Connect with us

Nghịch lý: Xuất khẩu tăng, phá sản mạnh

Tin trong nước

Nghịch lý: Xuất khẩu tăng, phá sản mạnh

Dù xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2010 nhưng đi kèm là số doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản cũng tăng cao. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, các DN sản xuất, kinh doanh trong nước sẽ tiếp tục khó khăn và lượng công ty phá sản sẽ không dừng lại ở đó.

Yếu đi trông thấy

Trong 9 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu cả nước đã đạt 88% kế hoạch năm với tổng kim ngạch ước đạt 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2010.

Và đã có 20 mặt hàng gia nhập Câu lạc bộ Xuất khẩu 1 tỷ USD (hạt điều, cà phê, cao su, gạo, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, dầu thô, sắt thép, kim loại quý…, tăng 5 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. R

iêng với mặt hàng gỗ, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tiến triển như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, kim ngạch cả năm của gỗ Việt Nam có thể đạt tới mức 4 tỷ USD, vượt xa thành tích năm 2010.

Tuy kim ngạch xuất khẩu cao nhưng nhiều ngành hàng đang rất khó khăn vì những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu cộng với những chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát đã gây khó cho các DN, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa trong việc vay vốn.

Chẳng hạn, trong ngành thủy sản, các DN rất khó khăn vì thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu chế biến, thị trường bị thu hẹp, các vụ kiện chống bán phá giá…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm nay đã có 48.700 DN ngừng hoạt động, tăng 21,8% so với năm 2010. Đó là chưa kể, những DN trong tình trạng phải phá sản, giải thể nhưng chưa làm thủ tục.

Theo ước tính, đến cuối năm nay, số DN phá sản sẽ còn tiếp tục tăng và sẽ tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với năm ngoái. Chính những khó khăn khăn trên đã khiến DN giảm niềm tin vào nền kinh tế.

Công bố của Hãng nghiên cứu Grant Thornton cho thấy, trong quý III/2011, chỉ còn 38% DN Việt Nam lạc quan vào nền kinh tế, trong khi quý trước, con số này là 54%. Không chỉ vậy, hiện có tới 72% DN đang phải gánh chịu các khoản vay quá cao và có tới 50% DN trong tình trạng thiếu vốn lưu động…

Sẽ còn nhiều doanh nghiệp “chết”

Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 11 đã có nhiều giải pháp tháo gỡ cho DN nhưng “sức khỏe” DN vẫn xấu đi và số phá sản, giải thể vẫn tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn của các DN là khó tiếp cận vốn.

Hiện nay, số lượng DN vừa và nhỏ chiếm tới 97% tổng số DN có đăng kí đang hoạt động trên cả nước. Những DN này có vốn ít, hầu hết dựa vào các nguồn vốn vay và huy động.

Chính vì vậy, khi Nhà nước ban hành các quy định thắt chặt tín dụng để kiểm soát tình hình lạm phát và đảm bảo sự ổn định thị trường thì nguồn vốn của các DN này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Ralf Matthaes, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam, cho rằng, “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới. Nhưng khi kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn thì rất ít người Việt Nam, kể cả các chủ DN nhìn ra vấn đề.

Dù xuất khẩu những tháng đầu năm khá tốt nhưng nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu 3 tháng cuối năm vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi hiện nay, một số ngành hàng chủ lực đang có dấu hiệu sa sút về đơn hàng. Trong đó, các DN ngành may mặc, giày dép, thủy sản… đang bị thiếu đơn hàng do khủng hoảng nợ công tại nhiều nước EU lan rộng.

Trong cuộc họp giao ban của Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM ngày 11/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, do diễn biến thị trường thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hơn nữa, nội lực xuất khẩu của các DN còn nhiều khó khăn. Cùng quan điểm này, ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho rằng, trong 3 tháng cuối năm, tình hình kinh doanh của các DN sẽ còn khó khăn khi hai thị trường xuất khẩu chủ yếu của sản phẩm gỗ và thủ công mỹ nghệ VN là Mỹ và châu Âu chưa phục hồi về kinh tế.

Bên cạnh đó, các yếu tố như tỷ giá biến động, giá nguyên liệu tăng (hiện nhiều loại nguyên liệu đã tăng hơn 30%)… càng tạo nhiều áp lực cho DN trong các hoạt động sản xuất.

“Cứ cái đà này thì không đến cuối năm, số DN phá sản sẽ chiếm 50% số DN đang hoạt động hiện nay”, một DN trong lĩnh vực sản xuất thép nhận định.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × 1 =

To Top