Connect with us

“Mối tình” Microsoft – Intel rạn nứt và nguy cơ sụp đổ của thị trường PC truyền thống

Tin quốc tế

“Mối tình” Microsoft – Intel rạn nứt và nguy cơ sụp đổ của thị trường PC truyền thống

Liên minh giữa công ty chuyên sản xuất chip xử lý - trái tim phần cứng và công ty độc chiếm hệ điều hành - thế giới phần mềm đã thống lĩnh thị trường PC suốt 20 năm qua.

Cách đây khoảng hơn 20 năm, cuộc chiến máy tính PC bùng nổ. Lúc đầu, IBM với sự vượt trội về mặt công nghệ đã chiếm nhiều lợi thế trong cuộc đua này. Tuy nhiên, một liên minh đã nhanh chóng vươn lên, giành chiến thắng và gần như độc chiếm thị trường PC từ đó cho đến nay. Trong “liên minh thần thánh” này, một công ty chuyên sản xuất chip xử lý – trái tim phần cứng, một bên độc chiếm HĐH – trung tâm của thế giới phần mềm.

Hẳn các bạn đều đã biết chúng tôi định nhắc đến liên minh nào. Đó là hai cái tên đã quá quá quen thuộc: Microsoft và Intel. Chính hai tập đoàn này đã thống lĩnh, định hướng và có ảnh hưởng gần như tuyệt đối đến sự phát triển của thị trường PC suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, sau bao năm, mối lương duyên tưởng chừng không thể tan vỡ này đang rạn nứt nghiêm trọng. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại sơ qua về “mối tình” nồng thắm trong quá khứ của liên minh “Wintel”, dấu hiệu, nguyên nhân của sự tan vỡ và cả một chút về tương lại của thị trường PC.

“Tình yêu” Wintel và “vũ khí tối thượng” x86

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, cuộc xâm lăng của “binh đoàn” PC bắt đầu. Trước đó thế giới còn chưa có khái niệm về máy tính cá nhân. Tất cả những gì nhân loại biết về máy tính là những cỗ máy cồng kềnh, tốn năng lượng và đặc biệt là giá cả triệu USD. Máy tính khi đó là dành cho các chính phủ, các mục đích quân sự, kỹ thuật, nghiên cứu cao cấp. Rõ ràng, rất ít người có thể mua được những cổ máy cồng kềnh và đắt tiền này.

Sau đó, IBM được cho là người đã khởi động một thị trường máy tính cá nhân (PC) đúng nghĩa khi cho ra đời chiếc 5150 – cỗ máy đã thay đổi hoàn toàn quan niệm về máy tính vào năm 1981. Tuy nhiên, một điều không phải ai cũng biết là 3 năm trước đó, Intel đã phát minh ra thứ mà sau này đã giúp hãng gần như độc chiếm thị trường chip xử lý cho máy tính cá nhân: CPU 8086 – thủy tổ của nền tảng kiến trúc x86. Dễ hiểu hơn một chút, chúng chính là các CPU được sử dụng trong desktop, laptop của bạn.

Cũng trong khoảng thời gian 3 năm trước khi 8086 trình làng, trường đại học danh tiếng Harvard phải chứng kiến vụ bỏ học của một trong những sinh viên vĩ đại nhất mà học từng có: William Henry Bill Gates – người đàn ông giữ ngôi vị giàu nhất hành tinh trong một thời gian dài. Trong cuộc đời của mình, có lẽ điều kỳ diệu nhất Bill Gates đã mang lại cho thế giới chính là hệ điều hành (HĐH) Windows. Tuy kiến trúc x86 quả thật có nhiều ưu điểm nhưng chắc chắn Intel sẽ không thể thống lĩnh thị trường PC nếu như không có sự hợp tác với Windows.

Khởi đầu, đối tác của Bill Gates là IBM và đáng lẽ Bill Gates và Microsoft đã trở thành bộ phận sản xuất phần mềm của IBM nếu như đại diện của tập đoàn máy tính này quyết định đúng đắn hơn.

“Cuộc hôn nhân” giữa x86 với Windows và những năm tháng cực thịnh

Thoát khỏi tầm ảnh hưởng của IBM, Microsoft và Intel đã cùng nhau xây dựng nên ngành công nghiệp sản xuất máy tính trong những năm của thập kỷ cuối cùng thế kỷ trước: một bên kiểm soát 90% thị trường CPU, một bên thống trị tuyệt đối về HĐH. Windows lâu nay chỉ chạy trên các chip nền tảng x86 đồng thời các sản phẩm của Intel cũng hỗ trợ hoàn hảo sản phẩm của Microsoft.

Sự liên kết của hai hãng cực kỳ liền lạc, chặt chẽ tuyệt đối. Điều này đã tạo nên sự độc quyền của liên minh Wintel trong suốt một thời gian dài.

Khi đó, chỉ có một giải pháp phổ biến nhất cho các hãng sản xuất PC trên thế giới: x86 + Windows. Từ HP, Lenovo, Dell… đều tuân thủ tuyệt đối theo công thức này nếu muốn thành công. Các bước tiến của công nghệ thế giới khi đó phụ thuộc phần nhiều vào những cải tiến qua mỗi phiên bản Windows và những tiến bộ của các con chip Intel. Có thể nói thời kỳ này tất cả mọi tiến bộ của ngành công nghiệp công nghệ thông tin đều “theo gót” 2 đại gia Microsoft và Intel.

Những mục tiêu mà Intel cũng như Microsoft đưa ra làm kim chỉ nam cho hướng phát triển của các sản phẩm ra đời từ liên minh Wintel là “1 tăng 2 giảm”. Tăng “Tốc độ”. Giảm “Giá thành và kích thước”. Và với những nhu cầu của con người thời đó chính sách của Wintel hoàn toàn hợp lý. Nó giúp ngành công nghiệp silicon giải tỏa được cơn khát về sức mạnh xử lý.

Chính những bước tiến vượt bậc về hiệu năng và giá thành đã khiến máy tính cá nhân ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, dễ tiếp cận hơn đối với người sử dụng. Và trong thời kỳ này, các hãng sản xuất phần mềm ứng dụng cũng thi nhau tung ra các phần mềm được mệnh danh là “sát thủ phần cứng”.

Đến một lúc, người ta mới chợt nhận ra, dù cho 1 CPU mạnh mẽ tới đâu, con người cũng tìm được cách “ép xung” cho nó chạy 110% công suất chỉ sau vài tháng ngắn ngủi. Việc “trương nở” vô tội vạ của nhu cầu xử lý đã dẫn tới 1 hệ quả đó là Intel ngày càng chìm đắm vào việc tìm cách nâng cao tối đa sức mạnh xử lý trên con chip của mình thông qua việc “nhồi” thêm bóng bán dẫn vào trên 1 CPU.

Bóng bán dẫn trên CPU càng ngày càng nhỏ hơn, nhiều hơn, dày đặc hơn. Đến khi số lượng bóng bán dẫn khó có thể nhồi nhét thêm được thì Intel tìm cách tăng số lõi xử lý. Chúng ta lần lượt được chứng kiến sự ra đời của CPU 2 lõi rồi 4 lõi, 8 lõi…

Về phần Microsoft, hãng này cũng cố gắng tối ưu hết mức Windows, tìm mọi cách để các thiết bị có đóng mác cửa sổ 4 màu luôn “vắt kiệt” sức của các hệ thống xử lý.

Vấn đề là cuộc chạy đua mù quáng này cũng đem lại những hiệu quả trông thấy: Game chúng ta chơi đẹp hơn, phần mềm của chúng ta chạy nhanh hơn. Và vào thời điểm đó, không một ai nhận ra một điểm yếu chết người của x86, điểm yếu mà về sau này nó trở thành cội nguồn của sự rạn nứt giữa Microsoft và Intel. Hãy cùng đón đọc phần sau của bài viết để biết về sự rạn nứt và nguy cơ tan vỡ của liên minh Wintel.

Theo Cafef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × 3 =

To Top