Connect with us

Nghịch lý ngành gỗ

Tin trong nước

Nghịch lý ngành gỗ

Hiện các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam đang phải “cắn răng” nhập gỗ với giá “cắt cổ”, thì doanh nghiệp trồng rừng lại phải bán gỗ nguyên liệu với giá rẻ mạt.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản VN (Viforest), hiện DN chế biến gỗ xuất khẩu của VN đang phải nhập nhẩu từ 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài.

Thiếu kết nối

Ông Phạm Mạnh Hiển – Tổng giám đốc TCty lâm nghiệp VN cho biết, nhiều loại gỗ nguyên liệu của các DN trong nước hiện được bán với giá rẻ bằng một nửa so với gỗ nhập khẩu. Ví dụ, gỗ keo nguyên liệu trong nước có giá từ 0,8- 1,1 triệu đồng/m3. Trong khi đó, gỗ nhập khẩu cho cùng một loại lại chỉ có giá khoảng 3 triệu đồng/ m3.

Giải thích cho nghịch lý này, ông Vũ Long- Thành viên của Hiệp hội gỗ và lâm sản VN cho biết : VN phải chịu giá bán rẻ và mua đắt như hiện nay là do chưa có sự kết nối giữa DN chế biến xuất khẩu và người trồng rừng. Hầu hết các cơ sở trồng rừng và chế biến xuất khẩu gỗ hoạt động độc lập, không có liên kết thông tin với nhau.

Tuy nhiên, cũng không thể đổ hết lỗi cho DN chế biến gỗ xuất khẩu là “bỏ ngỏ” thị trường nội địa. Bởi, theo ông Nguyễn Trí Ngọc – Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ NN & PTNT, trên thực tế VN chưa có công nghệ đạt chuẩn trong kỹ thuật xẻ gỗ, khiến chất lượng gỗ bị ảnh hưởng.

Các DN chế biến, xuất khẩu đồ gỗ chê gỗ nội còn bởi lý do, gỗ nội không có chứng chỉ quản lý rừng do Hội đồng quản trị rừng quốc tế cấp. Mặt khác, nếu gỗ nước ngoài được trồng trong  thời gian 18 năm thì gỗ VN thường chỉ được trồng 6-7 năm. Vì vậy, khi chế biến rất dễ xảy ra tình trạng gỗ bị co ngót, sản phẩm không đẹp. Bên cạnh đó, chi phí thuê nhân công, giá nguyên vật liệu trong nước liên tục tăng, lãi suất vốn vay ngân hàng cao cùng nhiều tác động khác làm lợi nhuận xuất khẩu các sản phẩm gỗ trong nước đạt tối đa khoảng 5% so với giá trị xuất khẩu.

Tận dụng nguồn nguyên liệu nội địa

Trước thực tế đó, theo nhiều chuyên gia, việc tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước sản xuất để chủ động về nguyên liệu và có giá thành hợp lý hơn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để giải được bài toán này, cũng không phải dễ dàng.

Ông Nguyễn Chiến Thắng – Chủ tịch HAWA cho rằng, hạn chế lớn nhất của thị trường nội địa là ít hợp đồng lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là các DN chế biến, xuất khẩu của VN nên chú trọng hơn đến thị trường nội địa vì nhu cầu thị trường trong nước đang tăng nhanh cùng tốc độ đô thị hóa, không đòi hỏi chất lượng quá cao, không đòi hỏi FSC, không có rào cản thương mại như khi xuất khẩu.

Còn bà Ngô Thị Hồng Thu – Phó TGĐ Cty CP tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành lại cho rằng, tỉ giá USD tăng lại là một yếu tố vô cùng thuận lợi đối với các DN sản xuất trong nước. Bởi khi tỉ giá tăng lên, giá các sản phẩm nhập khẩu sẽ tăng, trong khi sản phẩm sản xuất trong nước gần như giá không thay đổi. Khi đó, người tiêu dùng sẽ lựa chọn những sản phẩm có giá tốt hơn để mua. Vì vậy, để đứng vững trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn ngay trên sân nhà, theo bà Thu, các DN chế biến gỗ của VN phải chủ động tìm cho được nguồn nguyên liệu gỗ; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như gỗ xoài, gỗ mít, gỗ điều… DN phải sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất như sấy, sơ chế, sơn… để tăng độ bền của gỗ với giá thành phù hợp. Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số chuyên gia thì Hiệp hội gỗ và lâm sản VN cần thực hiện vai trò hỗ trợ cho các DN trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nghiên cứu chiến lược sản phẩm, chính sách phát triển, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và liên kết trong hợp tác SX.

Về phía các DN, cũng cần phải phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng chế biến sâu nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Công nghiệp chế biến gỗ VN cần cơ cấu lại, hình thành các DN quy mô lớn hơn để tận dụng khai thác tốt nhất nguồn nguyên liệu trong nước.

Theo DĐDN

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

sixteen + one =

To Top