Tin trong nước
Quảng cáo gây phản cảm trong phim Việt
Xem phim mà ngỡ coi quảng cáo bởi sản phẩm của các đơn vị tài trợ xuất hiện quá nhiều, ống kính zoom vào cận cảnh, thậm chí diễn viên còn ca ngợi rất lộ liễu, khiến không ít khán giả phiền lòng.Thường xuyên xem truyền hình, chị Quỳnh Hương, sống ở Trương Định, Hà Nội rất bực tức vì nhiều bộ phim lồng ghép quảng cáo một cách thô thiển. Chị chia sẻ, xem phim “Phía cuối cầu vồng” mà ngỡ như coi quảng cáo sữa bởi gần như tập phim nào cũng có cảnh diễn viên uống sữa rất không hợp lý. Thậm chí, tại công ty, đang bàn bạc công việc, nhân vật đột nhiên quay ra yêu cầu cho xin một cốc sữa tươi đúng loại của nhà tài trợ.
Phản cảm hơn là phân cảnh người cha dù đang vội đưa con đến trường và đi làm, vẫn nhớ mang theo hộp thuốc đông dược, trong phim “Lời thú nhận của Eva”. “Xem những hình ảnh đó, tôi không biết đang coi phim hay quảng cáo thuốc thường thấy trên tivi nữa”, chị Hương nói.
Các nhãn hàng thời trang cũng được nhiều nhà sản xuất phim đưa vào một cách công khai và xuất hiện quá nhiều lần, không phù hợp với bối cảnh. Trong “Blog nàng dâu”, “Người đàn bà thứ hai”…, khán giả thi thoảng lại được diễn viên dắt vào cửa hàng NEM để chọn váy áo. Với “Nếu chỉ là giấc mơ”, một show trình diễn thời trang mini với logo to hay cảnh ông bố tặng quà cho con gái, bà mẹ mua đồ cho con trai… đều gắn với nhãn hàng ChicLand. Thậm chí, diễn viên chính còn trở thành nhân viên của hãng thời trang Seven a.m trong phim “Làm bố thật tuyệt”…
Không chỉ đưa hình ảnh, trong một số bộ phim, diễn viên còn lớn tiếng quảng cáo cho sản phẩm. Đơn cử như bộ phim “C13 đón Tết”, anh trông xe trả tiền thừa cho khách bằng kẹo rồi nói thêm: “Loại này ngon lắm, ăn một lần là nhớ mãi”. Khi trên mặt anh bảo vệ xuất hiện nốt mụn thì một cô gái tặng lọ thuốc với lời giới thiệu “rất tốt, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm”.
Quảng cáo cho cốm thúc đẩy chiều cao, trong phim còn có cảnh bà ngoại pha rồi bưng cho cháu gái uống, không quên giới thiệu công dụng của sản phẩm. Thậm chí, ông tổ trưởng chung cư đang ho sù sụ, được vợ mua cho lọ thuốc đúng như ông dặn, vừa uống xong đã nói: “Uống loại này vào là khỏi ngay”, rồi quay ra ăn cơm.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quảng cáo ngày 14/11, không ít đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề về việc quản lý như thế nào đối với hình thức lồng ghép quảng cáo trong phim.
Đại biểu Dương Hoàng Hương, đoàn Phú Thọ nêu thực tế: “Nhiều bộ phim có nội dung được sản xuất theo đơn đặt hàng của các nhà sản xuất đồ chơi, mỹ phẩm, doanh nghiệp ôtô, xe máy, dụng cụ thể thao… Và xuyên suốt cả bộ phim là những hình ảnh, đoạn thoại quảng cáo cho sản phẩm được lồng ghép, thậm chí là cận cảnh cả sản phẩm”.
Bà cho rằng các bộ phim như vậy có tác dụng định hướng hành vi tiêu dùng rất lớn, nhất là đối với trẻ em. Có trẻ em xem xong phim siêu nhân hay rô-bốt đã nằng nặc đòi cha mẹ phải mua cho món đồ chơi y như phim hoạt hình, trong khi giá của chúng thường rất đắt đỏ. Do đó, bà Hương đề nghị dự thảo Luật quảng cáo cần bổ sung thêm công cụ quản lý đối với quảng cáo lồng ghép trong phim Việt…
Một đại biểu khác trao đổi với VnExpress.net cũng cho rằng lo lắng của bà Hương hoàn toàn có cơ sở khi một thời gian khá dài xu hướng thời trang của giới trẻ Việt Nam bị nhiễm nặng các bộ phim Hàn Quốc.
Vị đại biểu này kể cách đây năm năm, ông từng bị sốc khi cô cháu ngoại bất ngờ khi cắt phăng mái tóc đen, thay vào đó mà mái tóc ngắn cũn được nhuộm màu đỏ tím. Móng tay nhuộm đen, môi phết son màu bã trầu. Hỏi ra mới biết, cô cháu gái này hâm mộ diễn viên Hàn Quốc nên lựa chọn phong cách ăn mặc, cử chỉ, nói năng cho giống với thần tượng của mình.
“Nói như vậy để thấy, quảng cáo đang tác động rất lớn đến giới trẻ, thậm chí có thể điều chỉnh đến cả hành vi, lối suy nghĩ. Do vậy, Luật Quảng cáo cần ban hành sớm với những điều khoản quy định rõ và chi tiết đối với những điểm cần cấm kỵ”, vị đại biểu này nói thêm.
Theo vnexpress