Connect with us

Nỗi buồn của máy tính bảng “thương hiệu Việt”

Tình huống thương hiệu

Nỗi buồn của máy tính bảng “thương hiệu Việt”

Nhiều dự án sản xuất máy tính bảng với mác “Việt” dự kiến có mặt trên thị trường ngay từ những ngày đầu nhưng đã bị bỏ rơi giữa chừng, trong khi nhiều sản phẩm từng gây tiếng vang đang vật lộn với bài toán tồn tại.

Từ “lặn một hơi”

Điển hình cho kế hoạch ấp ủ máy tính bảng “thương hiệu Việt” vào những ngày dòng sản phẩm công nghệ này mới gây sốt ở Việt Nam là dự án của Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) và Tập đoàn Công nghệ CMC. Đáng chú ý, đây đều là những thương hiệu lớn về điện tử và công nghệ thông tin của Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, dự án máy tính bảng “thương hiệu Việt” giá rẻ đầu tiên (dự kiến tung ra thị trường vào tháng 11/2010) của Hanel và kế hoạch sản xuất máy tính bảng của Công ty Máy tính CMS thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC (dự kiến ra mắt từ cuối quý 2 hoặc đầu quý 3/2011), có thể coi là đã tắt ngấm.

Ông Nguyễn Phước Hải, Tổng giám đốc Công ty Máy tính CMS, cho biết, mặc dù CMS sẽ không định trở thành người tiên phong trên thị trường máy tính bảng thương hiệu Việt, nhưng kế hoạch sản xuất máy tính bảng sẽ là một lựa chọn ưu tiên của CMS và cuối quí 3/2011 sẽ có sản phẩm thử nghiệm.

Nhưng mục tiêu này của CMS chỉ còn là… ý tưởng. Ngay sản phẩm “dễ ăn” hơn là điện thoại di động thì tháng 7/2012 vừa qua, Hội đồng quản trị CMC cũng đã quyết định cho Công ty CMC Blue France tạm ngừng hoạt động để cắt giảm chi phí, do sau gần 2 năm hoạt động không đạt kết quả kinh doanh như kỳ vọng.

So với dự án máy tính bảng của CMS mới dừng lại ở khâu lên kế hoạch, thì sản phẩm tương lai của Hanel đã được giới thiệu đầy đủ các chi tiết. Song, chiếc Hanel Pad này cũng “lặn một hơi”. Nhiều nhân viên bán hàng của Hanel cho biết cũng chỉ nghe nói đến chứ vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng của Hanel Pad.

… cho tới teo tóp dần

Trên thực tế, thị trường trong nước cũng đã đón nhận không ít sản phẩm máy tính bảng thương hiệu Việt như của Pi Việt Nam, FPT, Công ty TNHH Thương mại Trí Nam. Song, sau một thời gian giành giật thị trường với chiến lược quảng bá rầm rộ và giá siêu rẻ, doanh số các sản phẩm này cũng đang… teo tóp dần.

Công ty TNHH Thương mại Trí Nam, hồi tháng 3 – 4/2012 từng gây ấn tượng mạnh khi đạt doanh số 10.000 chiếc tablet BiPad 9 với giá 1,98 triệu đồng trong chương trình ưu đãi ra mắt sản phẩm.

Việc Trí Nam bán được 10.000 sản phẩm BiPad chủ yếu nhờ chiến lược kinh doanh khá thông minh, là cho khách hàng “đặt tiền trước lấy hàng sau”, gắn với việc tuyên truyền và cam kết bảo hành sản phẩm. Tuy nhiên, những sản phẩm về sau của BiPad đã ít được người tiêu dùng “ham đồ rẻ” quan tâm hơn.

Trước Trí Nam, tập đoàn FPT cũng từng gây sốc khi loan tin chiếc máy tính bảng của hãng này đã cháy hàng trong lần ra mắt đầu tiên hồi tháng 10/2011 với hơn 1.000 sản phẩm được tiêu thụ. Thế nhưng, trên hầu hết các kệ hàng của các siêu thị, đại lý bán hàng công nghệ thì máy tính bảng của FPT… “tìm mãi không ra”.

Theo khảo sát của phóng viên VnEconomy tại nhiều siêu thị, đại lý bán điện thoại, máy tính bảng… gần như không có một người tiêu dùng nào hỏi mua và rất hiếm người biết về sản phẩm máy tính bảng do tập đoàn FPT sản xuất.

Vẫn là tương lai xa

Ông Mai Phú Phong, Giám đốc PhonGee, người có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh điện thoại và máy tính bảng cho rằng, có những điện thoại “thương hiệu Việt” ít ra còn “sống” được trong một thời gian ngắn, nhưng với máy tính bảng thì gần như không “sống” nổi.

Theo ông Phong, người sử dụng máy tính bảng sẽ nghiêng nhiều hơn về giá trị cảm nhận, mẫu mã, chất lượng của sản phẩm thay vì những tính năng cơ bản như điện thoại. Vì thế, người dùng sẵn sàng mua lại những sản phẩm dùng rồi của các thương hiệu nổi tiếng với giá chênh lệch không đáng bao nhiêu.

Việc cạnh tranh bằng giá rẻ của máy tính bảng “thương hiệu Việt” cũng sẽ không thể kéo dài được mãi, bởi nhiều tập đoàn công nghệ nước ngoài đã và đang bước vào phân khúc máy tính bảng tầm trung như Kindle Fire của Amazon hay Nexus 7 của Google.

 “Cách tốt nhất là các công ty nên tập trung tham gia vào một chuỗi cung ứng nào đó thật tốt, thay vì tự làm sản phẩm của mình”, nhiều chuyên gia công nghệ nhìn nhận về thị trường máy tính bảng thương hiệu Việt.

Hiện một số công ty làm máy tính bảng Việt đang chạy đua “hạ giá” những sản phẩm máy tính bảng, xuống còn có 1,69 triệu đồng/ sản phẩm, thậm chí là 1,38 triệu đồng, nhưng xem ra, “mảnh đất” thực sự trên thị trường này vẫn còn làm một tương lai xa.

Theo vneconomy

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × three =

To Top