Connect with us

Thương hiệu địa phương hẹp đường vùng vẫy

Tình huống thương hiệu

Thương hiệu địa phương hẹp đường vùng vẫy

Những ưu thế như am hiểu địa phương, giá tốt, lâu đời... vẫn không đủ để các nhãn hiệu địa phương sống tốt trước sự cạnh tranh của các thương hiệu quốc tế.

Đến Thừa Thiên – Huế hay Quảng Trị có thể thấy, ít có loại bia nào phổ biến hơn Huda. Người dân ở đây nói đến bia là nghĩ ngay đến Huda của Công ty Bia Huế. Ngay cả các quán đặc sản Huế tại TP.HCM thường cũng chỉ bán cho thực khách một loại bia này.

Sống nhờ đặc trưng địa phương

Số liệu của Huda cho thấy, năm 2010, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 300 tỉ đồng. Sức tiêu thụ bia Huda không chỉ chiếm vị trí số 1 tại thị trường Thừa Thiên – Huế với 98% thị phần mà còn hàng đầu của khu vực Bắc miền Trung như 95% ở Quảng Trị, 65% ở Quảng Bình, 55% ở Hà Tĩnh, 20% ở Nghệ An…

Huda sống được như vậy trước sự cạnh tranh dữ dội từ các hãng bia lớn nước ngoài một phần nhờ đặc trưng địa phương của ngành bia. Cả 3 miền đều có nhà máy bia và thị trường theo đó được chia cho cả 3. Huda tung hoành khu vực miền Trung, bia Hà Nội phổ biến ở miền Bắc trong khi bia Sài Gòn được uống nhiều ở miền Nam.

Ông Andre van den Berg, Tổng Giám đốc Nhà máy bia Hà Nội – Vũng Tàu, cho biết văn hóa uống bia của người dân quyết định thị trường dành cho các hãng bia. Hơn nữa, khoảng cách địa lý khá xa khiến cho việc vận chuyển bia giữa các vùng khá khó khăn và không đảm bảo được hương vị.

Không hoành tráng được như Huda ở đất miền Trung song Công ty Nước khoáng Quy Nhơn cũng là “vua một cõi” ở Bình Định. Tại đây, hầu như ai cũng biết đến sản phẩm Cola Chánh Thắng. Về đến Bình Định, nếu gọi 1 chai coca, thứ được mang ra sẽ là Cola Chánh Thắng chứ không phải Pepsi hay Coca-Cola.

Sống hay chết mòn?

Vẫn có thị phần và lợi nhuận tốt, song liệu các thương hiệu như Huda hay Chính Thắng có trụ được mãi trước sức mạnh của các hãng bia lớn hơn, đặc biệt là các hãng quốc tế?

Trước đây, Công ty Bia Quy Nhơn rất nổi tiếng tại Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung với loại bia Quy Nhơn và Lowen. Cách đây khoảng 10 năm loại bia này phổ biến ở vùng duyên hải miền Trung.

Tuy nhiên, thương hiệu đó đã từng bước bị khai tử. Công ty Bia Quy Nhơn sau đó được sáp nhập thành Công ty Bia Sài Gòn – Quy Nhơn. Không lâu sau, Bia Sài Gòn – Quy Nhơn lại được thay bằng Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung trên cơ sở hợp nhất 3 Công ty Bia Sài Gòn – Quy Nhơn, Phú Yên và Đăk Lăk. Như vậy, Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã thôn tính thành công bia Quy Nhơn. Tất nhiên, những chai bia Sài Gòn dần thay thế bia Quy Nhơn và thiết lập thói quen uống bia mới của người dân tại đây.

Ngay cả Huda dù mạnh nhưng cũng không thoát khỏi vòng kiềm tỏa của các thương hiệu lớn. Ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng Giám đốc Công ty Bia Huế, cho biết đến năm 2015 nếu không chiếm được 15% thị trường bia cả nước, Huda sẽ chết. Hiện nay, thị phần của Công ty đạt 8%. Để làm được điều đó, Huda cần đầu tư thêm 2.500 tỉ đồng. Điều này vượt quá khả năng của Huda. Do đó, Công ty đã bán toàn bộ 50% phần vốn còn lại với giá 1.875 tỉ đồng và hoàn toàn thuộc về Tập đoàn Bia Carlsberg (Đan Mạch).

Nhiều doanh nghiệp mang tính chất địa phương đã xác lập được vị trí của mình nhưng cuối cùng vẫn phải rời cuộc chơi hoặc bị các công ty lớn hơn thôn tính.

Trường hợp nước khoáng Chánh Thắng cũng đang đi theo chiều hướng tương tự. Coca-Cola, Pepsi và những loại thức uống của Tân Hiệp Phát ngày càng phổ biến tại thành phố Quy Nhơn. Đất lành của Chánh Thắng tạm thời chỉ còn chủ yếu ở vùng nông thôn của Bình Định.

Sự bành trướng của Sabeco, thất thủ của bia Huế và suy yếu của Chánh Thắng khiến cho nhiều người lo ngại những thương hiệu nhỏ, sống chủ yếu tại các địa phương. Các thương hiệu này có nguy cơ sẽ dần dần mất thị trường hoặc bị thâu tóm một khi phát triển đến mức lọt mắt xanh của các đối thủ lớn hơn.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × 1 =

To Top