Connect with us

Steve Ballmer thoát ly

Tình huống thương hiệu

Steve Ballmer thoát ly

Khi Bill Gates về hưu, Ballmer được giao quản lý Microsoft - một công ty đang mất dần vị thế độc quyền trên thị trường và có một số vấp ngã ban đầu trong quá trình hội nhập với thế giới internet.

Bạn sẽ rất khó theo kịp cái bóng của huyền thoại, nhất là khi họ ra đi và để lại đằng sau một mớ hỗn độn. Muốn biết rõ điều này thì hãy hỏi Steve Ballmer.

Kể từ khi đầu quân cho Microsoft vào năm 1980, Ballmer đã bị chìm nghỉm bởi cái bóng quá lớn của Bill Gates, người đã đưa Microsoft trở thành một tập đoàn phần mềm khổng lồ. Khi Gates về hưu, Ballmer được giao quản lý Microsoft – một công ty đang mất dần vị thế độc quyền trên thị trường và có một số vấp ngã ban đầu trong quá trình hội nhập với thế giới internet.

Hãy xem những con số so sánh khá thú vị về Microsoft dưới thời Ballmer với Apple, đối thủ đáng gờm của Tập đoàn. Apple có thể qua mặt Microsoft về mức vốn hóa thị trường, nhưng cổ phiếu có diễn biến giá tốt hơn trong 25 năm qua lại vẫn là Microsoft. Kể từ năm 1987, cổ phiếu Apple đã tăng 4.300%, trong khi Microsoft tăng tới 5.700%. Dĩ nhiên, cổ phiếu Microsoft đã tăng giá trong suốt thời kỳ Gates trị vì. Kể từ năm 2000, sau khi Ballmer nhậm chức Tổng Giám đốc (CEO), cổ phiếu của Apple tăng 2.500%. Còn cổ phiếu Microsoft chỉ tăng bằng phân nửa.

Tình cảnh này phần lớn là do lỗi ở Ballmer, vì đã không bắt kịp thời đại công nghệ số. Nhưng đó không phải là tất cả. Ballmer nhậm chức CEO của Microsoft chỉ 2 tháng trước khi bong bóng dot.com nổ ra. Và ông nhận thấy mình phải lèo lái một Microsoft đang dần mất đi vị thế độc quyền. Sự trỗi dậy của thế giới web đã khiến cho máy tính cá nhân không còn là trung tâm của ngành công nghệ nữa.

Trong khi đó, tại thung lũng Silicon, những công ty mới thành lập như Google đã tăng trưởng nhanh như vũ bão. Và dường như họ đều đồng lòng trong cuộc chiến lật đổ Microsoft. Và khi điện toán đám mây cất cánh, vị trí của máy tính cá nhân và tất nhiên của cả Microsoft cũng ngày càng trở nên mờ nhạt.

Năm 2007, khi Apple tung ra thị trường chiếc điện thoại thông minh iPhone, Ballmer đã cười lớn và tuyên bố một câu xanh rờn: “iPhone sẽ chẳng giành được bao nhiêu thị phần”. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Đến khi Ballmer tỉnh giấc thì những nỗ lực của ông dường như đã quá muộn. Những sáng kiến về web như MSN Search và Hotmail, chẳng hạn thì vẫn cứ thua lỗ từ năm này qua năm khác.

Công cụ tìm kiếm Bing, dịch vụ bản đồ, Outlook e-mail và các dịch vụ online khác, mặc dù có tiến triển nhưng lại với tốc độ chậm hơn so với kỳ vọng của Tập đoàn.

Nhằm bù cho tốc độ tăng trưởng chậm hơn của phần mềm Office và Windows, Ballmer đã đẩy mạnh các lĩnh vực khác như phần mềm máy chủ và máy chơi game Xbox. Năm 2009, Ballmer còn phát triển cả Windows 8.

Windows 8 của Ballmer không hẳn đã cắt đứt với hệ điều hành Windows do Gates tạo ra. Nhưng với bước đi mới đây ông đã đoạn tuyệt hoàn toàn với Gates. Ballmer đã đưa Microsoft nhảy vào sản xuất thiết bị lai máy tính cá nhân với máy tính bảng: Surface (đã được chào bán hồi cuối tháng 10). Chiếc Surface đã cho thấy Windows 8 có thể làm được những gì và chứng tỏ Microsoft có thể chơi trên mặt trận điện toán đám mây. Và hơn hết, nó còn cho thấy rằng Microsoft giờ đã hoàn toàn thuộc về Ballmer.

Trong một bức thư gửi cho cổ đông hồi tháng 10, Ballmer cho biết Tập đoàn đang thực hiện một cuộc chuyển mình mang tính lịch sử và Microsoft hiện là một “công ty thiết bị và dịch vụ”. Tuyên bố này được xem như việc thừa nhận Microsoft đang ngày càng giống Apple hơn. Nghĩa là không chỉ sản xuất ra hệ điều hành mà còn cả các thiết bị và dịch vụ chạy trên hệ điều hành đó. Ballmer cũng cho biết Microsoft sẽ sản xuất những thiết bị giống như Surface trong thời gian tới.

Microsoft của thập niên 1990 là một doanh nghiệp độc quyền trên thị trường phần mềm, còn Microsoft ngày nay không phải là kẻ dẫn đầu mà chạy theo những công ty như Apple, Samsung.

Giờ Ballmer đã hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của Gates. Nhưng liệu ông có thành công? Văn hóa doanh nghiệp tại Microsoft thường được cho là “cát cứ” và thiếu tính tổ chức. Đây là lý do khiến cho phong độ của Microsoft hiếm khi nào ổn định. Có thể thấy, sau mỗi thành công khiêm tốn mà Microsoft đạt được (công cụ tìm kiếm Bing hiện đang chiếm 25% thị trường), sẽ có một bước giật lùi (thị phần của điện thoại thông minh Windows Phone 7 giảm). Và Ballmer chưa kịp hân hoan với thành công của thiết bị điều khiển cảm ứng Kinect thì đã thấy máy nghe nhạc Zune bị thất bại. Zune đã bị khai tử vào cuối năm 2011 sau gần 5 năm tồn tại, do không địch nổi với iPod của Apple.

Tuy nhiên, chưa có sản phẩm nào có nhiều ý nghĩa đối với Ballmer như Windows 8. Thành công của phần mềm mới này sẽ quyết định liệu Microsoft của Ballmer có thể trở thành người đi đầu trên thị trường điện toán đám mây hay chỉ là một cuộc thoát ly thất bại khỏi Microsoft mà Gates đã xây dựng nên.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

six + 3 =

To Top