Connect with us

Tiếp thị bất động sản: Doanh nghiệp “nội” đang lớn

Tin trong nước

Tiếp thị bất động sản: Doanh nghiệp “nội” đang lớn

Nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn đang có xu hướng tìm thuê doanh nghiệp trong nước đảm nhận khâu tiếp thị cho dự án của mình.

Theo thống kê của các chuyên gia, thị trường dịch vụ bất động sản (tiếp thị, phân phối, định giá, tư vấn đầu tư, quản lý điều hành dự án…) trong nhiều năm qua gần như nằm trọn trong tay các doanh nghiệp nước ngoài với khoảng 90% thị phần, 10% còn lại là dành cho một số doanh nghiệp trong nước, liên doanh…

Những cái tên như CBRE, Savills, Colliers, Knight Frank, Jones Lang LaSalle hay Cushman & Wakefield… đã quá quen thuộc với những chủ đầu tư bất động sản trong nước, cũng như với bất kỳ ai quan tâm đến thị trường này trong nhiều năm qua.

Đặc biệt, từ những năm 2008 trở về trước, những cái tên nói trên dường như là yếu tố không thể thiếu trong thành công của các dự án bất động sản lớn. Các doanh nghiệp địa ốc từ Nam chí Bắc muốn bán được hàng thuận lợi, nhanh chóng, dò đúng nhu cầu thị trường… tất thảy đều phải nhờ đến bàn tay của một trong số những doanh nghiệp nói trên.

Khi đó, với “thâm niên” có mặt tại Việt Nam đều trên dưới chục năm, nên phần lớn những dự án tiềm năng, những địa bàn nào sinh lợi lớn đều nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp tiếp thị bất động sản nước ngoài. Ngay cả đến thời điểm này, dù phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng không ít doanh nghiệp tiếp thị bất động sản ngoại vẫn chen chân được vào những dự án lớn, dù có thể chỉ là tiếp thị một mảng, phân khúc nào đấy của một dự án.

Song hiện tại, nhiều dịch vụ như định giá, tư vấn bán hàng… mà trước đây chỉ được cung cấp bởi các doanh nghiệp nước ngoài thì nay đã được các doanh nghiệp Việt giới thiệu, quảng bá và đảm nhận.

Cùng với sự khó tính của chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhiều khi cũng bị cắt hợp đồng, giảm bớt việc quản lý một số khâu, phân khúc trong dự án hoặc thậm chí bị thay thế giữa chừng do không đảm bảo tiến độ bán hàng hoặc do chi phí quá cao.

Tiêu biểu trong việc thay đổi nhà tiếp thị phải kể đến dự án Mulberry Lane (quận Hà Đông, Hà Nội). Chủ đầu tư dự án này đã lần lượt “bỏ qua” nhiều tên tuổi lớn của nước ngoài. Và theo thông tin từ chủ đầu tư, sắp tới doanh nghiệp này sẽ chọn một doanh nghiệp trong nước đảm nhận khâu tiếp thị cho dự án.

Ngoài ra, còn có một số dự án khác như Canal Park (Long Biên, Hà Nội), các dự án của tập đoàn Vincom… cũng đã được chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng với các nhà tiếp thị ngoại.

Không chỉ có xu hướng quay sang tìm doanh nghiệp trong nước đảm nhận khâu tiếp thị, bán hàng cho dự án, một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước đang có xu hướng tự đứng ra đảm nhiệm luôn khâu này.

Lãnh đạo tập đoàn Nam Cường cho biết, ngay khi doanh nghiệp này khởi công các dự án của mình, hàng loạt các doanh nghiệp tiếp thị nước ngoài đều đến đặt vấn đề đảm nhận khâu tiếp thị, tư vấn… Tuy nhiên, tất cả đều bị từ chối.

Lý do, theo vị này là ngoài việc chi phí phải trả quá cao thì những phương thức và chiến lược bán hàng của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không có gì là đặc sắc, nổi trội. Quan điểm của Nam Cường là nếu giá cả, diện tích hợp lý thì không cần phải dùng bất cứ “chiêu” bán hàng nào, khách hàng cũng tự tìm đến.

Ngoài Nam Cường, một số dự án có quy mô lớn như tòa nhà Xanh 40 tầng tại Mỹ Đình của Viglacera, dự án Star City của Tập đoàn Đại Dương, nhiều dự án bất động sản của Archi land Việt Nam… cũng được các doanh nghiệp này… tự tay bán hàng.

Còn theo ông Lâm Bảo Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn (chủ đầu tư dự án Hoàng Đồng Lạng Sơn có vốn đầu tư 2 tỷ USD), việc lựa chọn doanh nghiệp tiếp thị nước ngoài chỉ là bất đắc dĩ, tức là khi mà doanh nghiệp Việt không thể đảm nhận được.

Còn trong bối cảnh hiện nay, khi mà thông tin, công nghệ và kiến thức đã gần như quốc tế hóa, thì các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận được việc này. Đó là lý do tại sao doanh nghiệp này lại chọn một công ty trong nước tiếp thị cho dự án trên và cả một số dự án khác nữa.

 “Kinh doanh bao giờ cũng phải tính hiệu quả và lợi nhuận lên trên hết. Và khi mà một mặt hàng có giá trị như nhau, công dụng và chất lượng như nhau thì tất yếu bạn sẽ chọn cái nào có giá rẻ hơn”, ông Kỳ nói.

Theo vneconomy

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 + 18 =

To Top