Connect with us

Người tiêu dùng Việt Nam trở nên khó tính hơn

Tin trong nước

Người tiêu dùng Việt Nam trở nên khó tính hơn

Chính việc DN tăng giá tùy tiện không tương xứng với chất lượng hàng hóa, không thực hiện nghiêm túc kê khai giá, niêm yết giá một cách minh bạch đã gây mất lòng tin người tiêu dùng.

Năm 2011, kinh tế thế giới suy giảm, tác động mạnh đến kinh tế và thị trường bán lẻ Việt Nam. Chỉ số lạm phát cao ngay từ đầu năm, cùng với những dấu hiệu như lãi suất ngân hàng tăng mạnh, tỷ giá VNĐ/USD và giá vàng biến động, doanh nghiệp khát vốn, sản xuất trì trệ, lao động không việc làm gia tăng… đã ảnh hưởng đến lòng tin người tiêu dùng.

Sức mua nội địa giảm

 “Những khó khăn trên đã tác động không nhỏ đến các nhà bán lẻ Việt Nam và họ đã phải xoay xở để đối phó với những thử thách ngay từ những tháng đầu năm,” ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ra nhận định khái quát tình hình thị trường bán lẻ nội địa, tại Hội thảo “Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012” do Vietnam CEO Corp phối hợp cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Tạp chí Doanh nhân tổ chức, ngày 17/12.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV Siêu thị Big C, hệ luỵ của lạm phát của Việt Nam quá cao, bào mòn sức mua của người dân, thêm vào đó xu hướng tiết kiệm cũng tác động đến tiêu dùng. Cụ thể, mức tăng trưởng tiêu dùng sau khi trừ đi yếu tố tăng giá, năm 2010 là 14%, nhưng năm 2011 chỉ là 4%. Do đó, khả năng tăng trưởng tiêu dùng 2012 là rất khó khăn.

Tuy nhiên, căn cứ vào những con số cụ thể, ông Ruệ cho hay dung lượng thị trường vẫn đạt quy mô khá. Kết thúc năm 2011 có thể đạt mức 85-86 tỷ USD, đóng góp 15-16% GDP, bằng 80-85% tổng sản phẩm quốc nội.

Người bán hàng “thiếu văn minh”

Theo ông Ruệ, thực trạng tồn tại trong hoạt động bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất lớn. Trên thị trường chất lượng hàng hoá, giá cả khó kiểm soát, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Việc doanh nghiệp tăng giá tùy tiện không tương xứng với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, không thực hiện nghiêm túc kê khai giá, niêm yết giá một cách công khai minh bạch đã gây mất lòng tin người tiêu dùng, làm ảnh hưởng, tổn hại đến cả hệ thống.

Thêm vào đó, tình trạng gian lận, sản xuất hàng giả, hàng nhái vẫn gia tăng mạnh. Theo Hiệp hội phòng chống hàng giả thì năm 2011 các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 500 nghìn vụ dân xuất, lưu thông hàng giả, có nhiều sản phẩm hàng giả chiếm đến 60-70%, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lạm dụng hình thức quảng bá, quảng cáo để tìm kiếm lợi nhuận cao chưa được xử lý, buôn lậu, buôn bán hàng cấm thường xuyên xảy ra ở khu vực biên giới ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước, làm rối loạn thị trường nội địa

 

Mất “thượng đế” ngay trên sân nhà

Sau khi có những bước tiến mới so với những năm trước đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở nên khó phát triển và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Trong cả nước có khoảng 600 siêu thị, trung tâm thương mại với hình thức bán lẻ hiện đại và khoảng 9.000 chợ truyền thống. Kể từ 1/1/2009 đến nay, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài cũng đã tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam khá rõ nét.

Theo xếp hạng thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) cùa AT Kearny, năm 2008, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất hành tinh đối với các nhà phân phối nước ngoài. Thứ hạng này gần đây bị đánh tụt, năm 2009 xếp thứ 6 và 2010 xếp thứ 14.

Giải thích về sự giảm sút này, tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố quản lý và những rào cản mà các phân phối nước ngoài gặp phải khi thâm nhập thị trường Việt Nam chứ không phải do yếu tố cung cầu thị trường.

Đồng thời ông Thắng dự báo, giai đoạn 2011 – 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ở mức 23% – 25%/năm. Dưới con mắt của thế giới, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong 5 thị trường có khả năng sinh lời cao nhất.

“Điều đó chứng tỏ, nếu doanh nghiệp nào đứng vững được trên thị trường nội địa Việt Nam, có được khách hàng Việt Nam thì doanh nghiệp đó sẽ phát triển, kinh doanh có hiệu quả. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là đích nhắm tới của hệ thống phân phối nước ngoài một khi các rào cản được dỡ bỏ,” ông Thắng nhận định.

Theo Vietnam+

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

thirteen − three =

To Top