Connect with us

Cuộc chiến smartphone hình thành thế chân vạc

Tình huống thương hiệu

Cuộc chiến smartphone hình thành thế chân vạc

Sau khi thâu tóm Nokia, chưa biết Microsoft có thể đưa Windows Phone trở thành một nền tảng di động thống trị thế giới trong tương lai được hay không, nhưng chí ít nó cũng đã định hình cuộc chiến smartphone vào thế chân vạc.

Thế lực Windows Phone bất ngờ lớn mạnh

Theo một báo cáo của công ty phân tích web Net Applications hồi tháng 3 vừa qua, Windows Phone chính thức soán ngôi BlackBerry về thị phần. Dù mới xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng nền tảng di động và còn thua xa so với iOS (61,41%) và Android (24,85%) ở thời điểm đó nhưng điều này vẫn cho thấy một bước tiến không hề nhỏ của một nền tảng mới.

Blackberry bị tụt lại phía sau nhưng cũng không thể lấy lại vị thế, khi quý II/2013 Nokia tiếp tục vững chắc ở vị trí thứ 3 trên thị trường smartphone với doanh số bán ra đạt 7,4 triệu máy vượt qua con số của Blackberry với 6,8 triệu máy đã được tiêu thụ.

Sự lớn mạnh này của Windows Phone khiến các lãnh đạo của Microsoft tự tin khẳng định, không hề có sự lo ngại cạnh tranh nào đến từ hãng đã bị đẩy xuống chiếu dưới là Blackberry. Vị quản lý cao cấp phụ trách mảng Windows Phone của Microsoft, Larry Lieberman thẳng thắn: “Windows Phone có tốc độ phát triển nhanh hơn bất kỳ nền tảng đối thủ nào trong thời điểm hiện tại” trong một lần trả lời phỏng vấn của The Verge.

Nếu chỉ thế thôi, có lẽ người ta vẫn còn nghi ngờ về khả năng của Windows Phone.  

Thế nhưng, cục diện đã thay đổi một cách chóng mặt khi Microsoft chính thức công bố mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của hãng điện thoại Phần Lan hôm 3/9 mới đây. Một thương vụ mà dù nhiều người đã lờ mờ biết được từ trước đó cũng vẫn không khỏi sửng sốt. Sự biến mất của một thương hiệu điện thoại nổi danh toàn cầu Nokia để bắt đầu một trang mới cho nền tảng Windows Phone vươn lên thành một thế lực mới.

Windows Phone từ vị thế là một nền tảng ít được quan tâm (ngoại trừ mối quan hệ khăng khít giữa Microsoft và Nokia, HTC và Samsung ra những mẫu điện thoại dùng nền tảng này chỉ để thử nghiệm và nhanh chóng cho nó chìm nghỉm) giờ nó đã có được đầy đủ sức mạnh của nguồn lực cả phần cứng và phần mềm. Microsoft chắc cũng đã lao tâm khổ tứ không ít để có được cái kết quả như ngày hôm nay.

Nắm Nokia trong tay, Microsoft nghiễm nhiên có một trong những dây chuyền sản xuất phần cứng vào hàng xuất sắc của thị trường smartphone hiện nay. Không những thế, Microsoft cũng hưởng lợi cả kho khổng lồ bằng sáng chế và một trong những công nghệ bản đồ – Here có thể đối đầu ngang ngửa với Google.

Giờ đây, Windows Phone đang nằm trong tay của một gã “khổng lồ” có đầy đủ tiềm lực chẳng khác Apple là mấy. Dù Microsoft vẫn cho rằng sẽ vẫn quan tâm các OEM (các đối tác sản xuất smartphone chạy Windows Phone như Samsung hay HTC) và tạo ra thị trường rộng lớn hơn cho các đối tác này nhưng chẳng ai không hiểu, sức cạnh tranh Windows Phone gần như đã trở về thế độc tôn trong tay Microsoft.

Tham vọng của Microsoft là rất rõ ràng. CEO Ballmer trong một cuộc nói chuyện với The Verge đã tiết lộ, thị phần của Windows Phone sẽ được mở rộng lên mức 15% (hiện tại là khoảng 4%) vào năm 2018.

Nhìn vào những gì hiện có trong tay Microsoft cũng như những tín hiệu vô cùng khả quan từ việc lượng smartphone Lumia bán ra liên tục tăng trên toàn cầu thời gian gần đây, người ta đã thấy được Windows Phone đang ‘lên bệ phóng’ để trở thành một thế lực mà cả Android và iOS không thể xem thường.

Ba “ông lớn” định hình thị trường smartphone toàn cầu

Giờ đây, mô hình của Microsoft đã có những điểm tương đồng với Apple, hãng có thể phát triển các sản phẩm độc lập từ phần cứng đến phần mềm. Windows Phone đã có thêm một luồng sinh khí mới và sức mạnh nội lực của nó chẳng hề thua kém gì iOS hay Android.

Chính vì thế mà gần đây, một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tại Thung lũng Silicon, cũng là thành viên hội đồng quản trị tại Facebook, eBay và HP, Marc Andreeseen đã không ngần ngại tuyên bố trên CNET sẽ ủng hộ Microsoft trong cuộc chiến chống lại Apple.

Hiện tại Windows Phone đang thiếu ứng dụng, không thể so bì với  Apple App store hay Google Play nhưng Marc Andreeseen cho rằng, điều đó chẳng nói lên điều gì khi mà vẫn còn quá nhiều đất cho Windows Phone phát triển. Khi Microsoft tung ra chiến lược và hỗ trợ các nhà phát triển, mang lợi nhuận về cho họ thì mọi chuyện sẽ không còn đáng ngại nữa.

Thị trường smartphone toàn cầu đã định hình thế chân vạc của 3 nền tảng Android, iOS và Windows Phone cho dù để có được thế cân bằng tương đối với  iOS và Android, Microsoft còn rất nhiều việc phải làm với Windows Phone. Nhưng chí ít điều này cũng tạo ra sức ép cạnh tranh mạnh mẽ và người dùng sẽ được chứng kiến những cuộc so tài khốc liệt, những sản phẩm mới, những ứng dụng mới, công nghệ mới xuất hiện trên smartphone trong thời gian sắp tới.

Microsoft và các OEM có thực sự biến Windows Phone thành một nền tảng thống trị hay không? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Theo Vef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twenty − ten =

To Top