Connect with us

Nội dung số Việt ‘hụt hơi’ trên thị trường tỷ đô

Tin trong nước

Nội dung số Việt ‘hụt hơi’ trên thị trường tỷ đô

Nếu không có sự hỗ trợ thích đáng về chính sách, khả năng các doanh nghiệp nội dung số Việt "thua" ngay trên chính sân nhà là hoàn toàn có thể.

Thị trường “tỷ đô” vẫn còn rất lớn

Theo sách trắng CNTT&TT Việt Nam do Bộ TT&TT phát hành, tuy chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu công nghiệp CNTT nhưng xét về tốc độ phát triển, công nghiệp nội dung số là ngành có mức tăng trưởng rất ấn tượng, khoảng 20-40%/năm trong gần 10 năm qua. 

Riêng năm 2011, toàn ngành đã đạt quy mô doanh thu trên 1 tỷ đô la, thu hút khoảng 500-600 doanh nghiệp với hơn 60.000 lao động. 

Nghiên cứu của Hội Truyền thông số Việt Nam cũng cho biết hiện nội dung số tại nước đa đang đứng trước cơ hội rất lớn bởi tốc độ phát triển thuê bao cũng như internet đang thuộc vào diện hàng đầu Đông Nam Á. Hiện cả nước đang có 130 triệu thuê bao di động (cả 2G và 3G), trong đó có khoảng 10 triệu thuê bao sử dụng 3G có phát sinh lưu lượng. 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp khẳng định đây là nguồn tài nguyên quý báu, nếu tận dụng tốt, các doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam có thể thu về hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Cũng đánh giá rất cao triển vọng phát triển của nội dung số, Tổng giám đốc VNG, Lê Hồng Minh cho biết đây là thị trường rất có tiềm năng ở cả hiện tại và tương lai. 

Ông Minh cho biết đây cũng là một trong những hướng đi chính mà ngành công nghiệp Internet Việt Nam sẽ tập trung trọng tâm trong thời gian tới. Trong năm 2012, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng VNG vẫn giữ mức doanh thu 2 nghìn tỷ đồng, ông Minh cho biết thêm.

Cùng quan điểm trên, ông Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT VTC Online, dự đoán hiện nay toàn Việt Nam có khoảng 34 triệu người dùng internet và con số này sẽ tăng lên đến 50 triệu trong vòng 3 -5 năm tới. Đây chính là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp nội dung số Việt phát triển, ông Nam khẳng định. 

Cũng trong kế hoạch phát triển của mình, VTC Online đã đặt ra mục tiêu đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2015. 

Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch IDG Ventures Vietnam cũng cho rằng thị trường Nội dung số Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nếu ngành này phát triển được hệ sinh thái gồm 5 khía cạnh chính phủ, quỹ đầu tư, công ty nước ngoài, công ty trong nước và môi trường hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, một cách tốt hơn thì lợi nhuận có thể lên tới hàng chục tỷ USD trong những năm tới.

Doanh nghiệp Việt gặp khó trong chính sách

Theo thống kê của Bộ TT&TT, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thuần của các doanh nghiệp nội dung số đạt 40% vào năm 2009 nhưng giảm xuống còn 25% vào năm 2010 và tụt xuống 20% vào năm 2011. Hiện vẫn chưa có thống kê về lợi nhuận của toàn ngành trong năm 2012 nhưng dự kiến sẽ chỉ tăng chưởng ít đạt khoảng 1,5 tỷ USD so với 1 tỷ USD của năm 2011.

Không khó để nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, hầu như chỉ hoạt động chủ yếu trong phạm vi cung cấp nội dung, còn những lĩnh vực mang lại doanh thu chính lại để rơi vào tay các công ty nước ngoài.

Có thể kể đến Google không chỉ thống trị thị trường tìm kiếm mà ngay cả trong quảng cáo số, đây cũng là lựa chọn hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó Facebook cũng có đông người dùng Việt nhất, hơn bất cứ mạng xã hội nào của Việt Nam.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, thừa nhận sức ép của các tên tuổi đến từ nước ngoài lên các doanh nghiệp nội dung số là rất lớn. Đồng thời bày tỏ mong muốn nhà nước cần cung cấp các chính sách thông thoáng hơn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có một sân chơi công bằng để phát triển.

Theo ông Minh, hiện các chính sách quản lý và hỗ trợ nền công nghiệp nội dung số của Việt Nam vẫn còn chậm và chưa rõ ràng. Nhiều quy định từ khâu lên dự thảo tới lúc ban hành kéo dài tận 6 tháng đến 1 năm. Cũng trong quãng thời gian đó, Facebook có thể nâng số người dùng tại nước ta từ con số 3 triệu lên đến 12 triêu, ông Minh nêu ví dụ về thiệt hại do sự chậm trễ trên.

Mặc dù hiện nay vẫn nhận được hỗ trợ bởi hàng loạt các chính sách ưu đãi như Nghị định 108, Nghị định số 24/2007 … nhưng dễ dàng nhận thấy nội dung số Việt rất khó để hưởng các ưu đãi đó. Bởi hầu hết các chính sách đều chỉ ưu tiên cho các doanh nghiệp tự sản xuất hoặc xuất khẩu sản phẩm nhưng ở Việt Nam có rất ít các đơn vị thực hiện lĩnh vực này. Hầu hết các doanh nghiệp đều nhập khẩu sản phẩm và kinh doanh dịch vụ trên đó. 

Ông Phan Sào Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị VTC Online, cũng chi sẻ khó khăn lớn nhất hiện nay với ngành nội dung số là Nhà nước chưa có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt không chỉ trên lĩnh vực cạnh tranh với các tên tuổi đến từ nước ngoài mà ngay khi mang sản phẩm đi xuất khẩu cũng chưa được hưởng nhiều ưu đãi cụ thể.

Có thể nhận thấy hiện các chính sách dành cho nội dung số tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Tiêu biểu là trong lĩnh vực game online, hầu hết các quy định đều thắt chặt khiến mảng này gặp nhiều khó khăn để phát triển sản phẩm mới, từ khâu quảng bá, điều kiện phát hành cho đến tình trạng cấm cục bộ ở một số địa phương.

Đứng trên khía cạnh quản lý nhà nước, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT cũng thừa nhận các chính sách về ưu đãi cho ngành nội dung số vẫn chưa phát huy tác dụng cụ thể. Nhiều chính sách vẫn chưa được điều chỉnh đúng để phù hợp với tình hình hiện tại, đặc biệt là trong các vấn đề như quản lý game online, hợp tác chia doanh thu giữa nhà mạng và doanh nghiệp nội dung số …

Theo Cafef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × one =

To Top