Connect with us

Smartphone thương hiệu Việt: Mò mẫm dò sóng

Tình huống thương hiệu

Smartphone thương hiệu Việt: Mò mẫm dò sóng

Tại thị trường Việt Nam, các thương hiệu lớn như Samsung, Nokia, LG chưa từ bỏ phân khúc tầm trung, trong khi hàng loạt thương hiệu mới của Trung Quốc như Gionee, Xiaomi, ASUS, TCL, Tianyu, Oppo và BBK xuất hiện. Các thương hiệu smartphone Việt Nam còn sót lại một lần nữa đứng giữa hai gọng kìm lớn.

Tham vọng chưa tắt

Vào ngày 24/4, Thành Công Mobile đã cho ra mắt 2 smartphone với thương hiệu Việt Bavapen là B508 và B518. Với 18 năm làm nhà phân phối, Thành Công Mobile tự tin Bavapen sẽ có được doanh số tiêu thụ ổn định tại thị trường các tỉnh.

Khi được hỏi về lý do tung ra sản phẩm mới trong bối cảnh thị trường smartphone thương hiệu Việt gần như không còn cơ hội cạnh tranh, ông Nguyễn Quốc Bảo, Tổng giám đốc Thành Công Mobile, cho biết: “Cái khó là hầu như các công ty đều giống nhau về chiến lược giành thị phần. Cụ thể, về chiến lược giá chỉ chênh nhau vài trăm ngàn đồng. Về thị trường, thời gian đầu, hầu hết các hãng đều tập trung khai thác thị trường ngách là các tỉnh-thành hoặc các chuỗi bán lẻ ở thành thị. Về hệ thống phân phối, gần như 100% đều dựa vào mạng lưới hệ thống phân phối và chú trọng dịch vụ”.

Còn nhớ khoảng thời gian 2009 – 2010 là thời điểm xuất hiện hàng loạt điện thoại thương hiệu Việt với 30 thương hiệu khác nhau ở phần khúc giá rẻ. Theo GfK, thị phần của các hãng điện thoại này chiếm tới 30% số lượng điện thoại bán ra ở trong nước. Có thể thấy, ưu thế giúp cho điện thoại thương hiệu Việt thành công là nhờ giá rẻ vào thời điểm các sản phẩm của Nokia, Samsung hay LG còn định vị giá cao.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Nokia rồi đến Samsung đã chuyển hướng, tập trung mạnh vào cả phân khúc tầm trung và giá rẻ với các mẫu điện thoại 2 SIM… Với tiềm lực tài chính và hệ thống phân phối rộng, hai thương hiệu này nhanh chóng loại các thương hiệu Việt khỏi cuộc cạnh tranh, như Hi-Mobile, Avio, Mobell, Malata, Wellcome, hay BluePhone… Tiếp theo đó, các mẫu smartphone Trung Quốc giá rẻ của Haier, Gionee hay ZTE, Xiaomi xuất hiện ồ ạt khiến cho các thương hiệu điện thoại Việt Nam dường như không còn đất sống.

Tuy nhiên, tham vọng về điện thoại thương hiệu Việt, thậm chí là smartphone “made in Vietnam” vẫn chưa dừng lại. Sau khi mua lại một loạt cổ phần góp vốn giữa VNPT và Nokia Siemens, Alcatel Network Systems Viet Nam…, Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam trở thành cổ đông sáng lập của Công ty CP Công nghệ Công nghiệp bưu chính viễn thông (VNPT Technology) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, chính thức bước vào thị trường smartphone nội địa.

Cuối năm 2013, tại triển lãm Vietnam Telecomp 2013, VNPT Technology đã bất ngờ cho ra mắt dòng smartphone đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam: Vivas Lotus S1. Đây là sản phẩm được VNPT Technology đầu tư sản xuất từ khâu thiết kế, lắp ráp đến khâu đánh giá chất lượng, cũng như phát triển hệ sinh thái cho sản phẩm gồm ứng dụng và dịch vụ.

Một ngày sau, Viettel cũng công bố sẽ tung ra thị trường smartphone do Viettel sản xuất. Cùng với bước chuẩn bị thị trường, Viettel mở rộng cánh cửa để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao trong nước và quốc tế, đặc biệt là những kỹ sư từng làm việc tại các hãng công nghệ cao nổi tiếng trên thế giới.

Giữa tháng 3/2014, Viettel đã tung ra thị trường 2 mẫu smartphone là Viettel V8506 và Viettel V8602… Cùng giữa tháng 3/2014, Công ty TNHH Thương mại FPT ra mắt bộ đôi sản phẩm điện thoại thông minh FPT F56 và FPT F69 với chip lõi kép, kết nối 3G, màn hình lớn, pin ấn tượng và được bán với giá dưới 2 triệu đồng.

Như vậy, FPT đã trở thành “hiện tượng” khi nâng tổng số mẫu điện thoại mà thương hiệu này đang bán ra thị trường trong nước vào khoảng 40 mẫu. Ngay cả công ty chuyên về phần mềm diệt virus BKIS cũng đánh tiếng về khả năng tham gia sản xuất smartphone trong tương lai gần.

Đại diện Viettel cho biết lý do tham gia sản xuất điện thoại di động vì nhận thấy thị trường thiết bị đầu cuối là thị trường tiềm năng trong lĩnh vực viễn thông. Ngoài ra, việc sản xuất điện thoại thông minh để bán kèm các gói cước cũng hướng đến mục tiêu thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng dịch vụ 3G (công nghệ viễn thông thế hệ ba) của Viettel.

Đặc biệt, khách hàng Viettel đang nhắm tới là Campuchia, Lào, Mozambique nên đến thời điểm hiện tại, điện thoại do Viettel sản xuất chủ yếu là dành cho thị trường nước ngoài, chiếm tới 90%. Đại diện Q-Mobile cho biết, mặc dù smartphone chỉ chiếm 20% trong tổng số điện thoại của hãng nhưng doanh thu của smartphone chiếm 60%. Còn Mobiistar tiết lộ số lượng smartphone chiếm tới 80% doanh thu của hãng này.

Còn nước còn tát

Mặc dù thị trường có vẻ khả quan, nhưng không ít nhận định cho rằng, sự dịch chuyển sản phẩm này không có nghĩa các doanh nghiệp sản xuất điện thoại “made in Vietnam” đã thoát hiểm, khi thị trường điện thoại tại Việt Nam gần điểm bão hòa, giá sản phẩm ngày càng hạ, cạnh tranh giữa các thương hiệu nước ngoài ngày càng quyết liệt.

Đặc biệt, các thương hiệu nắm thị phần lớn tại Việt Nam như Samsung, Nokia, LG, HTC… vẫn tiếp tục tung ra các dòng sản phẩm ở phân khúc giá rẻ. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Tổng giám đốc Thành Công Mobile, không ngần ngại khẳng định: “Chính sách định giá của Nokia, Samsung đã giết chết nhiều thương hiệu điện thoại Việt!”.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, cách làm của các hãng nước ngoài này là sẵn sàng đẩy giá sản phẩm xuống cực thấp, thậm chí là chấp nhận bán lỗ ở phân khúc tầm thấp, để ép chết các thương hiệu Việt, sau đó chiếm thế độc quyền và đẩy giá sản phẩm lên cao.

Tuy nhiên, chia sẻ thêm khó khăn khi phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết: “Việc sản xuất hàng loạt điện thoại của Viettel đang gặp khó khăn do phải nhập tới 70% linh kiện, với thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện từ 15 đến 25%.

Trong đó, nhiều linh kiện quan trọng mà trong nước chưa tự sản xuất được, đang có mức thuế nhập khẩu cao như: motor rung (25%), pin (20%), các đầu nối (15%), khối micro (15%)… Trong khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu nguyên chiếc là 0%. Mức thuế như trên khiến sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất có giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại nhập nguyên chiến từ nước ngoài”.

Đặc biệt, thị trường smartphone ở Việt Nam đang ngày càng nóng bỏng khi Gionee, Xiaomi, ASUS, TCL, Tianyu, Oppo và BBK… đang xúc tiến nhiều hoạt động bán hàng. Thương hiệu ASUS (Đài Loan) cũng vừa trình làng loạt smartphone giá rẻ ZenFone nhắm đến thị trường Việt Nam.

Ông Jeff Lo, Tổng giám đốc ASUS Việt Nam tin rằng, dòng sản phẩm thiết kế đẹp, cấu hình mạnh, chức năng vượt trội và khả năng tiết kiệm năng lượng đi kèm giá thành hợp lý này sẽ đủ sức tạo sóng trên thị trường công nghệ và di động Việt Nam thời gian tới. Phân khúc giá tầm trung sẽ là mảng cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng muốn giành thị phần cao.

“Việc gia công điện thoại ở Trung Quốc rồi gán nhãn Việt Nam xem ra đã hết thời làm ăn. Còn sản xuất và lắp ráp toàn bộ tại Việt Nam vẫn là một chẳng đường còn rất dài để đánh giá hiệu quả”, một chuyên gia thị trường nhận định.

Có lẽ cũng nhận ra bức tranh thị phần còn khá chật vật và hướng đi cũng chưa mấy sáng sủa nên đến thời điểm này, số lượng smartphone của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vẫn đang ở thế cầm chừng, chủ yếu thăm dò thị trường, ngay cả FPT, VNPT, Viettel cũng chỉ sản xuất số lượng hạn chế. Còn đại diện Mobiistar khiêm tốn: “Đặt mục tiêu vừa tầm, lợi nhuận ít và cố bám theo mức tăng trưởng chung của thị trường”.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fourteen + 1 =

To Top