Connect with us

“Gmobile sẽ làm khác Beeline”

Tình huống thương hiệu

“Gmobile sẽ làm khác Beeline”

Công ty Cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn cầu (GTel Mobile JSC) đã chính thức “khoác tấm áo mới”  Gmobile, thay thế cho thương hiệu Beeline đã hết hạn sử dụng theo thỏa thuận với VimpelCom.

Trở thành doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, với đơn vị sở hữu chủ quản là Bộ Công an, liệu Gtel Mobile sẽ có chiến lược phát triển như thế nào để “thời” của Gmobile không giống với sự phát triển của Beeline trước đây?

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Văn Dư, Tổng giám đốc Gtel Mobile cho biết:

– Quan điểm của chúng tôi là không đầu tư dàn trải, làm khác với trước đây khi còn đối tác nước ngoài. Vì lúc đó, đối tác có nguồn tài chính mạnh và họ đầu tư một cách đại trà, đánh nhanh thắng nhanh, nhưng chúng tôi thì đầu tư hiệu quả. 

Đơn cử, triển khai một trạm BTS thì trước hết phải tính hiệu quả kinh doanh của nó như thế nào, đạt chỉ tiêu kinh doanh thì chúng tôi mới làm. Với cách làm này, trong thời gian vừa qua, Gtel Mobile đã nâng cao, cải thiện chất lượng sóng ở các đô thị lớn, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Nam.

Với khả năng và thời gian cho phép, năm 2012, chúng tôi sẽ triển khai đạt con số 1.000 trạm BTS nữa và năm 2013 tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng phủ sóng, mở rộng sóng ở các vùng đô thị tập trung. 

Tôi cho rằng, với cách làm này, khách hàng sẽ hài lòng và doanh nghiệp sẽ tăng được doanh thu, hiệu quả kinh doanh.

Nhưng theo ông, cơ hội của Gmobile sẽ như thế nào trong bối cảnh thị trường viễn thông đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay? Liệu các ông còn đặt mục tiêu đứng ở vị trí thứ 4 như VimpelCom trước đây từng đặt ra?

Tôi biết thị trường viễn thông di động Việt Nam cạnh tranh quyết liệt, trong đó có các nhà mạng rất lớn, còn chúng tôi là mạng rất nhỏ. Nhưng theo tôi, dù lớn dù nhỏ thì vẫn còn cơ hội để cạnh tranh. Tiềm năng của thị trường viễn thông Việt Nam còn rất to lớn. Thị trường vẫn đang phát triển. 

Chúng tôi cũng không hề từ bỏ mục tiêu là nhà mạng thứ 4 và đứng ở vị trí cao hơn nữa. Với sự quyết tâm nỗ lực của mình thì chắc chắn Gtel Mobile sẽ vượt qua được thách thức hiện nay.

Trên thực tế, băng tần có vai trò vô cùng quan trọng tới hiệu quả đầu tư, phát triển của một doanh nghiệp viễn thông, nhưng băng tần của Gtel Mobile không được lợi thế như các nhà mạng lớn khác?

Đúng, hiện Gtel Mobile đang có băng tần thực sự không được tốt, băng tần 1800 MHz để cung cấp dịch vụ. Băng tần này có lợi thế là ở các vùng tập trung đô thị, nhưng rất khó khăn triển khai mạng lưới ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, chi phí cũng tốn kém hơn. 

Sau khi tiếp quản 100% vốn của Gtel Mobile thì chúng tôi cũng đã báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, báo cáo Chính phủ xem xét cấp băng tần thuận lợi như các nhà mạng khác cho Gtel Mobile. 

Tuy nhiên, đúng tinh thần khẩu hiệu “Nghĩ mới, Làm mới”, thích nghi với hoàn cảnh của Gtel, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ ở những nơi đã phủ sóng, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt. Cách làm này trong 3 tháng qua đã chứng minh tính hiệu quả và chúng tôi sẽ tiếp tục theo hướng đó.

Nhưng tín hiệu được cấp băng tần mới từ phía Chính phủ và Bộ ngành thế nào rồi, thưa ông? 

Về băng tần 900 MHz, hiện chúng tôi được biết Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà khai thác, xem xét, rà soát để điều chỉnh lại băng tần và nếu có thể được thì sẽ cấp cho Gtel Mobile. Nhưng đấy là đề xuất nhu cầu, yêu cầu của chúng tôi, còn được hay không còn do quy hoạch của cơ quan Nhà nước. 

Băng tần dù có được cấp hay không thì chúng tôi cũng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, và các nhà khai thác khác sẽ ưu tiên cho việc sử dụng chung hạ tầng để kết hợp khai thác, cung cấp dịch vụ di động 2G và 3G. Vì thế, Gtel Mobile vẫn có cơ hội để tiếp tục phát triển.

Là doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước với đơn vị sở hữu chủ quản là Bộ Công an, Gtel Mobile có những lợi thế và có được hỗ trợ như thế nào từ phía các đơn vị chủ quản, điều mà Beeline trước đây không có?

Gtel Mobile hiện nay khác với hồi trước tháng 4/2012, vì giờ chúng tôi là 100% vốn Nhà nước, không phải doanh nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài. Sự quan tâm của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu thì phải bảo toàn vốn và nâng cao hiệu quả, cạnh tranh doanh nghiệp và lợi nhuận.

Tôi nghĩ, với tư cách là doanh nghiệp Nhà nước thì chắc chắn Nhà nước phải có sự chỉ đạo, phải có những quyết sách để bảo toàn vốn và đảm bảo phát triển vì đây là vốn của Nhà nước. 

Mục tiêu phát triển

Theo thông cáo mà Gtel Mobile phát đi, hiện nhà mạng có 3 triệu thuê bao, đây có phải là thuê bao thực? Gtel Mobile có tính đến phát triển thuê bao trả sau, nơi đem lại sự phát triển bền vững của doanh nghiệp?

Chính xác hiện nay chúng tôi có 3,2 triệu thuê bao. Đây là số thuê bao thực đang phát sinh cước và đang sử dụng dịch vụ của Gtel Mobile. 

Để phát triển bền vững, không hẳn là trả trước hay trả sau mà còn phụ thuộc vào chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ và sự quan tâm chăm sóc khách hàng như thế nào. Tất cả chúng tôi đã có kế hoạch và sẽ tiếp tục cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian tới. 

Về phát triển thuê bao trả sau, hệ thống tính cước của Gtel Mobile cũng đã đồng bộ. Chúng tôi đã đầu tư khá lớn về mặt kinh phí, và sẵn sàng cho cả trả sau. Gtel Mobile cũng đã cung cấp dịch vụ trả sau cho khách hàng doanh nghiệp. Sắp tới, chúng tôi chuẩn bị các điều kiện để triển khai đại trà cho khách hàng nào có nhu cầu dùng trả sau.  

Với thương hiệu mới, dự định đến cuối năm, Gtel Mobile sẽ có thêm bao nhiêu thuê bao?

Mục tiêu kinh doanh của chúng tôi từ nay đến cuối năm là có 5 triệu thuê bao thực, mang lại doanh thu, mang lại tiền cho doanh nghiệp. 

Hiện với 3,2 triệu thuê bao và với tốc độ tăng trưởng thuê bao hiện nay, cùng với việc ra mắt thương hiệu và các kế hoạch tiếp thị, quảng cáo sắp tới, chúng tôi cho rằng, khả năng đạt 5 triệu thuê bao là có thể thực hiện được. 

Nhưng ngay bản thân các nhà mạng lớn thời điểm này cũng không kỳ vọng phát triển thuê bao được nhiều nữa, vì mức độ bão hòa đã tiệm cận rồi?

Chúng tôi cho rằng thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng và cái quan trọng là chúng ta có đưa ra sản phẩm phù hợp với thị trường hay không. 

Hầu hết người dùng điện thoại di động Việt Nam đều không sở hữu một máy điện thoại và mong muốn của chúng tôi là tiếp cận máy điện thoại thứ hai của khách hàng và dài hơi hơn là biến nó thành điện thoại thứ nhất. 

Tôi tin tưởng với sản phẩm phù hợp và hiệu quả của nó về mặt kinh tế cho khách hàng thì Gtel Mobile sẽ có thêm được lượng thuê bao trên.

Những gói cước Tỷ phú dưới thương hiệu Beeline, tới đây còn có được duy trì?

Tất cả những sản phẩm, những gì mà Gtel Mobile đã đưa ra thị trường dưới thương hiệu Beeline đều vẫn có giá trị và sử dụng được bình thường. Tuy nhiên, khách hàng đang sử dụng gói cước Tỷ phủ 1 hoặc 2 hoặc bất kỳ gói cước nào khác đều có thể chuyển sang gói cước Tỷ phú 3. 

Theo quan điểm của ông, Beeline trước đây có thành công hay không, và nếu không thì các ông sẽ khắc phục như thế nào để mang lại sự thành công cho Gmobile? 

Giai đoạn có sự đầu tư của VimpelCom, đứng về mặt cung cấp dịch vụ viễn thông, chúng tôi cho rằng, Gtel Mobile đã thành công. Tuy nhiên, về mặt hiệu quả kinh doanh thì chưa đạt đến thời điểm có lợi nhuận. Vì thế, về mặt lợi nhuận thì chưa thành công. 

Sở dĩ như vậy cũng phải nói, khi Gtel Mobile cung cấp dịch vụ vào năm 2009 thì đã tạo được dấu ấn trên thị trường viễn thông Việt Nam, mà chủ quan tôi đánh giá là chưa bao giờ có được sự kiện như vậy. 

Gtel Mobile đã mang được sắc thái mới, không khí mới cho thị trường viễn thông với những chiến lược bùng nổ tiếp theo. Theo đó, trong thời gian rất ngắn, Gtel Mobile cũng có được kỷ lục triển khai được số lượng trạm với thời gian từ lúc thành lập đến lúc cung cấp dịch vụ là ngắn nhất, 9 tháng, và phủ sóng được 21 tỉnh thành phố. 

Còn nói đứng về mặt lợi nhuận chưa thành công vì đầu tư viễn thông là khoản đầu tư tài chính rất lớn và đòi hỏi có thời gian. 3 năm chưa thể có lợi nhuận. Nhất là trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam cạnh tranh khác hoàn toàn mấy năm trước đó. 

Bây giờ, Gtel Mobile đã thuộc 100% là chủ sở hữu Bộ Công an, chúng tôi khẳng định tiếp thu thành quả của Gtel Mobile đã mang lại. Đồng thời, chúng tôi cũng đã điều chỉnh kế hoạch theo năng lực của mình để đảm bảo cho hiệu quả và thực tế cho thấy với cách làm Gtel Mobile điều chỉnh là đã có hiệu quả.

Theo vneconomy

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × 1 =

To Top