Connect with us

Xe ngoại ế ẩm chờ khách

Tin trong nước

Xe ngoại ế ẩm chờ khách

Đua nhau đem xe về thị trường trước thời hạn siết thủ tục nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào cảnh khóc dở mếu dở khi sức mua sụt giảm, hàng nằm bãi chờ khách mà hạn thanh toán ngân hàng sắp tới.

Giọng ngán ngẩm, Giám đốc điều hành Công ty ôtô Tây Bắc – Hồ Khắc Hùng nói không ngớt về sự khó khăn của thị trường, sau chính sách siết xe ngoại của Bộ Công Thương. Ông cho biết mấy tuần qua, các nhà nhập khẩu đã tìm mọi cách để đưa xe về thị trường trước thời điểm thông tư 20 có hiệu lực.

Số lượng ôtô nhập khẩu mà các doanh nghiệp lớn “dự trữ” lên tới hàng trăm. Còn các salon nhỏ, số lượng xe lưu kho cũng lên tới con số vài chục. Lượng xe tưởng chừng sẽ là “lương khô” đủ để doanh nghiệp bán rả rích trong vài tháng tới.

Nhưng xe về nhiều, showroom không đủ chỗ nên doanh nghiệp phải huy động hết các điểm có thể nhất để chứa hàng. Chưa hết, hàng về nhiều, sức mua kém, nên doanh nghiệp rơi vào cảnh cực chẳng đã: bấm bụng để vốn “nằm chết” trong xe mà chờ khách. “Từ đầu tháng đến nay, chúng tôi chỉ bán được chiếc duy nhất, trong khi cùng thời điểm năm ngoái, con số này ít nhất cũng vào khoảng 10 chiếc…”, ông Hùng nói.

Sức mua hiện nay èo uột hơn nhiều dự báo của giới kinh doanh.

Ông Hùng cho hay trước đây, mỗi khi chính sách thay đổi, thuế chuẩn bị tăng là những người có nhu cầu đổ xô đi mua xe. Thế nhưng, xu hướng hiện nay lại trái ngược hoàn toàn. Rất ít khách hàng tìm tới mua dù rằng quy định siết nhập khẩu có hiệu lực gần một tuần, và phí trước bạ đối với ôtô có xu hướng tăng theo chủ trương. “Điều này thật khó lý giải nhưng tôi đồ rằng có thể do chính sách siết cho vay tiêu dùng cộng thêm việc ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm. Nhiều người có tiền đã gửi vào nhà băng kiếm lãi, thay vì bỏ tiền ra mua xe”, ông Hùng đoán.

Lô hàng hơn 150 xe của Công ty cổ phần ôtô Tín Phát nhập khẩu về để chạy thông tư 20 đang nằm la liệt ở bãi chờ khách hàng đến mua. Hơn 20 chiếc xe khác cũng đang trên đường cập cảng và chờ ngày thông quan.

Trước đây, với lô xe này, chỉ trong vòng khoảng nửa tháng, Tín Phát có thể tiêu thụ hết. Thậm chí, có thời điểm “bán xe chạy thuế”, người tiêu dùng còn xếp hàng để mua. Còn hiện tại, với lô xe này có thể phải mất tới 2 tháng thậm chí là lâu hơn nữa mới bán hết.

“Với một doanh nghiệp uy tín, có nhiều bạn hàng, tôi không mấy băn khoăn về sự ảm đạm của thị trường. Cái chính là, sau khi bán hết 150 chiếc kể trên, chúng tôi không biết tìm đâu ra nguồn để tiếp tục duy trì các hoạt động kinh doanh”, Giám đốc Tín Phát – Vũ Nam Chung than thở.

Ông Chung cho biết nếu như năm ngoái, thời điểm trước và sau khi các chính sách siết nhập khẩu được áp dụng, các dòng xe nhập khẩu sẽ bán rất chạy. Vậy mà, thuế xe cũ chuẩn bị tăng mạnh, phí trước bạ được xem xét ở mức 20%, thuế VAT cũng có nguy cơ điều chỉnh lên mức mới, thị trường ôtô vẫn khá trầm lắng. Cùng thời điểm tháng trước, một ngày có khoảng 50 người vào xem xe thì nay con số này giảm xuống còn khoảng 2-5 người.

“Những người đến salon dịp này phần lớn có nhu cầu mua xe thực sự. Họ đã tìm hiểu kỹ thị trường, khảo sát về giá cả nên khi tới rồi là chốt mua luôn”, ông Chung cho biết.

Chủ một doanh nghiệp kinh doanh ôtô trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội cho biết hầu hết các nhà nhập khẩu đều cố gắng mang hàng về sớm để tranh thủ trước thời điểm siết nhập khẩu – thông tư 20 có hiệu lực. Do vậy, hiện tại thị trường đang “khủng hoảng thừa” xe ngoại.

Trong khi thực tế, để xe về được, các doanh nghiệp phải huy động một lượng vốn khá lớn từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Lãi suất vay đang cao ngất ngưởng với 2,1% một tháng. Như vậy, xe không bán được cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lãi suất, lương công nhân, thuê nhà xưởng… “Chi phí này sau đó sẽ phải tính vào giá. Và như vậy, một chiếc xe tới đây sẽ đắt hơn rất nhiều so với hiện tại”, vị chủ doanh nghiệp này nói.

Ông nhẩm tính một chiếc trị giá 1 tỷ đồng nếu không bán được, riêng lãi suất ngân hàng mỗi tháng doanh nghiệp phải trả ít nhất là 20 triệu đồng. Nếu cộng thêm các khoản chi phí khác, con số này lên tới 25-30 triệu đồng. Còn với những dòng xe siêu sang như Bentley hay Rolls-Royce một ngày nằm bãi, mức phí còn lớn hơn thế rất nhiều.

Giới chuyên gia nhận xét thị trường xe ngoại ảm đạm trong những ngày qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ngoài yếu tố nền kinh tế khó khăn, tiền trong dân không nhiều, việc các salon ôtô “té nước theo thông tư 20” khi tăng giá xe lên 10-20% trước đó là một nguyên nhân khiến sức mua giảm mạnh.

“Một chiếc xe nhập khẩu tăng bình quân 3.000-5.000 USD trong những ngày đầu tháng 6 khiến giá ôtô đứng ở mức quá cao, người có nhu cầu thực sự cũng không chọn thời điểm này để mua xe”, một chuyên gia nói.

Chủ một salon ôtô ở Hà Nội bổ sung thêm, ngoài sức ép về giá, quy luật hằng năm vào tháng 7, tháng 8, thị trường ôtô cũng không mấy khởi sắc. Nhiều người quan niệm đây là tháng “cô hồn” nên cũng không quyết định mua sắm các tài sản lớn như nhà, xe. Ông này nhận định thị trường xe ngoại sẽ cực kỳ sôi động trong giai đoạn giáp tháng 9 – thời điểm áp trần phí trước bạ lên 20% có hiệu lực.

Theo vnexpress

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three × three =

To Top