Connect with us

Thị trường ô tô: “Miếng bánh” còn bỏ ngỏ

Tin trong nước

Thị trường ô tô: “Miếng bánh” còn bỏ ngỏ

Với tỷ lệ sở hữu 18,7 xe/1.000 dân, chỉ bằng Thái Lan 15 năm trước, thị trường ô tô Việt Nam (VN) hiện được đánh giá còn rất nhiều cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, “miếng bánh” này sẽ được doanh nghiệp (DN) trong nước khai thác thế nào? Câu trả lời phụ thuộc từnhiều phía…

Xe ngoại lấn át

Theo số liệu của Bộ Công an, tổng lượng xe lưu hành trên cả nước đến hết năm 2010 là 1.624.406 chiếc, tăng 7,51% so với năm trước. Tính cả giai đoạn 2001 – 2010, tốc độ tăng này đạt 12,81%/năm.

Mặc dù lượng ô tô sản xuất trong nước (gồm DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài tại VN) đã đáp ứng 68% nhu cầu, nhưng phân tích ra, sự áp đảo chỉ thể hiện ở dòng xe trên 10 chỗ với gần 95% và xe tải khoảng 77%. Còn dòng xe đến 9 chỗ sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng 64%, xe chuyên dụng và xe khác chưa đạt 10%. 5 tháng đầu năm 2011, sản lượng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) đạt 44.966 xe, trong khi xe nhập khẩu (NK) là 26.900 chiếc.

Trước thực tế này, một câu hỏi được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đặt ra tại Triển lãm Hội thảo quốc tế về phương tiện giao thông và công nghiệp (CN) phụ trợ – Auto Expo 2011 (diễn ra tại Hà Nội từ 22 đến 26/6): Có phải thị trường ô tô trong nước đang bị xe NK lấn át là do xu hướng “sính ngoại” gia tăng?

Thực tế 10 năm qua, xe NK tăng bình quân 20,64%/năm về lượng và 23,92%/năm về giá trị, gần gấp đôi so với tăng trưởng xe sản xuất trong nước là 11,36%/năm. Trong đó, nhập ô tô đến 9 chỗ tăng nhanh nhất với 51,65%/năm.

Cũng cần bàn một khía cạnh khác là năng lực sản xuất của DN trong nước. Dòng xe đến 9 chỗ tuy mang tiếng 64% được xuất xưởng tại VN nhưng đa phần chỉ là lắp ráp đơn giản. Tỷ lệ nội địa hóa (NĐH) hầu như mới đạt 10 – 15%, ngoại trừ Toyota Innova được 37%, theo cách tính của ASEAN. Trong khi đó, vào giai đoạn 1994 – 1996 được cấp phép ồ ạt, cơ quan chức năng ra điều kiện khối liên doanh phải đạt 30% sau 10 năm phát triển.

Chiến lược phát triển CN ô tô VN (phê duyệt năm 2002) cũng đặt mục tiêu NĐH 20 – 25% vào năm 2005 và 40 – 45% năm 2010 với dòng xe cao cấp, xe du lịch do liên doanh sản xuất.

Cơ hội còn chờ… chính sách

Ông Phạm Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách CN đánh giá, hiện xe khách, xe tải sản xuất trong nước có tính cạnh tranh cao nhất trên thị trường ô tô VN, tiếp theo là loại xe đến 9 chỗ. Dòng xe 4 – 9 chỗ hạng sang hầu hết NK và cũng không là phân khúc thị trường mà sản xuất ô tô trong nước hướng tới.

Dòng xe 4 – 9 chỗ giá thấp đến trung bình có xu hướng tiêu thụ tăng trưởng nhanh và tỷ trọng lớn cũng là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp VN.Tuy vậy, để doanh nghiệp quyết tâm đầu tư nâng cao tỷ lệ NĐH ô tô, các ý kiến đều cho rằng không chỉ cần tác động từ hạ tầng giao thông đô thị, thu nhập, ngành CN hỗ trợ hay trình độ quản lý sản xuất, nhân lực…, mà các chính sách của Chính phủ vẫn là yếu tố bao trùm nhất.

Theo lãnh đạo Công ty Ford VN, chính phủ nhiều nước đưa ra thông điệp rất cụ thể, liên quan chặt chẽ với nhau, được thống nhất từ đầu và có tính dài hạn 20 – 30 năm. Khi biết chính phủ có những chính sách ổn định mang tính định hướng như vậy, DN hoàn toàn yên tâm sản xuất.

Đồng quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty ô tô Trường Hải – Trần Bá Dương chia sẻ: Chính phủ cần có chính sách thuế ưu đãi cho các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng tron g nước để thúc đẩy CN phụ trợ ô tô phát triển. Nếu có chính sách thuế ổn định, Trường Hải mới mạnh dạn đầu tư và kêu gọi đối tác đầu tư vào Khu kinh tế Chu Lai, nhằm tăng NĐH và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Kinh Tế Đô Thị

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twenty − 7 =

To Top