Connect with us

Ngành sữa 2014: Một năm ngọt ngào

Tình huống thương hiệu

Ngành sữa 2014: Một năm ngọt ngào

Sữa vốn là sản phẩm thiết yếu nên mặc dù các ngành khác trong năm 2014 tình hình kinh doanh khá ảm đảm nhưng ngành sản xuất này vẫn giữ được mức tăng trưởng 2 con số.

Ngành tăng trưởng 2 con số

Sữa vốn là sản phẩm thiết yếu nên mặc dù các ngành khác trong năm 2014 tình hình kinh doanh khá ảm đạm nhưng ngành sản xuất này vẫn giữ được mức tăng trưởng 2 con số. Theo công ty chứng khoán VPBS, đây là một trong những ngành tiêu dùng tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam với mức 17% năm 2013. Theo Euromonitor International, giá trị giao dịch ngành sữa Việt Nam năm 2013 đạt 62,2 nghìn tỷ đồng và sẽ tăng trưởng 20% năm 2014 và 23% năm 2015.

Không chỉ vậy, trong vài năm tới ngành sữa được dự báo có tiềm năng lớn khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng 9%/năm, đạt mức 27-28 lít sữa/năm đến năm 2020 (Cục chăn nuôi Việt Nam), từ mức 18 lít/năm năm 2013.

Nguồn: Euromonitor International, VPBS

Hai mảng chính dẫn dắt sự tăng trưởng của ngành là 2 mặt hàng đóng vai trò quan trọng nhất gồm Sữa nước và sữa bột với tổng giá trị thị trường là 74%.

Sữa bột: Giá trị mặt hàng này chiếm 45% thị trường sữa Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,1% giai đoạn 2010-2013. Tuy nhiên doanh nghiệp nước ngoài như Abbott, Friesland Campina Vietnam và Mead Johnson chiếm phần lớn thị phần sữa bột do người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng trả giá cao cho thương hiệu ngoại. Doanh nghiệp nội như Vinamilk chiếm khoảng 25% thị phần.

Sữa nước: Mặt hàng sữa nước chiếm 29% giá trị toàn ngành với sự cạnh tranh chủ yếu của 2 doanh nghiệp lớn là Vinamilk và Friesland Campina Vietnam (FCV). Theo VPBS, hiện Vinamilk chiếm 49% thị phần sữa nước, tiếp theo là FCV chiếm 26%. Ngoài 2 doanh nghiệp kỳ cựu trên, cuộc đua ngành hàng sữa nước còn có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp khác như TH Milk, Nutifood, IDP, Hanoi Milk,…

Sữa chua: Đây là mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới khi tốc độ tăng đạt 34,3%, đạt 7,7 nghìn tỷ đồng năm 2013. Đồng thời về cơ cấu, sữa chua chiếm 20% so với sữa uống là 80%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới. Vinamilk là doanh nghiệp dẫn đầu về mặt hàng sữa chua, chiếm 73% thị phần, ngoài ra có sự tham gia cạnh tranh của Sữa Ba Vì, TH Milk và các thương hiệu sữa chua nước ngoài khác.

Sữa đặc: Với sự gia tăng của sữa nước và sữa bột, sữa đặc dần tới ngưỡng bão hòa với tốc độ tăng trưởng thấp chỉ đạt 2,5% năm 2010 và 3% năm 2013. Vinamilk (chiếm 80%) và FCV tiếp tục là hai doanh nghiệp chi phối ngành hàng này với những nhãn hiệu nổi tiếng như Sữa Ông Thọ, Ngôi sao Phương Nam, Cô gái Hà Lan và Completa.

Sữa đậu nành: Việt Nam là nước tiêu thụ sữa đậu nành nhiều nhất thế giới với mức 500 triệu lít năm 2012. Trong năm 2013, tiêu thụ tiếp tục tăng 17%, cao hơn cả sữa nước và sữa bột. Tuy nhiên có ít công ty gia nhập vào thị trường này, trong đó Đường Quảng Ngãi chiếm 81,5% thị phần với hai thương hiệu Fami, Vinasoy, phần còn lại thuộc về Vinamilk (thương hiệu Goldsoy) và Tân Hiệp Phát (thương hiệu Soya Number One).

Nguồn: Euromonitor International, VPBS

 

Cuộc đua nguồn cung nguyên liệu sữa tươi

Năm 2014 là năm sôi động trong cuộc đua cung nguyên liệu sữa tươi. Được đánh giá là ngành tiềm năng tuy nhiên theo thống kê của Cục chăn nuôi, hiện đàn bò sữa Việt Nam chỉ mới có thể cung ứng 420.000 tấn sữa nguyên liệu, tương đương khoảng 28% tổng nhu cầu năm 2013. Chính vì vậy, năm 2014 nhiều đại gia bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào ngành chăn nuôi bò sữa.

Xét về doanh nghiệp trong nước, 3 nguồn cung sữa lớn nhất hiện nay phải kể đến bao gồm:

TH True Milk: hiện sở hữu 45.000 con, sản lượng đạt 400 tấn sữa tươi/ngày.

Nutifood- Hoàng Anh Gia Lai: liên kết này được ký kết từ dự án 3 bên gồm Nutifood, Hoàng Anh Gia Lai và Vissan vào hồi tháng 6/2014. Trong đó Nutifood sẽ đầu tư nhà máy chế biến sữa tươi 100% tại Gia Lai với việc sử dụng nguyên liệu là sữa tươi của trang trại bò sữa HAGL.

Vinamilk- Đức Long Gia Lai: đầu tháng 9/2014, Vinamilk chính thức bắt tay với tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư vào trang trại bò sữa 80.000 con, 45.000 con bò thịt với tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng.

Về phía các doanh nghiệp ngoại như FCV cũng tiến hành khởi công vùng chăn nuôi bò sữa tại Hà Nam vào giữa tháng 7 hay Diary Milk mong muốn đầu tư 40 triệu USD xây dựng trang trại bò sữa tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc trong thời gian tới.

Nguồn: Euromonitor International, VPBS

Siết chặt quy định về giá bán và quảng cáo với doanh nghiệp sữa

Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, các công ty sữa đều tăng giá bán các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi trong đó mức tăng dao động từ 2,4-30,7%. Nguyên nhân giá sữa tăng do đa số các đơn vị chi quảng cáo, khuyến mại vượt quy định Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Do đó từ ngày 1/6/2014, Bộ tài chính ban hành Quyết định về áp dụng biện pháp bình ổn giá với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và quy định về giá trần của mặt hàng sữa trong khâu bán buôn, áp dụng đối với 25 mặt hàng sữa. Trong đó giá bán lẻ không được vượt quá 15% giá tối đa trong khâu bán buôn.

Ngoài việc áp mức giá trần, tháng 11/2014, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 100/2012/NĐ-CP theo đó nghiêm cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Nghị định ngày được áp dụng từ 1/3/2015 quy định chặt chẽ hơn về việc quảng cáo, trưng bày sản phẩm, khuyến mại với các sản phẩm sữa dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.

Doanh nghiệp ngoại đổ tiền vào ngành sữa Việt Nam

Trung tuần tháng 8/2014, tập đoàn F&N của Thái Lan liên tiếp chi ra gần 4.000 tỷ đồng để mua lại 15 triệu cổ phiếu Vinamilk từ Dragon Capital. Sau giao dịch, tập đoàn ngày sở hữu 110 triệu cổ phiếu Vinamilk, tương đương 11,04% cổ phần. Cũng trong năm 2014, Vinamilk được ghi nhận lọt vào Top 100 DN lớn nhất Asean.

Tin mới nhất mà chúng tôi nhận được là ngày 18/12/2014, sự kiện Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (Tập đoàn VinaCapital) và Daiwa PI Partners (Nhật Bản) chính thức công bố sẽ đầu tư khoảng 45 triệu USD để trở thành cổ đông lớn nhất, nắm 70% vốn CTCP Sữa Quốc Tế (IDP).

Theo CEO Trần Bảo Minh, với số vốn đầu tư mới này, kế hoạch của IDP trong 5 năm tới là mở rộng  nhà máy sản xuất, đầu tư thêm máy móc ở Củ Chi, Ba Vì. Hiện vốn điều lệ của IDP là 250 tỷ đồng, sau khi có sự tham gia đầu tư của hai nhà đầu tư thì vốn điều lệ sẽ tăng lên 460 tỷ đồng.

Theo Tri Thức Trẻ

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

11 + 4 =

To Top