Connect with us

Chật vật giải phóng hàng tồn kho

Tin trong nước

Chật vật giải phóng hàng tồn kho

Do tiêu dùng và hoạt động đầu tư trong nước suy yếu, doanh nghiệp đang phải chật vật xoay xở tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều mặt hàng như hàng điện tử, thép, xi măng … đang còn tồn kho khá nhiều.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương ngày 5-9 vừa qua, trước áp lực về tỷ giá, giá nguyên vật liệu trong nước và nhập khẩu vẫn đang biến động khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất, trong khi đó hàng tồn kho vẫn tiếp tục tăng cao. 

Hai mặt hàng thép và xi măng đang chịu ảnh hưởng nặng nề trước tình trạng đóng băng bấy lâu nay của thị trường xây dựng.

Thép, xi măng tồn kho lớn

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến 31-8, tổng lượng thép xây dựng tồn kho cả nước lên đến 400 ngàn tấn, phôi tồn đến 520 ngàn tấn, lượng tồn kho này cao gần gấp đôi so với mức dự trữ bình quân hàng tháng của các doanh nghiệp thép.

“Do tiêu thụ quá kém nên nhiều doanh nghiệp thép đang phải sản xuất cầm chừng, có doanh nghiệp giảm trên 50% công suất do tiêu thụ khó khăn, hàng làm ra không bán được. Tình hình khó khăn này không biết còn kéo dài đến bao lâu. Hiện rất khó dự đoán được thời điểm nào thị trường mới hồi phục bởi còn phải phụ thuộc nhiều vào các chính sách điều hành của Nhà nước”, ông Nghi nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 6-9.

Ở vào tình thế tương tự như thép, ngành xi măng với gần 80 nhà máy sản xuất trên cả nước cũng đang chật vật tìm kiếm đầu ra bởi lượng xi măng tồn kho tính đến cuối tháng 8 năm nay cũng lên đến hơn 2 triệu tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, mặc dù từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã nỗ lực xuất khẩu gần 3 triệu tấn xi măng để giải phóng bớt hàng tồn kho, thế nhưng ngành xi măng cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi sức tiêu thụ trong nước giảm sút khá rõ rệt, lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Thiện, hồi đầu năm nay, ngành xi măng đề ra chỉ tiêu tổng lượng xi măng tiêu thụ năm 2011 đạt 55 triệu tấn. “Tuy nhiên, do tình hình xây dựng còn ảm đạm nên dự báo lượng tiêu thụ xi măng năm nay tối đa cũng chỉ đạt khoảng 50 triệu tấn, giảm 8% so với năm 2010. Nhiều doanh nghiệp xi măng đang co cụm sản xuất”, ông Thiện nói.

Tiêu thụ hàng điện tử, dây cáp điện giảm mạnh

Cũng thep Bộ Công Thương, thống kê 8 tháng đầu năm nay cho thấy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tiêu thụ một số nhóm sản phẩm như điện, điện tử giảm mạnh như điều hòa nhiệt độ giảm 20,8%, tủ lạnh, tủ đá giảm 14,5%, lắp ráp ô tô giảm 7,7% …Chỉ số tồn kho sản phẩm điều hòa nhiệt độ tăng 33,3%, tủ lạnh, tủ đá tăng đến 63,1% so với cùng kỳ.

Ở ngành hàng điện máy, trưởng phòng logistics một công ty đại diện của một thương hiệu hàng điện tử, điện lạnh Nhật Bản nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, suốt mấy tháng qua, tình hình kinh doanh rất bi đát khi lượng hàng bán ra sụt giảm tới 70 – 80% so với cùng kỳ.

Hàng nhập về từ đầu năm chất đầy trong kho, nhất là máy lạnh, tivi LCD. “Ví dụ ở mặt hàng máy lạnh, năm ngoái, các trung tâm điện máy không đủ hàng hàng để bán nên năm nay ai nấy đổ xô trữ hàng. Doanh nghiệp nhập khẩu trữ. Nhà bán lẻ trữ. Không ngờ, năm nay trời không nóng, kinh tế lại khó khăn nên ai nấy ôm hàng tồn kho”, ông này nói.

Cũng theo vị trưởng phòng nói trên, đó là lý do các chương trình khuyến mãi nhằm xả hàng đang được các nhà bán lẻ điện máy thực hiện liên tục trong thời gian vừa qua.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, lượng hàng tồn kho ở mặt hàng dây cáp điện, dây điện có bọc cách điện trong tháng 8 tăng 38,8% so với cùng kỳ. Thực tế này được các doanh nghiệp lý giải rằng là hệ quả tất yếu khi sức mua trên thị trường trong thời gian vừa qua đã sụt giảm mạnh.

Ông Huỳnh Kiệt Chí, Giám đốc điều hành Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ dây và cáp điện Kim Cương cho biết, doanh số của phần thị trường trong nước từ đầu năm đến nay bị sụt giảm so với cùng kỳ khi hàng hóa bán ra rất chậm.

Theo ông Chí, trong nhiều tháng qua, Kim Cương gần như không có những hợp đồng lớn, bán số lượng nhiều mà chỉ vài đơn hàng nhỏ, lẻ tẻ.

“Sản phẩm của chúng tôi dành cho các công trình xây dựng cao ốc, chung cư, các nhà xưởng trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhưng từ đâu năm đến nay, bất động sản thì đóng băng, đầu tư nước ngoài thì sụt giảm. Hàng hóa bán ra giảm là vì vậy”, ông Chí nói.

Hiện tại, Kim Cương không sản xuất để dành như trước. Khi không có đơn hàng, chúng tôi ngừng sản xuất, cho công nhân tạm nghỉ. Đến khi có đơn hàng mới gọi lại. Đây cũng là lý do có một số người chủ động xin nghỉ, ông Chí cho biết thêm.

Còn theo ông Đỗ Đình Khoản, Giám đốc chi nhánh TPHCM Công ty cổ phần dây và cáp điện Thượng Đình (Cadi-sun), thời gian vừa qua, hàng hóa không chỉ bán ra rất khó mà giá còn rất bấp bênh.

Ông Khoản cũng cho biết, nếu như trước đây, đơn vị này luôn xây dựng kế hoạch tồn kho khá lớn cho các sản phẩm tiêu thụ thường xuyên để sẵn sàng hàng khi cần nhưng hiện nay mọi việc đã phải tính toán lại. Dự trù hàng tồn kho đã phải giảm 30 – 40% so với trước đây. Lượng hàng thô nhập về cũng giảm tới hơn một nửa, từ 500 – 1.000 tấn/lần xuống 300 – 350 tấn/lần.

Theo TBKTSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × 5 =

To Top