Connect with us

Kinh doanh đồ trẻ em sẽ “phất” trong năm con Rồng?

Tin quốc tế

Kinh doanh đồ trẻ em sẽ “phất” trong năm con Rồng?

Năm con Rồng 2011 được dự báo là năm bùng nổ dân số ở Trung Quốc, bởi thế hứa hẹn sẽ tạo cơ hội “kiếm đậm” cho các nhà sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phục vụ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Theo tờ Business Week, trong năm âm lịch con Rồng bắt đầu vào ngày 23/1/2012, sẽ có thêm nhiều phụ nữ Trung Quốc muốn sinh con. Theo quan niệm của nhiều nước phương Đông, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rồng là loài vật tượng trung cho sự thịnh vượng và quyền lực, nên những người tuổi Rồng được xem là dễ gặp may mắn trong cuộc sống.

Năm tới, xu hướng sinh con tuổi Rồng có thể càng nổi trội ở Trung Quốc, khi mà Bắc Kinh đã nới lỏng hơn chính sách kế hoạch hóa gia đình.  “Bùng nổ dân số năm Rồng gần như là điều chắc chắn. Nhu cầu đối với các sản phẩm trẻ em như sữa, tã giấy và quần áo cũng sẽ tăng mạnh theo”, ông Michele Mark, nhà phân tích thị trường hàng tiêu dùng thuộc BNP Paribas, phát biểu.

Ông Liu Tongyou, Giám đốc tài chính của Goodbaby International Holdings, một công ty chuyên về sản xuất xe nôi, xe đẩy, ghế trẻ em… ở Thượng Hải, dự báo  doanh thu của công ty tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ bùng nổ dân số. Không đưa ra con số cụ thể, nhưng ông Liu cho rằng, tăng trưởng doanh thu của công ty năm 2012 tại Trung Quốc sẽ cao gấp đôi ở Mỹ. Trong nửa đầu năm 2011, 28% trong tổng số doanh thu 253,5 triệu USD của công ty này đến từ thị trường Trung Quốc.

Chuyên gia về quan hệ công chúng của công ty sữa công thức Yashili International Holdings, ông Michael Li, dự báo “bùng nổ dân số năm 2012 sẽ giúp doanh số của chúng tôi tăng mạnh. Triển vọng năm tới rất hứa hẹn”. Năm 2010, doanh thu của Yashili vào khoảng 461 triệu USD.

Theo ước tính của hãng nghiên cứu Euromonitor International, doanh thu của thị trường tã giấy trẻ em Trung Quốc sẽ tăng từ mức 3,8 tỷ USD trong năm 2011 lên mức 4,4 tỷ USD vào năm 2012. Thị trường thức ăn trẻ em của nước này được dự báo tăng 22% trong năm nay lên mức 10,6 tỷ USD, và tăng hơn gấp đôi lên mức 21,3 tỷ USD trong thời gian từ nay đến năm 2015.

3 năm trước, giới đầu tư mua cổ phiếu các công ty sữa Trung Quốc lỗ nặng sau vụ bê bối sữa nhiễm melamine. Nhưng đến nay, các cổ phiếu ngành sữa lại đang được các nhà đầu tư săn đón. Năm 2008, cổ phiếu của công ty sữa Inner Mongolia Yili Industrial Group giảm 67% sau khi có tin 22 công ty sữa khác bán sản phẩm sữa nhiễm melamine. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng gấp hơn 5 lần. Tương tự, giá cổ phiếu của hãng sữa China Mengniu giảm 65% trong năm 2008, nhưng đến nay đã tăng gấp đôi.

Mặc dù vậy, các nhà sản xuất hàng hóa phục vụ trẻ em của Trung Quốc hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ nước ngoài, vì người tiêu dùng nước này vẫn cho rằng các thương hiệu trong nước “không đáng tin cậy lắm” – theo nhận định của chuyên gia tư vấn James Joy thuộc công ty China Market Research Group.

Các công ty nước ngoài mới đang là những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thức ăn trẻ em ở Trung Quốc hiện nay. Năm ngoái, công ty Mead Johnson của Mỹ chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường sữa công thức ở Trung Quốc, với 11,7%, tiếp theo là hãng Danone của Pháp với 9,8%. Các công ty lớn Trung Quốc như Beingmate và Yili chỉ chiếm các mức thị phần tương ứng là 9,2% và 7,9%.

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − two =

To Top