Connect with us

Nhức mắt với quảng cáo trong phim Việt

Quảng bá thương hiệu

Nhức mắt với quảng cáo trong phim Việt

Người xem thấy nhan nhản các thương hiệu xuất hiện trong phim Mỹ nhưng vẫn không thấy nhức mắt vì họ lồng quảng cáo rất khéo. Trong khi đó dấu ấn của các nhà tài trợ trong phim Việt thì quá dày đặc và được "cài cắm" rất thô thiển.

Bực mình với kiểu quảng cáo của phim nội

Chuyện thời sự nhất liên quan đến quảng cáo là bộ phim Saigon Yo! vừa ra mắt báo giới và công chúng tại Hà Nội. Ngay những cảnh đầu tiên, khán giả đã được hai nhân vật chính dẫn vào một cửa hàng bán đồ thể thao của thương hiệu Adidas. Người ta được xem cận cảnh đôi giày, được biết giá của nó là 2 triệu đồng theo lời của cô bán hàng rồi lại được ngắm đôi giày ấy lần nữa khi tới cảnh cô gái mở hộp quà tặng của bạn trai. Tuy nhiên, nếu so với những màn quảng cáo sản phẩm khác trong  Saigon Yo! thì sự xuất hiện của Adidas còn tinh tế chán.

Thương hiệu Adidas thấp thoáng trong một cảnh phim Saigon Yo!


Người xem dù có dễ dãi đến mấy cũng phát cáu khi bộ phim dành quá nhiều thời lượng cho cảnh hai nữ diễn viên chính của phim quảng cáo cho tivi Samsung 3D trong không chỉ một mà là hai phân đoạn dài. Không chỉ cho hình ảnh những chiếc tivi này xuất hiện trên phim, nhà sản xuất còn cho các nhân vật của mình rao quảng cáo ầm ĩ với những câu đại loại như: tivi Samsung 3D mới nhất đây! Chưa hết, trong một cảnh quay khác, nguyên một spot quảng cáo cho cafe lon Highland (nhà tài trợ khác cho Saigon Yo!) được ống kính máy quay ghi lại qua một màn hình… Samsung được đặt ngoài đường khiến người xem không hiểu đây là phim hay là quảng cáo.

Khẩu hiệu “tivi bán chạy nhất thế giới” hồn nhiên được đưa vào phim.

Vẫn biết kịch bản phim phải hấp dẫn, đạo diễn phải có tiếng và nhà sản xuất phải giỏi mới hút được các nhà tài trợ cho phim nhưng với kiểu “cài cắm” sản phẩm lộ liễu như Saigon Yo! thì khán giả khó mà vui được. Chuyện này cũng tương tự như việc cài quảng cáo điện thoại di động Samsung và xe hơi Vitara hết sức tức mắt trong bộ phim Lọ lem hè phố cách đây 6 năm. Thậm chí hai nhân vật chính trong phim còn nhại lại một spot quảng cáo dòng điện thoại này trong một cảnh quay khiến người xem cười ồ. Kín đáo hơn, trong Chuyện tình xa xứ, đạo diễn Victor Vũ đã cho nhà tài trợ Ponds xuất hiện trong một cảnh quay khá tự nhiên và có thể chấp nhận được.


Với phim nhựa là vậy, phim truyền hình còn dễ dãi hơn trong việc quảng cáo cho các thương hiệu, đặc biệt là các hãng thời trang. Có một dạo, thương hiệu thời trang NEM xuất hiện trong rất nhiều bộ phim truyền hình mà gần đây nhất là Blog nàng dâu. Người xem thi thoảng lại được các diễn viên dắt vào cửa hàng thời trang NEM để chọn mua váy áo.


Nếu chỉ là giấc mơ, một bộ phim truyền hình khác mới được phát sóng trong chương trình Rubic 8 cách đây không lâu thì chỉ cho các nhân vật cả nam lẫn nữ tới mua đồ tại cửa hàng Chic land. Thậm chí một show trình diễn thời trang mini để quảng bá cho thương hiệu này với logo to đùng trên sân khấu cũng được cài vào một cảnh quay. Ở một cảnh quay khác, khán giả lại được nhắc nhớ về sự xuất hiện của hãng thời trang này qua màn tặng quà của ông bố cho con gái và cô cháu gái hay tiết mục chọn mua đồ của bà mẹ và cậu con trai trong cửa hàng của hãng này. 


Còn hiệu tại, trong bộ phim Làm bố thật tuyệt đang được phát sóng vào chiều thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, một thương hiệu thời trang công sở khác cũng được xuất hiện trong phim. Trong phim, nữ diễn viên chính trở thành nhân viên của cửa hàng thời trang Seven a.m và trong một cảnh quay cô đứng ở chỗ làm gọi điện về cho chồng, nhất định logo của thương hiệu này phải lọt vào khuôn hình. Chuyện quảng cáo trong phim là không tránh khỏi và chuyện các thương hiệu bắt tay với nhà sản xuất là một phần trong ngành công nghiệp phim ảnh. Vấn đề cần nói đến ở đây là cho các sản phẩm xuất hiện trong phim thế nào cho khéo, để khán giả không cảm thấy nhức mắt là được.


Ngả mũ với các kiểu làm hàng trong phim Hollywood 


Phim Mỹ, đặc biệt là các bộ phim thương mại luôn biết cách chế ra nhiều tình huống mới để PR cho các nhãn hiệu.

Người hâm mộ chắc chắn không quên bộ phim “Casino Royale” (Sòng bài hoàng gia) đình đám nằm trong series phim về điệp viên 007 ra mắt cách đây 5 năm. Trong các bộ phim về James Bond, đồng hồ Omega luôn xuất hiện như một thương hiệu của điệp viên 007 và trong Sòng bài hoàng gia cũng vậy. Ngay đầu phim, khi Vesper Lynd gặp James Bond trên chuyến tàu tốc hành, cô vặn cổ tay và hỏi anh: “Đồng hồ đẹp đấy. Rolex hả?”. Bond trả lời: “Không. Omega!”. Một cách PR quá hoàn hảo mà vẫn hấp dẫn.


Laptop VAIO của Sony được “cài cắm” trong một cảnh quay Casino Royale

Trong Sòng bài hoàng gia, người xem tiếp tục được thấy sự xuất hiện của dòng xe Aston Martin từng xuất hiện trong những tập phim về 007 trước đó cùng khoảng 20 thương hiệu quan trọng khác như bia Heineken, xe Ford, máy tính xách tay VAIO FG của Sony, rượu Vodka,  máy ảnh số Cybershot T-50… Đặc biệt, Sony Ericsson K800i, một trong những mẫu điện thoại di động ấn tượng nhất của năm 2006 được nữ diễn viên Eva Green sử dụng trong phim. Tuy nhiên, tất cả những sản phẩm này đều được lồng vào các cảnh quay hết sức khéo léo.

Đồng hồ Omega và điện thoại Sony Ericsson xuất hiện cùng Bond trong phim mà không hề chướng mắt.

Một loạt phim đình đám khác cũng nổi tiếng với các hợp đồng quảng cáo béo bở là Sex and the City (tên phim phát hành tại VN: Chuyện ấy là chuyện nhỏ). Khán giả dễ dàng bắt gặp sự xuất hiện của chiếc xe Mercedes GLK do Kim Cattrall cầm lái hay thương hiệu máy tính HP được xuất hiện trên bàn làm việc của Kim Cattrall trong phần 2. Rượu Moet Chandon, trà Lipton và bánh snack Pringles… cũng được cài cắm vào nhiều cảnh quay nhưng vẫn hết sức hợp lý.

Máy tính HP được “cài” khéo léo trên bàn làm việc của Kim Cattrall trong “Sex and the City 2”.

Những người mê xe thì đặc biệt thích thú với loạt phim Fast & Furious với cuộc trình diễn những xế hộp cực đỉnh. Fast & Furious sẽ ra mắt phần 5 vào tháng tới và đang được các fan hết sức chờ đợi. Trong 4 phần trước, thông qua những tay đua đường phố với những màn đua xe thót tim, những mẫu xe hơi mới nhất hay các thương hiệu xế hộp vang bóng một thời lần lượt xuất hiện trên phim. Với Fast & Furious (2009), các fan được mãn nhãn với sự xuất hiện của Charger 70, Chevrolet SS Chevelle 1970, Buick GNX Grand National 1987, Nissan Skyline GTR 1998, Subaru WRX Sti 2009, BMW M5… trên những cung đường rực lửa.

Chiếc Chevrolet Bumblebee Camaro màu vàng thời trang xuất hiện trong phần 2 của loạt phim bom tấn Transformers Hè 2009.

Tương tự với sự xuất hiện của chiếc Chevrolet màu vàng thời trang trong phần 2 của loạt phim bom tấn ra mắt Hè 2009, Transformers. Trong phần 1 ra mắt cách đó 2 năm, đạo diễn Michael Bay khéo léo cho chiếc Chevy Camaro 2009 của GM xuất hiện trong nhiều cảnh quay. Michael Bay đã rất tinh tế khi dàn xếp cho chiếc Camaro 1976 và Chevy Camaro 2009 đuổi bắt trong đường hầm, như ngầm cho người xem biết rằng đây là dòng xe retro của “ông hoàng” Camaro 1969 nổi tiếng năm xưa. Người xem thừa hiểu đó là một cảnh quảng cáo vẫn không khó chịu vì cách xử lý tình huống khéo léo, hợp lý mà không quá bị phô.

Liệu các nhà làm phim VN có học hỏi được gì từ việc quảng cáo trong các bộ phim Hollywood không?

Theo Hạnh Phương – Vietnamnet

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × two =

To Top