Connect with us

Tân Tạo nâng tầm cho gạo

Tình huống thương hiệu

Tân Tạo nâng tầm cho gạo

Gạo việt đang thay đổi diện mạo. Ðã bắt đầu xuất hiện một số sản phẩm gạo đóng bao bì đẹp mắt bán với giá khá cao. Ðây đa số là những thương hiệu gạo cao cấp với tên tuổi nhà sản xuất cụ thể, thậm chí là in tiêu chuẩn chất lượng để chứng tỏ gạo sạch.

Gạo Việt lên đời

Nhận thấy Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều thứ 2 thế giới nhưng sản phẩm không có thương hiệu, mà giá lại thấp hơn gạo Thái Lan cũng như một số nước khác từ 50-70 USD/tấn, Tập đoàn Tân Tạo đã quyết định đầu tư sản xuất và đưa ra thương hiệu gạo cao cấp đầu tiên mang tên Gạo nàng Yến (trực thuộc Công ty Cổ phần Ðầu tư ITA Rice). Sản phẩm này có giá bán cao gấp đôi các loại gạo khác hiện nay và được tiếp thị ra thị trường với bao bì khá cao cấp.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, người chủ trì dự án, cho biết từ năm 2007, Công ty đã đầu tư trên 12.000 ha đất trồng lúa theo quy trình Global GAP của Mỹ và châu Âu tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức (Long An). Tuy nhiên, phải mất 4 năm sau dự án mới chính thức hoạt động và đi vào trồng thử nghiệm. “Tôi đã phải vất vả thuyết phục các hộ nông dân và hướng dẫn họ tham gia trồng thử giống lúa mới là Jasmine dẻo thơm. Lúc mới triển khai, có hơn 100 hộ đăng ký. Nhưng sau khi nghe phổ biến phải làm đúng hàng trăm điều thì bà con thấy mất tự do quá nên một số rút tên”, ông nói.

Theo Giáo sư, cái khó nhất khi trồng lúa Global GAP nằm ở tính kiên trì, tỉ mỉ và chính xác. Một trở ngại nữa là Global GAP quy định phải thực hiện trên diện tích lớn, làm đồng bộ từ đất, giống, nước cho đến quy trình chăm sóc, thu hoạch. “May mắn sau vụ đầu các hộ nông dân thấy kết quả tốt nên không bỏ dự án”, ông chia sẻ.

Trồng theo tiêu chuẩn Global GAP tuy đòi hỏi nông dân phải theo dõi và làm đúng quy cách, nhưng lợi ích mang lại cũng là không hề nhỏ. Theo ông Nguyễn Tuấn Minh, Tổng Giám đốc ITA Rice, thì trồng lúa theo tiêu chuẩn của Công ty không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn đem đến giá trị biên lợi nhuận cao hơn. Trung bình, làm theo phương pháp canh tác cũ, mỗi hộ tốn khoảng 200 kg thóc giống gieo trên mỗi ha. Nhưng trồng giống của ITA Rice thì chỉ tốn khoảng 80 kg thóc/ha.

Kế đến, tuy năng suất trung bình của giống lúa mới khoảng 6-8 tấn/ha, không cao hơn so với năng suất của cách trồng lúa thường, nhưng so về giá trị thì cao hơn nhiều. Cụ thể, nếu trồng lúa thường thì chi phí đầu tư mua giống, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật cho mỗi vụ là 20 triệu đồng. Trong khi đó, trồng theo công nghệ Global GAP của ITA Rice thì chi phí mỗi vụ chỉ còn khoảng 15-16 triệu đồng nhờ hỗ trợ từ Công ty. Thêm vào đó, Công ty thu mua gạo Global GAP cao hơn so với giá bên ngoài từ 5-10%. “Ðương nhiên chúng tôi đòi hỏi chất lượng phải đảm bảo như yêu cầu, nếu không giá mua sẽ giảm hoặc thấp hơn giá quy định. Dù vậy, biên lợi nhuận trung bình của các hộ nông dân cũng sẽ tăng 12-13% so với phương pháp trước đây. Có thể nói nông dân được lợi rất nhiều nếu tiếp tục trồng theo Global GAP”, ông Minh nhận xét.

Đến cuối năm 2012, Gạo nàng Yến bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Tập đoàn Tân Tạo xác định sản phẩm sẽ được xây dựng thương hiệu trong nước và nhắm đến xuất khẩu nên cho thiết kế bao bì đẹp, in hẳn thông tin gồm 16 tiêu chí theo tiêu chuẩn của Global GAP.

Khó khăn phía trước

Không chỉ có ITA Rice, nhiều doanh nghiệp cũng đang nhảy vào phân khúc gạo sạch trung và cao cấp. Hiện trong nước đã xuất hiện khoảng 20-30 thương hiệu gạo sạch. Tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn về chất lượng thực sự của các sản phẩm này. Đây cũng là câu chuyện nan giải với Gạo nàng Yến của ITA Rice. Theo ông Minh, ITA Rice có nhiều loại gạo được đóng gói bao bì đẹp nhưng giá bán không cao và bao bì cũng không ghi rõ nguồn gốc đang gây ảnh hưởng đến các công ty làm gạo sạch chân chính. Để giải quyết bài toán này, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gạo chất lượng cao đều chọn thị trường xuất khẩu làm thị trường chính.

“Hiện ITA Rice vẫn chấp nhận thua lỗ và hướng xuất khẩu sang các nước lớn để bù lại. Hiện nay chúng tôi có 6 thương hiệu gạo, phân phối tại 24 hệ thống siêu thị và cửa hàng riêng. Tuy nhiên, chi phí chiết khấu cho nhà phân phối lên tới 20-30%. Mức chiết khấu này gần như chiếm hết lợi nhuận của Công ty. Chi phí đầu tư mỗi cửa hàng cũng lên tới 200 triệu đồng. Muốn hòa vốn, mỗi điểm bán phải có doanh thu ít nhất 300 triệu đồng/tháng”, ông Minh cho hay.

Thế nên, dù sản lượng tiêu thụ hiện tại của ITA Rice là khá tốt (khoảng 2.000 tấn/năm), nhưng lợi nhuận vẫn chưa đạt như mong muốn.

“Nếu muốn nhanh thu hồi vốn thì chỉ có con đường xuất khẩu. Khoảng 3 năm nữa, ITA Rice sẽ hòa vốn và bắt đầu có lợi nhuận. Lúc đó, sản lượng xuất khẩu sẽ là 70%. Còn lại thì tiêu thụ trong nước”, đại diện Công ty tính toán.

Nếu không có gì thay đổi, cuối năm 2015, gạo Global GAP mang thương hiệu của ITA Rice sẽ chính thức đẩy mạnh xuất khẩu với giá khoảng 1 USD/kg sang Hàn Quốc, Canada, Philippines, Malaysia. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với giá gạo xuất khẩu thô của Việt Nam (trung bình khoảng 470 USD/tấn). Ðạt sản lượng sản xuất hiện nay vào khoảng 3.000 tấn/năm, tuy nhiên con số này theo ông Minh vẫn còn quá nhỏ. “Công ty đang cố gắng mở rộng vùng canh tác sang các huyện lân cận và một số tỉnh khác”, ông bổ sung.

Thời gian tới, ITA Rice sẽ tìm hiểu và sản xuất thêm mặt hàng gạo hữu cơ và làm thêm dịch vụ xay xát. Theo đó, Công ty đang tận dụng dây chuyền sản xuất nhàn rỗi để xay xát gạo cho một số đối tác cung cấp gạo cho công nhân trong các khu công nghiệp. Ngoài ra, với việc chi 200 tỉ đồng mua 11 ha đất tại Khu Công nghiệp Tân Đức (Long An), sắp tới ITA Rice sẽ đầu tư xây dựng một chợ đầu mối gạo. Chợ này sẽ là nơi tập trung các nhà sản xuất gạo và cung cấp gạo cho toàn thành phố.

Sắp tới, ITA Rice sẽ bán hàng qua các kênh trực tuyến để giảm chi phí mặt bằng. Theo ông Minh, hiện Công ty đang bán hàng qua kênh truyền hình HTV Co.op khá thành công.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

11 + 8 =

To Top