Connect with us

Ngành sữa tiếp tục dẫn đầu hàng tiêu dùng

Tin trong nước

Ngành sữa tiếp tục dẫn đầu hàng tiêu dùng

Sữa tiếp tục là các sản phẩm tăng trưởng mạnh và dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), và cùng với đó cạnh tranh trong ngành này cũng hết sức gay gắt.

Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, sữa và các sản phẩm từ sữa giữ vị trí dẫn đầu trong FMCG khi tăng trưởng 12% ở thành thị và 20% ở nông thôn, trong đó sữa chua men sống tăng 15% ở thành thị về khối lượng khi thu hút thêm 41.000 hộ mua và sữa chua ăn tăng 15% ở nông thôn nhờ thu hút được 290.000 hộ mua mới.

Trong mấy năm qua giới chuyên gia đã nhận thấy thị trường sữa Việt Nam đang ở mức tăng trưởng rất nóng, với tốc độ bình quân khoảng 20%/năm.

Hiện tại, có khoảng 60 doanh nghiệp sữa tại Việt Nam cùng cạnh tranh với nhau, trong đó chủ yếu là sữa nước.

Sữa bột, theo ông Trần Bảo Minh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP), đang cạnh tranh hết sức khốc liệt, với biên độ lợi nhuận của các nhà sản xuất lên tới 40-50%.

Cũng trong phân khúc sữa bột này, mức chênh lệch giá giữa các nhà sản xuất trong nước như Vinamilk và Nutifood với các hãng sữa ngoại là khá lớn, lên đến khoảng 50%, nghĩa là giá sữa nội đang rẻ hơn sữa ngoại một nửa.

Trong khi đó, theo ông Minh, chất lượng của các loại sữa này không khác gì nhau khi được nhập nguyên liệu từ một nguồn, có chung công thức và các vi chất, được sản xuất trên các dây chuyền hiện đại như nhay, và thậm chí bao bì và hộp sữa cũng không có gì khác biệt.

Sở dĩ như vậy, theo ông Minh, là do tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt Nam cũng như việc các hãng sữa ngoại làm công tác quảng cáo tiếp thị rất tốt.

Số doanh nghiệp sản xuất sữa bột của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Vinamilk hay Nutifood.

Theo Kantar Worldpanel, hiện nay, sữa và các sản phẩm từ sữa chiếm vị trí quan trọng nhất trong ngân sách dành cho FMCG ở thành thị, và gần đây đã phát triển đột phá ở khu vực nông thôn so với các ngành hàng FMCG khác.

Công ty này dự đoán trong 3 năm tới, ngành hàng sữa sẽ có vai trò ngày càng quan trọng hơn đối với người tiêu dùng Việt Nam, khi người tiêu dùng ngày càng quan tấm nhiều đến sức khỏe, cộng thêm việc ngày càng nhiều gia đình sở hữu tủ lạnh ở nhà.

“Với tiềm năng phát triển còn rộng mở ở nhiều ngành hàng sữa khác nhau, chuyển từ phục vụ thị trường đại chúng sang phục vụ theo từng phân khúc thị trường và bắt kịp sự thay đổi trong nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng sẽ là chìa khóa thành công trên thị trường sữa Việt Nam,” ông David Anjoubault, Tổng giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định.

Theo báo cáo về tình hình thị trường hàng tiêu dùng nhanh FMCG của Kantar Worldpanel, trong tổng ngân sách chi tiêu cho mặt hàng FMCG ở thành thị là 1,13 triệu đồng/tháng thì các sản phẩm sữa chiếm 372.000 đồng, chiếm khoảng 32%.

Trong khi đó ở khu vực nông thôn, trong ngân sách trung bình 515.000 đồng chi tiêu cho FMCG hàng tháng, sữa chỉ đứng thứ ba với 114.000 đồng, sau thực phẩm và nước uống.

Theo báo cáo này, tăng trưởng toàn thị trường FMCG đang chậm lại ở mức đáng báo động +7% ở thành thị và +9% ở nông thôn.

Hầu hết các kênh mua sắm chính ở thành thị đều có mức tăng trưởng khiêm tốn do tình hình suy giảm chung của thị trường.

Một điểm đáng chý ý trong báo cáo này của Kantar Worldpanel là cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là kênh mua sắm tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng ấn tượng +91% nhờ thu hút được nhiều hộ mới với tần suất mua sắm thường xuyên hơn. Trong khi đó, ở thành thị, siêu thị và đại siêu thị đều có mức tăng trưởng chậm.

Ở nông thôn, dù quy mô còn hạn hẹp, nhưng kênh mua sắm hiện đại vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng ở mức +17% so với cùng kỳ năm trước.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 + 4 =

To Top