Connect with us

Chiếm lấy trái tim hay khối óc?

Tin trong nước

Chiếm lấy trái tim hay khối óc?

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đề cao đến trách nhiệm xã hội. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi cái tâm của nhà kinh doanh dần thể hiện rõ hơn thông qua những chương trình hành động cụ thể vì cộng đồng, hoặc vì một yếu tố nào đó.

Tôi biết một số doanh nghiệp có chủ trương tiếp cận với người tiêu dùng hoặc cả cộng đồng xã hội chỉ bằng khối óc chứ không bằng trái tim. Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp này muốn thâm nhập tâm trí người tiêu dùng càng nhanh càng tốt bằng cách quảng cáo “dội bom” trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong chiến dịch chạy đua thương hiệu, họ sẵn sàng chi mỗi tháng cả triệu đô la Mỹ hòng chiếm lấy tâm trí người tiêu dùng.

Trái ngược hình ảnh nêu trên, một số doanh nghiệp lại có chủ trương xây dựng “triết lý nhân sinh” theo kế hoạch dài hạn, từ từ tác động lan tỏa vào cộng đồng và xâm chiếm trái tim của từng người tiêu dùng. Tôi thường tự hỏi, ngoài yếu tố chất lượng, người tiêu dùng mua sản phẩm của doanh nghiệp vì họ yêu thích thương hiệu đó hay do sự tác động từ thông tin quảng cáo?

Trong chuỗi hành trình thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội, tôi nghĩ cũng giống như mình đang gieo hạt trồng cây. Trồng cây thì chẳng sợ không có ai biết đến. Trồng cây bao giờ cũng trải qua một quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cho đến khi cây trưởng thành, cho hoa cho quả.

Trong quá trình trồng cây, người tiêu dùng và cả cộng đồng xã hội sẽ đóng vai trò như ánh nắng mặt trời luôn soi rọi, đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp. Đến lúc cây tỏa bóng râm thì doanh nghiệp cũng bắt đầu gặt hái thành quả. Chính người tiêu dùng, cộng đồng xã hội sẽ đánh giá doanh nghiệp có nói một đường làm một nẻo hay không; những doanh nghiệp nào có lương tâm, dũng cảm dám đương đầu trước những biến cố và giữ vững uy tín của thương hiệu.

Từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với rất nhiều thách thức. Có bao giờ các nhà sản xuất tự hỏi: Các sản phẩm Việt Nam chính hiệu chiếm bao nhiều phần trăm trong tâm trí của người tiêu dùng? Hàng Việt Nam có thương hiệu về nông thôn dễ không…?

Hiện nay đa phần người tiêu dùng không phải là đối tượng dễ tin, dễ bị các nhà sản xuất gạt gẫm. Làm sao người tiêu dùng trong nước có thể tín nhiệm, “yêu thương” các sản phẩm mắc quá nhiều lỗi, chất lượng không đồng đều, tốc độ nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng quá chậm chạp? Nhìn ra bên ngoài ta thấy khi nhà sản xuất tung ra chiếc iPhone 3G, họ đã quan sát, đón trước tâm lý của người tiêu dùng lúc nào chán “anh” 3G để tung ra tiếp “anh” 4G, 5G. Nhà sản xuất khôn ngoan là phải đoán được tốc độ thay đổi của người tiêu dùng để cung ứng sản phẩm mới liên tục.

Nhưng với bao nhiêu đó việc vẫn chưa đủ. Nhạy cảm với đầu ra, nhưng cũng phải chú trọng đầu vào. Chúng ta phải biết nuôi dưỡng các nhà cung ứng và chiếm lấy trái tim của họ. Khi liên kết làm ăn với nông dân, chúng tôi đều có hợp đồng cam kết trong quá trình mua bán, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp cây giống ra quả nhanh hơn, nhiều hơn và thời gian chăm sóc cũng ít hơn. Từ đó nông dân không còn sợ các thương lái ép giá, không còn sợ không có nơi tiêu thụ sản phẩm. Giải pháp hiện nay của Vinamit là tạo sự tương tác để người nông dân và nhà sản xuất ngày càng gắn bó với nhau. Nông dân sống được với nghề còn nhà sản xuất có nguồn hàng ổn định, đạt chất lượng…

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eighteen + 17 =

To Top