Connect with us

Kinh doanh đặt phòng trực tuyến: Chưa dễ ăn

Tình huống thương hiệu

Kinh doanh đặt phòng trực tuyến: Chưa dễ ăn

Khi xu hướng đặt phòng khách sạn thông qua đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent - OTA) đang lấn dần phương thức đặt chỗ truyền thống, các OTA của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách. 

Theo thống kê của Euromonitor International, hoạt động đặt phòng trực tuyến tại Mỹ cách đây 2 năm đã chiếm khoảng 35% tổng số phòng bán ra, còn tại Úc là khoảng 20%. Trong số rất nhiều phương thức mà khách du lịch có thể dùng để tìm và đặt phòng, vì sao các OTA lại có thể thu hút được sự quan tâm đến như vậy?

Bên cạnh yếu tố tiện lợi, mô hình hoạt động của các OTA còn mang lại cho khách du lịch một lợi ích không nhỏ khác là giá phòng thấp hơn hầu hết những phương thức truyền thống khác.

Thông thường, mức giá phòng khách sạn tăng dần theo từng đối tượng: OTA, công ty du lịch/lữ hành, doanh nghiệp, khách đặt phòng trực tiếp trên trang web của khách sạn và cuối cùng là khách vãng lai.

Lý do mà các OTA thường nhận được mức giá ưu đãi từ khách sạn là vì những đơn vị này có thể đem về nguồn khách với số lượng lớn và thường xuyên nhất. Vì vậy, OTA hoặc các công ty du lịch có thể yêu cầu khách sạn không được bán phòng ở giá thấp hơn mức giá dành cho họ. Và người có lợi cuối cùng chính là khách du lịch vì họ được hưởng giá phòng rẻ hơn khi đặt khách sạn thông qua các OTA.

Các OTA lớn trên thế giới như Booking.com, Agoda.com đều ký hợp đồng trực tiếp với hàng loạt các khách sạn để có giá thấp nhất. Họ cũng yêu cầu khách sạn dành ra một lượng phòng cố định hằng ngày chỉ để cho OTA. Bên cạnh đó, các OTA còn liên kết với các công ty bán buôn phòng trực tuyến khác (thí dụ như Pegasus Solutions) trong trường hợp họ chưa ký được hợp đồng với một khách sạn nào đó.

Mỗi OTA thường mạnh ở từng thị trường khác nhau. Nếu như Booking.com nắm gần như toàn bộ thị trường châu Âu thì Agoda.com lại có thế mạnh đặc biệt ở châu Á. Tại Việt Nam, Agoda.com đã cập nhật phiên bản tiếng Việt từ năm 2010 và đang hợp tác với hơn 2.000 khách sạn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra còn có Booking.com và Expedia.com cũng đã tham gia vào khai thác, nhưng chủ yếu vẫn hướng vào khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Không lâu sau đó, các OTA của Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện để khai thác đối tượng khách du lịch trong nước. Một số OTA như Chudu24.com, iVIVU.com hay Vinabooking.vn đã và đang cố gắng thay đổi thói quen khi đi du lịch của người Việt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người Việt chưa có thói quen đặt phòng trực tuyến hoặc thông qua đại lý. Theo một khảo sát được iVIVU.com thực hiện vào tháng 9.2012, có đến 65% số người được hỏi cho biết họ thường đặt phòng trực tiếp với khách sạn chứ không muốn thông qua một đơn vị thứ ba. Khảo sát cũng tiết lộ rằng phần lớn khách du lịch người Việt vẫn chọn cách trả tiền trực tiếp với khách sạn hoặc đại lý đặt phòng bằng tiền mặt hơn là chuyển khoản hay thanh toán trực tuyến.

Kế đến, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt bởi Agoda.com, Booking.com và Expedia.com. Đây đều là những người khổng lồ trong ngành với kinh nghiệm thành công tại nhiều quốc gia. Cuộc chiến giá thấp về lâu dài hoàn toàn không có lợi cho các OTA Việt Nam khi mà họ chưa có được quy mô hoạt động rộng lớn như các OTA quốc tế. Đó là chưa kể, các OTA sẽ gặp không ít khó khăn với các đối thủ gián tiếp là các trang web mua hàng theo nhóm. Đại diện một trang mua hàng theo nhóm có uy tín tại TP. HCM cho biết họ sử dụng mức giá của Agoda.com làm khung giá tham khảo trong việc thương lượng với khách sạn để có giá tốt nhất cho người dùng. Theo đó, các gói dịch vụ khách sạn do công ty mua hàng theo nhóm này cung cấp đều phải có giá tốt hơn so với Agoda.com hoặc quyền lợi dành cho khách hàng tốt hơn so với đặt phòng qua OTA.

Nhận thức được những thử thách trên, các OTA của Việt Nam đều có những chiến lược riêng. iVIVU.com đang tập trung khai thác hệ thống các khách sạn dưới 3 sao tại Việt Nam (hiện có khoảng 7.000, nhưng chỉ 400-500 trong số đó có dịch vụ phân phối phòng trực tuyến). Theo đại diện của iVIVU.com, tiềm năng mô hình kinh doanh này còn rất lớn và các OTA quốc tế cũng khó tiếp cận hết được mọi ngóc ngách của thị trường.

Một OTA khác vừa tham gia vào thị trường đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam là Mytour.vn. OTA này cho biết họ sẽ thực hiện 2 điểm khác biệt so với các đối thủ là tư vấn qua điện thoại và hệ thống khách sạn giá dưới 500.000 đồng. Theo đại diện của Mytour.vn, thói quen tiêu dùng của đa số người Việt hiện nay vẫn là muốn được tư vấn. Hơn nữa, trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì nhu cầu tìm phòng khách sạn giá rẻ là rất nhiều. Trong bối cảnh Agoda.com và các OTA khác vẫn chưa khai thác mạnh mảng khách sạn giá rẻ, Mytour.vn tin rằng họ hoàn toàn có thể cạnh tranh công bằng với chiến lược này dù là người đến sau.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × one =

To Top