Connect with us

Kem đánh răng P/S: Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng

Tình huống thương hiệu

Kem đánh răng P/S: Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng

Dường như vì ấu trĩ và mối lợi trước mắt mà doanh nghiệp bán đi cả một thương hiệu vốn là một trong những niềm tự hào của người Việt một thời. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ vị thế doanh nghiệp nước nhà mà còn đến bản lĩnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Rất nhiều người Việt hôm nay dùng thường xuyên kem đánh răng P/S của Tập đoàn đa quốc gia Unilever (Hà Lan) và dành cho sản phẩm này nhiều thiện cảm mà không biết rằng kem đánh răng P/S nổi tiếng cách đây mới 15 năm thôi còn là “thương hiệu Việt chính hiệu”. Bao nhiêu năm qua rồi, những những ai còn nặng lòng với đất nước này vẫn cứ bị day dứt bởi câu hỏi: Thương hiệu P/S bị bán là bởi chiến lược thôn tính thương hiệu và thị trường thông minh, bài bản và phù hợp luật pháp của một doanh nghiệp nước ngoài hay do sự ấu trĩ, hám lợi của doanh nghiệp trong nước? Đây là bài học cay đắng, không bao giờ xưa cũ đối với doanh nghiệp nước ta hôm nay trong bối cảnh mở cửa và hội nhập thế giới đương đại với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, khốc liệt của thương trường.

Lộ trình P/S về tay doanh nghiệp nước ngoài

Kem đánh răng P/S nổi tiếng là sản phẩm của Công ty Hóa mỹ phẩm Phong Lan thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt và chiến lược tiếp thị khôn khéo, thương hiệu P/S đã định vị vững chắc trong tâm thức người tiêu dùng trong nước  và chiếm một thị phần rộng lớn suốt gần 20 năm cho đến khi người ta buộc phải “bán” nó đi trong tình thế bất khả kháng (1995).

Với bản lĩnh dày dặn của một tập đoàn đa quốc gia có trên 200 năm “kinh nghiệm trận mạc”, Unilever khi thâm nhập thị trường Việt Nam đã sớm nhận thấy hiện thực và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thương hiệu kem đánh răng P/S. Không chậm trễ, Unilever đã vạch ra một “phương án tác chiến” và hành động ngay với mục đích là chuyển nhượng cho được quyền sở hữu thương hiệu nổi tiếng này của Công ty Hóa mỹ phẩm Phong Lan trước khi bị các đối tác sừng sỏ khác hiện có ở Việt Nam như Colgate Palmolive  “nẫng” mất.

Đầu tiên, Unilever đề nghị với đối tác Phong Lan thành lập một liên doanh cùng tiếp tục khai thác thương hiệu kem đánh răng P/S sau khi nhãn hiệu này được chuyển nhượng cho Unilever. Phong Lan sẽ được hưởng lợi từ nguồn thu chuyển nhượng thương hiệu đồng thời được chia lợi nhuận từ kinh doanh của liên doanh nói trên. Thương hiệu P/S nếu được quản lý, khai thác và quảng bá bởi tập đoàn lẫy lừng thế giới như Unilever sẽ tiếp tục phát triển. Những đề nghị này thật hấp dẫn nhưng nếu chấp nhận thì coi như P/S được dày công xây dựng bao nhiêu lâu nay sẽ  bị “vu quy” và tuột khỏi tầm tay của người tạo lập, xây dựng và phát triển thương hiệu này.

Không biết có phải vì sự “lấp lánh” của mấy triệu USD chuyển nhượng thương hiệu P/S hay không mà cuối cùng Phong Lan chấp nhận thành lập liên doanh P/S ELISA để cùng khai thác P/S trên cơ sở thương hiệu này được chuyển nhượng cho Unilever.  Theo đó, Phong Lan  không còn sản xuất P/S nữa mà chỉ còn đảm nhiệm chức năng gia công vỏ hộp kem đánh răng (bằng nhôm) cho liên doanh.

Ở đời mấy ai lường được chữ ngờ (có thể vì ấu trĩ và hám lợi mà không lường được). Một thời gian sau, công nghệ sản xuất vỏ kem đánh răng bằng nhôm bị khai tử và thay vào đó là công nghệ sản xuất vỏ kem đánh răng bằng nhựa. Khi chuyển đổi công nghệ,  Phong Lan không đủ sức đầu tư  công nghệ mới và kết quả là P/S ELISA đã “dứt tình” Phong Lan và trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Thương hiệu kem đánh răng P/S nổi tiếng một thời đã chính thức nói lời giã biệt với quyền sở hữu Việt Nam mong manh cuối cùng.

Niềm day dứt đọng lại…

Dù biện hộ cách nào đi nữa thì việc kem đánh răng P/S không còn là thương hiệu Việt nữa cũng đã để lại một bài học buồn và gợi nhiều trăn trở về tâm thế doanh nghiệp Việt hôm nay trong thời buổi hội nhập toàn cầu.

Thương hiệu là tài sản vô giá không chỉ của riêng doanh nghiệp mà còn là niềm tự hào quốc gia. Dường như vì ấu trĩ và mối lợi trước mắt mà doanh nghiệp đã nỡ tâm bán đi cả một thương hiệu vốn là một trong những niềm tự hào của người Việt một thời. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế doanh nghiệp nước nhà, những người  đang gồng mình vật lộn với khốc liệt của thị trường và cơ chế để tồn tại, để khẳng định mình và khẳng định bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Tầm Nhìn – Thương Hiệu Việt 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

7 + ten =

To Top