Tin quốc tế
Những điểm chung giữa ExxonMobil và… Microsoft
Những giàn khoan của “đại gia” dầu lửa ExxonMobil có vẻ như chẳng có gì liên quan đến thế giới phần mềm của “gã khổng lồ” công nghệ Microsoft.Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal đã chỉ ra không ít điểm chung, mà hầu hết là những vấn đề đáng lo ngại.
Theo Wall Street Journal, ExxonMobil và Microsoft có ít nhất một điểm chung, đó là vị thế đi xuống trong mắt giới đầu tư chứng khoán. Hệ số giá/thu nhập (P/E) của cổ phiếu Microsoft ở đầu thập niên trước là 25 lần, của cổ phiếu Exxon là 21 lần. Ngày nay, P/E của hai cổ phiếu này chỉ còn hơn 9 lần.
Thậm chí, nếu tính đến sự đi xuống của các cổ phiếu công nghệ và dầu lửa nói chung kể từ thời hoàng kim của các cổ phiếu này, thì giá cổ phiếu của Exxon và Microsoft còn giảm giá nặng nề hơn. Ở thời điểm hiện tại, hai cổ phiếu này được định giá rẻ hơn khoảng 30% nếu so với chỉ số S&P 500.
Nhiều nhà đầu tư hiện lo ngại rằng, những năm tháng tươi đẹp nhất của cả Microsoft và Exxon chỉ còn là dĩ vãng. Điều này được thể hiện rõ nét qua phản ứng đầy hoài nghi của giới đầu tư trước những vụ mua lại lớn gần đây của hai tập đoàn.
Microsoft tuần trước tuyên bố chi 8,5 tỷ USD để sở hữu Skype, là vụ mua lại lớn nhất từ trước tới nay của hãng. Mặc dù nhiều người tin là thương vụ sẽ đem đến cho hãng phần mềm những lợi ích chiến lược, nhưng chẳng mấy ai hoan nghênh mức hệ số P/E lên tới 30 lần, chưa tính đến lãi suất, thuế, trượt giá và khấu hao.
Tương tự, cổ phiếu của Exxon đã rơi vào trạng thái ì ạch kể từ tháng 12/2009, khi hãng thực hiện vụ mua lại lớn chưa từng có của mình với 41 tỷ USD để có hãng năng lượng XTO Energy.
Cả Exxon và Microsoft đều đã phải ra sức nỗ lực để cạnh tranh với những đối thủ mới. “Ông chủ” của Windows giờ không còn đồng nghĩa với tương lai của lĩnh vực công nghệ, thay vào đó là những cái tên trẻ hơn như Google, Facebook và Apple.
Những sai lầm như sản phẩm máy nghe nhạc Zune càng củng cố thêm ý tưởng rằng dù có mạnh đến đâu, Microsoft cũng chỉ giống như loài khủng long của quá khứ. Phần lớn lợi nhuận của Microsoft đến từ hai sản phẩm độc quyền Windows và Office.
Tuy nhiên, hai sản phẩm này chỉ được coi là “máy in tiền”, thay vì là hiện thân của sự tăng trưởng và sáng tạo. Trong khi đó, ở những công nghệ và sản phẩm mới như điện toán đám mây, điện thoại thông minh, máy tính bảng… Microsoft chỉ là kẻ theo sau.
Tương tự như vậy, dầu lửa giờ là thứ cả thế giới đang dùng, nhưng không còn được xem là lựa chọn duy nhất hoặc tốt nhất cho người tiêu dùng nữa. Nhà kinh tế học Phil Verleger gọi dầu lửa từ lâu là “mặt hàng bất đắc dĩ”, một thứ thuế mà người tiêu dùng phải trả để chạy xe.
Dầu lửa còn bị xem là một phần nguyên nhân dẫn tới thay đổi khí hậu, chiến tranh và giá xăng cao. Những lựa chọn thay thế như xe chạy điện đang thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng.
Thêm vào đó, ngay cả trong một lĩnh vực chính của các “đại gia” dầu lửa là thăm dò dầu khí, những phát hiện lớn trong thập kỷ qua, chẳng hạn như phát hiện các mỏ khí đá phiến ở Mỹ, chủ yếu lại là phát hiện của các đối thủ nhỏ con hơn.
Vụ mua XTO Energy đánh dấu cú đột phá của Exxon vào mảng thăm dò dầu khí đá phiến, nhưng mức giá cao ngất của thương vụ này, cộng thêm tính kinh tế hạn chế mà các mỏ khí đá phiến đem lại so với các mỏ dầu thông thường đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn của hãng.
Những điểm chung đáng buồn trên đây phản ánh quan điểm rằng, lĩnh vực hoạt động của cả hai, đối với Exxon là dầu lửa – còn đối với Microsoft là phần mềm lấy máy tính làm trung tâm – đều đã đến lúc xế chiều. Nhưng có vẻ như, không có chuyện Exxon hay Microsoft có nguy cơ đứng bên miệng vực. Thế giới vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào các sản phẩm của họ và họ vẫn đạt tới những con số lợi nhuận khổng lồ.
Đối với các chuyên gia chứng khoán, những con số lợi nhuận ở thời điểm hiện tại của Exxon và Microsoft vẫn chưa phải là tất cả. Họ vẫn đang chờ xem chương trình thăm dò dầu lửa ở Tây Phi của Exxon, cũng như phiên bản mới hệ điều hành máy tính Windows của Microsoft sẽ thành công tới mức nào.
Theo vneconomy