Connect with us

Thị trường thiết bị GPS vào mùa kinh doanh “khủng”

Tin trong nước

Thị trường thiết bị GPS vào mùa kinh doanh “khủng”

Cả nước có 400.000 phương tiện vận tải, trong đó hơn 100.000 xe phải lắp hộp đen. DN lại đầu tư mới 10-15%/năm, tức 10.000-15.000 xe phải lắp hộp đen mỗi năm. Đây là cú hích mạnh thị trường dịch vụ và thiết bị GPS.

Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc lắp thiết bị giám sát hành trình (Global Positioning System – GPS) trên các phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa đã mở ra cơ hội kinh doanh cho các nhà cung cấp thiết bị GPS và dịch vụ liên quan. Tiềm năng phát triển của thị trường cũng đặt ra những yêu cầu về dịch vụ sau bán hàng, bảo mật thông tin và dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp khách hàng và cả vấn đề nhân lực ứng dụng thiết bị, công nghệ.

Theo Nghị định 91, từ ngày 1-7 năm nay, tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500 km buộc phải lắp đặt hộp đen ô tô, hay còn gọi là thiết bị định vị toàn cầu (thiết bị GPS). Các xe khách chạy đường dài trên 300 km sẽ phải lắp hộp đen từ ngày 1-1-2012, và sau đó từ ngày 1-7-2012, tất cả các loại xe khách, xe buýt đều phải gắn thiết bị này.

Cơ hội cho nhà kinh doanh thiết bị

Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Việt Cathy – đơn vị chuyên cung cấp và lắp đặt hộp đen cho xe ô tô – cho biết thiết bị GPS mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như giúp họ quản lý được hành trình, vận tốc của xe, quãng đường mà xe đã chạy, thời gian qua các trạm thu phí hoặc các bến bãi, kho hàng mà doanh nghiệp khách hàng yêu cầu.

“Thiết bị này còn giúp hạn chế bớt các hành vi tiêu cực của tài xế như chạy không đúng lộ trình, chạy các tuyến ngoài luồng, gian lận trong việc sử dụng nhiên liệu. Việc người quản lý theo dõi các báo cáo về hành trình và vận tốc của xe cũng góp phần giảm bớt tai nạn giao thông”, ông Việt nói.

Hiện nay, Việt Cathy đang cung cấp hai loại thiết bị là GPS Tracker cho khách hàng cá nhân và GPS Tracking cho chủ xe, doanh nghiệp vận tải. Khi lắp đặt hệ thống GPS, doanh nghiệp không cần đầu tư hạ tầng công nghệ hay hệ thống máy chủ để phục vụ việc quản lý phương tiện, vì toàn bộ dữ liệu được lưu trữ bằng công nghệ điện toán đám mây hoặc tại máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ.

Ứng với mỗi xe sẽ là một tài khoản (account) và chủ doanh nghiệp chỉ cần nhập tài khoản kèm theo biển số xe hoặc tên của tài xế (có thể thay đổi được) khi đăng nhập vào hệ thống là có thể theo dõi và xem các loại báo cáo về tình hình và hành trình của chiếc xe đó.

Cứ mỗi ba tháng, các công ty cung cấp dịch vụ GPS sẽ tung ra một phiên bản mới cập nhật toàn bộ dữ liệu như địa danh hành chính, trạm thu phí, đường sá và khắc phục những lỗi phần mềm của phiên bản cũ.

Hiện nay trên thị trường có khoảng 20 nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị GPS cho các loại phương tiện vận tải, có thể kể đến những cái tên như Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Điện tử Bình Anh, Công ty TNHH Thương mại Điện tử Vinh Hiển, Công ty cổ phần Vcomsat, Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ Eposi, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Việt Cathy, Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom)…, và mới đây VinaPhone của VNPT cũng đã gia nhập thị trường này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm khách hàng doanh nghiệp của Viettel Telecom, cho biết công ty có thể tận dụng được hệ thống hạ tầng mạng viễn thông có sẵn để từ đó cung cấp dịch vụ trọn gói từ phần mềm, phần cứng, đến thẻ SIM truyền dữ liệu cho khách hàng. Ngoài ra, với mạng lưới kênh phân phối rộng khắp cả nước, Viettel Telecom sẽ dễ dàng hỗ trợ khách khi hệ thống GPS trên xe của họ gặp trục trặc về mặt kỹ thuật, đường truyền tín hiệu, hư hỏng thẻ SIM… ở bất kỳ đâu.

Tiềm năng của thị trường

Theo các chuyên gia, tiềm năng của thị trường GPS rất lớn vì ngoài việc thu được phí dịch vụ, nhà cung ứng còn thu được phí thuê bao từ khách hàng cho việc lưu trữ dữ liệu và bảo trì hệ thống, trung bình khoảng 1 triệu đồng mỗi xe. Bên cạnh đó, các mạng viễn thông cũng được hưởng phí dịch vụ đường truyền Internet GPRS hằng tháng.

Ông Việt liệt kê sơ sơ ba khoản phí mà doanh nghiệp phải đầu tư cho một xe gồm phần cứng (hộp đen) với giá 5,2-6 triệu đồng/thiết bị, phí trả cho nhà mạng viễn thông Internet GPRS duy trì đường truyền khoảng 30.000-50.000 đồng/tháng và phí lưu trữ hành trình (hosting) của xe trong thời gian 1-3 tháng, còn nếu thời gian lưu trữ dài hơn nữa thì phải 40-60 đô la Mỹ/năm.

Ông Tạ Công Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Điện tử Vinh Hiển, nhận định rằng các khách hàng cá nhân quan tâm nhiều đến giá thành thiết bị và cước phí hằng tháng do nhu cầu sử dụng của họ khá đơn giản. Do đó, ở phân khúc thị trường này hứa hẹn sẽ có cuộc cạnh tranh về giá giữa các nhà cung ứng.

Trong khi đó, ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp, bên cạnh yếu tố giá cả khách hàng quan tâm nhiều đến các giải pháp toàn diện mà nhà cung cấp đem lại. Vì vậy, theo ông Thuận, để cạnh tranh ở thị trường này các nhà cung cấp phải có năng lực và kinh nghiệm về công nghệ. Bên cạnh đó, thị trường cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà cung ứng và các mạng viễn thông.

“Tuy thị trường mới có khoảng 20 nhà cung cấp nhưng sự cạnh tranh đã khá gay gắt. Dự đoán trong thời gian sắp tới sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn ở cả hai phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Cơ hội kinh doanh cũng sẽ giảm đi đối với những doanh nghiệp đến muộn”, ông Thuận cho biết thêm.

Ông Việt của Việt Cathy cũng cho biết đã thực hiện việc lắp đặt hệ thống GPS cho khoảng 1.000 xe các loại trong vòng ba tháng nay.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng 400.000 phương tiện được sử dụng trong ngành vận tải, trong số này sẽ có hơn 100.000 xe thuộc diện phải lắp đặt hộp đen từ đầu tháng 7 vừa qua. Ngoài ra, hằng năm các doanh nghiệp lại đầu tư thêm một lượng xe mới, trung bình khoảng 10-15%. Từ đó, có thể tính ra mỗi năm sẽ có 10.000-15.000 phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải sẽ phải lắp đặt hộp đen. Điều này đang tạo nên cú hích cho thị trường dịch vụ và thiết bị GPS.

Nỗi băn khoăn của nhà ứng dụng

Theo đại diện một số doanh nghiệp vận tải, mối lo ngại của họ chủ yếu là về những vấn đề phát sinh sau khi đầu tư cho hệ thống GPS, như độ ổn định của đường truyền tín hiệu, mức độ bảo mật thông tin về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, công tác tập huấn cho tài xế và nhân viên về ứng dụng hệ thống.

Ngoài ra, còn có những trục trặc khác như thẻ SIM không hoạt động, hệ thống gặp sự cố trong trường hợp bị sét đánh hoặc dữ liệu không tải về được… Bên cạnh đó, phí thuê bao hằng năm cho một xe còn khá cao, góp phần làm tăng gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm khó khăn chung hiện nay.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Bắc-Nam (không muốn nêu danh tính) cho biết công ty của ông đã lắp đặt hệ thống GPS cho các xe cách đây vài tháng nhưng ông không hài lòng về chất lượng dịch vụ sau bán hàng của nhà cung ứng. Nhà cung ứng sau khi lắp đặt xong thiết bị không cho chuyên viên kỹ thuật quay lại kiểm tra xem hệ thống vận hành có ổn định hay không. Vị trí xe khách được định vị trên bản đồ số đôi khi chưa chính xác.

Ngoài ra, nỗi lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin của các doanh nghiệp là không thừa khi họ dẫn chứng những thông tin trên thế giới về những trường hợp dữ liệu của doanh nghiệp bị thâm nhập và gửi đến các máy chủ ở nước ngoài, điều này ảnh hưởng không chỉ đến doanh nghiệp mà còn đến vấn đề an ninh quốc phòng.

Hiện số lượng doanh nghiệp vận tải lắp đặt thiết bị giám sát cho phương tiện của mình ở Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 10%. Tuy nhiên, theo dự báo của các doanh nghiệp, tỷ lệ này sẽ đạt 60-70 % vào cuối năm 2013, bao gồm các phương tiện vận tải thuộc diện buộc phải lắp đặt theo quy định của Nghị định 91 và cả các phương tiện mà chủ nhân có ý thức về những lợi ích do dịch vụ này mang lại.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

7 + eighteen =

To Top