Tin trong nước
Ngành nhựa trong cơn bĩ cực
“Hơn 400 công ty nhựa, tương đương 20% tổng số doanh nghiệp toàn ngành, đã âm thầm đóng cửa trong thời gian qua”, ông Hồ Đức Lam cho biết.Đặc điểm của các doanh nghiệp nhựa trong nước là tuy tình hình khó khăn, nhưng vẫn phải ghìm giá bán để cạnh tranh.
Đầu tư ngành nhựa đang đối mặt với nhiều thử thách lớn như đình đốn sản xuất và nguy cơ đóng cửa hàng loạt do tác động kép từ lãi suất cho vay và nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, xem ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành này vẫn chưa thể phát huy tác dụng.
Lao đao vì lãi suất và nguyên liệu nhập khẩu
Bà Nguyễn Thị Kim Hằng, Phó Giám đốc Công ty Nhựa Đạt Hòa ở quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết giá hạt nhựa từ đầu tháng 8.2011 đã tăng khoảng 10% so với đầu tháng 7.2011. Với công suất sản xuất khoảng 1.600 tấn sản phẩm nhựa các loại mỗi tháng, Nhựa Đạt Hòa phải nhập khẩu nguyên liệu trực tiếp từ Thái Lan khoảng 200 tấn hạt nhựa và thêm 800 tấn từ trong nước. “Chúng tôi đang phải gồng mình chịu lỗ, nhưng cũng đành không dám tăng giá vì sợ mất khách hàng. Hiện chúng tôi đang phải chịu lỗ khoảng 15% trên giá bán ra và khó có thể cầm cự mãi được”, bà Hằng nói.
Ngày 5.8.2011, Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa (mã chứng khoán: VKP) đã có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về khoản lỗ gần 13 tỉ đồng trong quý II/2011 và đó là quý thứ 9 doanh nghiệp này bị lỗ. Nhựa Tân Hóa được xem là doanh nghiệp nhựa điển hình về khó khăn như thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất, thiếu hụt vốn lưu động, gánh nặng từ các khoản vay nợ ngân hàng. Vì vậy, tại Đại hội cổ đông thường niên 2011 diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, không ít cổ đông cho rằng, Công ty chỉ còn 2 con đường: một là phát mại tài sản, 2 là tuyên bố phá sản.
“Đặc điểm của các doanh nghiệp nhựa trong nước là tuy tình hình khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn phải ghìm giá bán để cạnh tranh. Vì vậy, doanh nghiệp nào đủ sức cầm cự vượt qua được thì tồn tại, ai yếu thì phải chấp nhận phá sản”, ông Nguyễn Văn Đức Bảy, Phó Giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn ở quận 8, TP.HCM nói.
Các sản phẩm chính của Nhựa Chợ Lớn là đồ chơi trẻ em và hàng nhựa gia dụng. Ông Bảy cho biết, trước mắt, Công ty tạm thời tăng sản xuất lượng hàng cao cấp có giá cao để bù lỗ. Ngoài ra, Công ty cũng chủ trương cắt giảm 20% chi phí sản xuất để dành tiền nhập khẩu nguyên liệu.
Thông tin từ hội thảo do Hiệp hội Nhựa tổ chức tuần qua cho biết trên 50% doanh nghiệp nhựa cả nước có quy mô vừa và nhỏ với vốn kinh doanh khoảng 500 triệu đồng. Đa phần thiếu vốn và công nghệ hiện đại để mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì vậy, vốn vay ngân hàng là một trong những giải pháp cần thiết để các doanh nghiệp trong ngành có thể duy trì hoạt động của mình. Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ khiến các doanh nghiệp càng khó vay vốn ngân hàng. Với mức lãi suất vay khoảng 24%/năm, hơn một nửa số doanh nghiệp trong ngành đang lâm vào tình cảnh lao đao.
Giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu cũng tăng theo đà tăng của giá dầu thô thế giới thời gian qua. Giá nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu là hạt nhựa các loại hiện đã tăng hơn 40% so với đầu năm nay. Theo Hiệp hội Nhựa, năm 2010, có đến 80-85% nguyên liệu cho sản phẩm nhựa Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong khi đó, khó khăn chung của nền kinh tế đang làm cho thị trường tiêu thụ nội địa bị thu hẹp dần. Tình trạng này khiến các doanh nghiệp nhựa phải chủ động sản xuất cầm chừng hoặc chấp nhận thua lỗ.
Giải pháp cho ngành nhựa
Trước tình hình đó, Hiệp hội Nhựa kêu gọi các doanh nghiệp nhựa gắn kết để hạn chế tình trạng mạnh ai nấy làm khá phổ biến trong thời gian qua.
Hiệp hội Nhựa cho rằng, nếu đầu tư được các nhà máy sản xuất nguyên liệu hạt nhựa trong nước để chủ động nguồn nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu thì sẽ giảm bớt khó khăn đầu vào. Tuy nhiên, thực hiện được điều này không dễ. Doanh nghiệp nhựa Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, không đủ vốn đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với các tập đoàn hóa chất, hóa dầu lớn trên thế giới để phát triển những dự án như vậy. “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tối đa mới mong thực hiện được”, ông Hồ Đức Lam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa, cho biết. Ngành nhựa là một trong 10 ngành được Nhà Nước ưu tiên phát triển do có tỉ lệ tăng trưởng tốt và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), gợi ý các doanh nghiệp ngành nhựa nên hướng tới những thị trường xuất khẩu khác như Lào, Campuchia và Myanmar để tiêu thụ hàng. “Đây là những thị trường đang có nhu cầu lớn về các sản phẩm nhựa phổ thông, giá trị thấp mà Việt Nam có thế mạnh nhằm bù đắp những hợp đồng đã mất tại thị trường Mỹ, châu Âu”, ông Doanh nói.
“6 tháng cuối năm sẽ còn khó khăn vì các giải pháp tháo gỡ phải cần thời gian để biết có hiệu quả hay không. Vì vậy, ngành nhựa vẫn còn trong cơn bĩ cực và việc có thêm các doanh nghiệp phải đóng cửa là khó tránh khỏi”, ông Lam cho biết.
Theo NCĐT