Connect with us

Những “cái chết đại gia” năm 2011

Tin quốc tế

Những “cái chết đại gia” năm 2011

Những biến động của năm 2011 đã kéo theo hàng loạt thương hiệu lớn phá sản hoặc chuẩn bị biến mất trong một vài năm tới. Cùng điểm lại những “cái chết” gây xôn xao dư luận nhiều nhất trong năm qua.

Xe sang Saab chính thức bị “khai tử”

Trong khi năm cũ chỉ còn hơn chục ngày là kết thúc thì dư luận lại phải đón nhận thông tin thương hiệu xe sang Saab của hãng sản xuất xe Saab đã chính thứcđệ đơn xin phá sản sau rất nhiều ngày nỗ lực nhằm cứu vãn tình thế bất thành. Thực ra, sự gục ngã của thương hiệu xe đã trở thành biểu tượng của một hãng sản xuất này không phải quá bất ngờ, trước đó, rất nhiều ý kiến đã dự đoán được kết cục này nguy cơ sẽ xảy ra vào năm 2012.

Tuy nhiên, mọi việc lại diễn ra sớm hơn. Ngày 19/12, Saab đã đệ đơn lên toà án ở Thuỵ Điển xin làm thủ tục phá sản doanh nghiệp. Đây được cho là giải pháp tốt nhất bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên: nhân viên và các chủ nợ của công ty. Niềm hy vọng cuối cùng của Saab đặt cả vào công ty ô tô Youngman của Trung Quốc. Youngman đã chuyển cho Saab gần 4,5 triệu USD hồi tuần trước, cứu hãng một lần suýt phá sản. Tuy nhiên, đến cuối tuần, Youngman đã thông báo với Saab rằng họ không thể tiếp tục rót vốn vì chủ cũ của Saab là General Motors (GM) đã kiên quyết ngăn chặn sự can thiệp của bất cứ đối tác Trung Quốc nào vào công ty, từ việc cho vay đến mua lại toàn bộ.

Một số ý kiến cho rằng chính GM đã giết chết Saab, trong khi một số khác cho rằng công ty chỉ bảo vệ quyền lợi của mình.

Saab có trụ sở tại Trollhaettan, phía nam Thuỵ Điển, được GM mua 50% cổ phần vào năm 1990 và nốt nửa còn lại một thập kỷ sau đó. Trong phần lớn thời gian thuộc sở hữu GM, thương hiệu Saab toàn thua lỗ. Giới phân tích cho rằng việc GM dùng các linh kiện, phụ tùng của các xe GM vào lắp ráp xe Saab đã làm hỏng thương hiệu nổi tiếng một thời này. Do khó khăn về tài chính, đầu năm 2010, GM đã ký thoả thuận bán thương hiệu Saab cho nhà sản xuất ô tô hạng sang của Hà Lan là Spyker Cars NV, nay là Swedish Automobile N.V. (Swan). Được biết, từ tháng 6/2011, Saab đã ngừng sản xuất sản phẩm mới.

Maybach – “cái chết” được báo trước

Trước Saab không lâu, một thương hiệu ô tô “nổi đình nổi đám” khác cũng đã gây xôn xao dư luận khi đối diện với nguy cơ bị “tuyệt chủng” rất cao. Với doanh số bán hàng sụt giảm liên tục gần một thập niên qua, Maybach, thương hiệu cao cấp nhất của Daimler, hãng mẹ của Mercedes-Benz, có thể sẽ biến mất khỏi thị trường vào năm 2013. Theo như kế hoạch, sau khi “khai tử” thương hiệu này, hãng Mercedes-Benz sẽ lấp đầy những khoảng trống mà Maybach để lại bằng các thế hệ cao cấp của Mercedes-Benz S-Class.

Đại diện của hãng này đã khẳng định: “Dòng S-Class thế hệ mới đủ sang trọng để thay thế Maybach”. Tuy nhiên, lời hứa này vẫn không đủ sức làm người tiêu dùng nguôi nuối tiếc về một thương hiệu ô tô sang trọng, đắng cấp, lịch lãm bậc nhất một thời, đó là Maybach.

 

“Cú sốc” trên thị trường tài chính toàn cầu

MF Global đã từng là một trong số 22 công ty tài chính được coi là an toàn, đủ để thay mặt Cục Dự trữ Liên bang (FED) phát hành các khoản nợ của Chính phủ Mỹ. Thế nên, việc “ông lớn” này bất ngờ nộp đơn xin phá sản vào cuối tháng 10 vừa qua khiến rất nhiều người bàng hoàng, thậm chí khiến thị trường tài chính toàn cầu lao đao theo.

Đặc biệt hơn nữa, với vụ sụp đổ này, MF Global đã trở thành nạn nhân lớn đầu tiên ở Mỹ phá sản do khủng hoảng nợ công châu Âu. Do đặt cược quá nhiều vào các khoản nợ xấu tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, nơi đang chật vật đối phó cuộc khủng hoảng nợ công, MF Global, công ty môi giới kinh doanh hàng hóa và các hợp đồng phái sinh, phải nộp đơn xin phá sản với tổng số nợ lên tới 39,7 tỷ USD, gần bằng mức tổng tài sản 41 tỷ USD của công ty.

 

“Đại gia” chứng khoán Việt Nam phá sản

Không chỉ trên thế giới mà ở trong nước, nhiều thương hiệu “đình đám” cũng đã phá sản, khiến dư luận bất ngờ và không phải là không hoang mang. Bởi trong nhiều vụ việc, người dân còn trực tiếp bị ảnh hưởng về quyền lợi.

Trong số đó, nổi bật nhất là sự sụp đổ của Công ty Dược Viễn Đông. Vốn được coi là một trong những mã cổ phiếu hấp dẫn nhất trên sàn chứng khoán TP HCM, mã DVD của Công ty Dược Viễn Đông đã phải trải qua thời gian sóng gió, bắt đầu từ cuối tháng 11/2010. Nguyên nhân khiến DVD rơi vào khủng hoảng là vào tháng 11/2010, cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) bắt ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Viễn Đông và em trai Lê Văn Mạnh vì hành vi thao túng giá cổ phiếu DHT. Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu DVD nhanh chóng bị sụt giảm. Tốc độ giảm giá của cổ phiếu luôn thuộc Top “ngon ăn” này ngày càng lao dốc chóng mặt. Chỉ từ cuối tháng 11/2010 đến tháng 3/2011, giá DVD giảm từ 46.900 đồng xuống 20.000 đồng/cổ phiếu và đến cuối tháng 8, có thời điểm giá cổ phiếu này đóng cửa chỉ còn mức 4.200 đồng/cổ phiếu.

Đến ngày 25/8, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã chính thức công bố thông tin về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP dược phẩm Viễn Đông (DVD).

Được biết, DVD sẽ trả nợ theo luật Phá sản. Theo đó, tài sản có thế chấp thì phát mãi trả nợ ngân hàng, nợ khách hàng thì trả khách hàng, sau đó mới đến trả thuế, lương công nhân viên… Theo trình tự trả nợ, sau khi thanh toán hết các khoản nợ, còn lại thì mới đến lượt các cổ đông. Tuy nhiên, bởi DVD không đủ tài sản để trả nợ, nên khả năng cổ đông DVD sẽ trắng tay là khá rõ ràng.

Cùng lúc “tống tiễn” hai hãng hàng không

Sự ồn ã khi mới thành lập của hãng hàng không Indochina Airlines (Công ty CP Hàng không Đông Dương) đã nhanh chóng tắt lịm từ đầu tháng 12, khép lại một thời gian tồn tại ngắn ngủi nhưng đầy thăng trầm, sóng gió của thương hiệu này. Ra đời khá ồn ào, Indochina Airlines là hãng hàng không tư nhân được cấp phép thành lập vào ngày 30/5/2008. Đến ngày 25/11 năm này, hãng đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên.

Tuy nhiên, sau một năm hoạt động, ngày 31/10/2009, Indochina Airlines đã gần như không còn bất cứ hoạt động nào liên quan đến vận chuyển hàng không. Thương quyền vận chuyển, giấy phép bay đã bị rút, các hoạt động bán vé, tiếp thị, giao dịch thương mại… cũng không còn hiệu lực.

Indochina Airlines đang nợ các đối tác khoảng 60 tỷ đồng. Trong đó, tiền nợ xăng dầu là 25 tỷ đồng, bao gồm cả nợ gốc lẫn lãi quá hạn. Ngoài ra, có ít nhất 35 đại lý bán vé máy bay ở Hà Nội cũng có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng phản ánh chuyện Indochina Airlines còn nợ họ gần 800 triệu đồng tiền xuất vé.

Cùng thời điểm Indochina Airlines bị “khai tử” thì Trai Thien Air Cargo – hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam chuyên vận chuyển hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện nội địa và quốc tế, được thành lập ngày 11/6/2008 cũng chịu chung số phận. Được biết, từ ngày được cấp giấy phép đến nay, hãng này chưa có động tĩnh gì về việc sẽ cất cánh.

 

Hàng loạt tên tuổi lớn bị cảnh báo

Cùng với nhiều tên tuổi bị phá sản thì hàng loạt thương hiệu lớn khác đã bị “chỉ mặt điểm tê” về nguy cơ “chết yểu” thời gian tới. Mới đây, dư luận thế giới xôn xao vì tin đồn thương hiệu lừng danh Kodak đang tính chuyện phá sản, sau gần 120 năm hoạt động. Lý do chính là từ năm 2007 tới nay, Kodak chưa kiếm được một đồng lợi nhuận nào. Tuy đại diện của hãng đã thẳng thừng bác bỏ tin đồn trên nhưng hầu hết dư luận lại cho rằng: “không có lửa thì làm sao có khói” và việc Kodak tuyên bố phá sản chỉ còn là vấn đề thời gian.

Sony Ericsson, Nokia, chuỗi cửa hàng A&W… là những cái tên “cộm cán” tiếp theo bị dự đoán sẽ nhanh chóng biến mất. Dù đúng hay không thì điều này cũng chứng tỏ thương trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt và bất cứ tên tuổi nào, dù lẫy lừng đến đâu, dù có lịch sử bền vững đến như thế nào thì cũng có thể phải đối diện với nguy cơ “tuyệt chủng” bất cứ lúc nào.

Theo DDDN

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

12 + five =

To Top