươn lên phá thế chân kiềng (hiện thị phần của TH đứng thứ ba, sau Vinamilk và FrieslandCampina).

Bà Thái Hương khẳng định: “Hiện TH True Milk đang dẫn đầu thị trường phía Bắc với thị phần 30% và khoảng 7% ở phía Nam sau một năm rưỡi gia nhập thị trường này. Nếu xét về thị phần sữa tươi, TH True Milk không có đối thủ vì trong năm 2012 chúng tôi đã dẫn đầu thị trường sữa tươi tiệt trùng.

Hiện tại, với doanh thu 2.500 tỷ đồng sau 1,5 năm ra đời, TH Milk đã chiếm được khoảng 33% thị phần sữa tươi (doanh thu thị trường 6.000 tỷ đồng). Theo kế hoạch dự tính, nếu năm sau đạt doanh thu 3.500-3.700 tỷ đồng, doanh thu thị trường lên khoảng gần 8.000 tỷ đồng, thì TH True Milk chiếm khoảng 40% thị phần. Với đà phát triển này, tới năm 2015, chắc chắn TH True Milk sẽ đứng đầu về sữa tươi”.

Đánh giá về khả năng cạnh tranh của TH, nhiều ý kiến còn cho rằng một trong những yếu tố khiến giá thành của TH cao hơn Vinamilk và FrieslandCampina là do phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn cho bò”.

Tuy nhiên, bà Hương cũng lý giải: “Trước đây, nguồn nguyên liệu thức ăn cho bò phải nhập khẩu hoàn toàn, giờ đây, hơn 2.000ha đã được phủ kín cỏ Mombasa cao lương và ngô (giống đều được nhập từ Mỹ) hiện cho kết quả rất tốt.

Công nghệ cao đã giúp nâng cao hiệu suất canh tác, biến 1ha đất nơi đây trước đó chỉ cho thu hoạch trung bình khoảng 70 triệu đồng/năm, bây giờ, nhờ trồng cỏ, trồng cao lương… theo phương thức áp dụng công nghệ cao đã cho thu hoạch từ 500 triệu – 1,5 tỷ đồng/năm, đáp ứng đủ nguồn thức ăn cho bò của trang trại.

Song song đó, TH Group cũng đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với công suất 500 triệu lít/năm vào năm 2017. 

Ông Trần Bảo Minh cũng cho rằng: “Ban đầu, giá sữa của TH True Milk có thể cao hơn so với các sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, khi sản lượng sữa của TH True Milk đạt mức dự kiến tăng gấp 3-4 lần cả nước, sữa của TH Milk sẽ có mức giá hợp lý”.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × 4 =

To Top