Connect with us

Mua hàng khuyến mãi: Có tiền đi trễ cũng về không

Tin trong nước

Mua hàng khuyến mãi: Có tiền đi trễ cũng về không

Không còn là thú vui, sở thích như những năm trước, săn hàng khuyến mãi với người dân hiện nay còn là đi tìm hàng giá rẻ để tiết kiệm chi phí...

Thế nhưng khi mua hàng khuyến mãi, không ít người tiêu dùng mua phải hàng tồn kho, hàng chất lượng kém.

Chậm là hết

Chưa đến 10 giờ sáng 2-9, bà Các đến siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM) để tìm mua bột giặt với chương trình khuyến mãi hấp dẫn theo quảng cáo của siêu thị này. Chen lấn trong đám đông đến nghẹt thở, tới kệ trưng bày hàng thì chẳng thấy hàng đâu, bà Các hỏi nhân viên và được tư vấn sản phẩm bị “cháy” hàng nên tạm thời mua hàng của một hãng bột giặt khác cũng trong chương trình khuyến mãi.

Không chấp nhận, bà Các lần dò trên cuốn cẩm nang mua sắm, tiếp tục chọn thêm hai sản phẩm giảm giá là drap trải giường và cây lau nhà nhưng hàng trên kệ lèo tèo, không còn nhiều mẫu để lựa chọn.

Sau khi thoát khỏi quầy tính tiền với gần 30 phút xếp hàng chờ đợi, bà Các vẫn chưa mua được những thứ như ý định ban đầu. “Tôi biết thế nào cũng đông, nhưng mới sáng đã hết hàng thì siêu thị cần treo thông báo trước cổng để những người đến sau khỏi mất công chen vào” – bà Các bực mình.

Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, thừa nhận do lượng khách trong những ngày đầu thực hiện chương trình khuyến mãi quá đông nên tại một số siêu thị lớn trong hệ thống xảy ra hiện tượng quá tải và thiếu hàng cục bộ ở một số mặt hàng có mức khuyến mãi hấp dẫn như bột giặt, cây lau nhà, thực phẩm tươi sống.

Nhà bán lẻ đã nhanh chóng bổ sung hàng hoặc thay thế mặt hàng khác cùng chủng loại và có mức khuyến mãi tương đương. Tuy vậy vẫn xảy ra trường hợp khách chậm chân là hết hàng. “Trước khi bắt đầu, chúng tôi đã làm việc với nhà cung cấp để có lượng hàng đủ lớn và dồi dào. Trong những ngày khuyến mãi tới người tiêu dùng vẫn còn cơ hội mua được sản phẩm giá rẻ” – ông Nhân nói.

Tình trạng hễ có khuyến mãi hấp dẫn, đến mua thì luôn được thông báo hết hàng dường như xảy ra phổ biến đến mức nhiều bà nội trợ có kinh nghiệm săn hàng khuyến mãi nằm lòng, nhưng vì giá giảm quá hấp dẫn nên không cưỡng được.

Bà Thu, ngụ quận Tân Bình, cho biết hôm trước có siêu thị điện máy quảng cáo vỉ nướng 499.000 đồng/cái, lật đật dậy sớm xếp hàng từ khi siêu thị chưa mở cửa nhưng sau khi bán chừng mấy chục cái, siêu thị thông báo hết hàng. Người dễ tính thì im lặng ra về, người khó tính cho rằng mình đã bị lừa, nhà bán lẻ không minh bạch số lượng từ đầu, thế là cảnh lộn xộn xảy ra trước siêu thị, gây tắc nghẽn cả con đường.

 

Đối chứng mới mua được hàng

Ông Tuấn (TP.HCM) đọc báo thấy siêu thị điện máy Thiên Hòa có chương trình giảm giá hấp dẫn nên tranh thủ tới mua bình thủy Toshiba với giá sau khi giảm 50% còn 1,350 triệu đồng. Thế nhưng tới nơi chiếc bình thủy lại được niêm yết giá 1,650 triệu đồng, thắc mắc hỏi nhân viên bán hàng, ông được cho biết không có giá đó. Ông Tuấn khăng khăng giá 1,350 triệu đồng được đăng trên báo thì anh nhân viên nói lại “cầm báo lên đây để đối chứng”. Sau hai lần đi lại và phản ảnh trực tiếp lên phòng kinh doanh, ông Tuấn mới mua được sản phẩm đúng giá công bố trên báo.

“Cũng may tôi đọc báo nên biết giá để phản ảnh chứ nhiều người tới mua thấy giảm 50% hấp dẫn quá chọn mua ngay”, ông Tuấn nói. Theo đại diện Thiên Hòa, đây là sự cố kỹ thuật ngoài mong muốn. “Trong quá trình trình bày trang đăng quảng cáo, có sự nhầm lẫn con số từ phòng kinh doanh sang phòng marketing. Sau khi nhận phản ảnh của khách hàng, chúng tôi kiểm tra lại và chỉ đạo các trung tâm phải bán theo giá công bố trên báo, chấp nhận bán dưới giá vốn để giữ uy tín” – ông Bùi Tấn Cường, phó giám đốc kinh doanh Thiên Hòa, giải thích.

Tuy nhiên, theo nhiều người tiêu dùng, mua hàng khuyến mãi ở những điểm bán, trung tâm uy tín vẫn còn có cơ hội khiếu nại và được đền bù. Ở những điểm bán hàng tự phát hoặc cửa hàng nhỏ, chất lượng hàng hóa vô chừng, mua xong chỉ biết “ôm hận” chứ không thể đổi, trả. Nhiều nơi đề dòng chữ “hàng khuyến mãi không đổi, không trả” với mục đích đánh vào sự thiếu tỉnh táo của không ít người tiêu dùng trước hàng trăm mặt hàng giảm giá. Khi đã mua, về đến nhà mới phát hiện hàng bị lỗi, không đúng kích thước… thì đã quá muộn.

Một mặt hàng, nhiều giá khác nhau

Theo ông Phạm Ngọc Khôn – chuyên gia tư vấn chiến lược marketing, khuyến mãi trong thời buổi hiện nay quay về chức năng cơ bản là để kích doanh số bán hàng. Nhưng ngay khi cùng thực hiện khuyến mãi ở một nhóm hàng thì vẫn có sự chênh lệch giá bán giữa các siêu thị với nhau. Ví dụ dầu gội E tại siêu thị C giá 36.900 đồng/chai nhưng tại siêu thị B giá chỉ có 35.800 đồng/chai, ngược lại sản phẩm dầu gội P tại siêu thị C lại có giá rẻ hơn 1.500 đồng chai. Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình), giải thích để có những cụm hàng giá tốt nhất, nhà bán lẻ phải dựa vào thời điểm, chiến lược bán hàng cũng như thế mạnh của mình. “Nếu không có khuyến mãi giá có thể ngang nhau, nhưng một khi đã thực hiện khuyến mãi giá sẽ có chênh lệch” – bà Thảo nói.

Theo Tuổi Trẻ

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × 5 =

To Top