Connect with us

Ngân hàng “o bế” người vay tiền

Tin trong nước

Ngân hàng “o bế” người vay tiền

Trong bối cảnh lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng phần nào đã bị chậm lại. Do vậy, một số ngân hàng bắt đầu tung ra các chương trình mà chủ yếu là giảm chi phí vay tiển đồng để thu hút các doanh nghiệp.

Bắt đầu từ tháng 7-2011, Ngân hàng Phát triển nhà TPHCM (HDBank) đã triển khai chương trình “Cho vay ưu đãi doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ” dành cho khách hàng phục vụ ngành sản xuất lắp ráp ô tô, lắp ráp xe máy, thiết bị điện tử tin học, thiết bị gia dụng, cơ khí – chế tạo máy, dệt may, da giày.

Các phương án sản xuất kinh doanh đủ điều kiện, tùy thuộc tính hiệu quả của dự án xin vay, sẽ được HDBank cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn từ 1% – 4%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường mà ngân hàng công bố trong từng thời kỳ, ngân hàng này cho biết.

Chủ đầu tư các dự án công nghiệp phụ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định khi vay vốn tại HDBank. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ được hưởng các dịch vụ gia tăng như tư vấn sử dụng các sản phẩm dịch vụ của HDBank, lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh hay dự án đầu tư, tư vấn xúc tiến thương mại, hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn, sử dụng dịch vụ thu hộ, chi hộ…

Mới đây, chị Thủy, chủ một cơ sở sản xuất nhỏ ở quận Tân Bình cho biết Ngân hàng ACB vừa thông báo sẽ giảm lãi suất 1,2%/năm cho chị, như vậy lãi suất chị vay sẽ giảm từ 22,6% xuống còn 21,4%. “Không giảm nhiều nhưng giảm được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu”, chị Thủy nói.

Việc giảm lãi suất này nằm trong chương trình tín dụng đặc biệt “Tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất” của Ngân hàng ACB dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Chương trình áp dụng cho các khoản vay được giải ngân từ ngày 1-8-2011 đến hết ngày 31-12-2011 và không giới hạn số lần giải ngân. ACB giảm lãi suất 1,2%/năm cho các khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ 500 triệu đồng trở lên (đối với khu vực TPHCM và Hà Nội) hoặc từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh, thành phố khác.

Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa mới đây cho biết nhiều ngân hàng thương mại lớn đang trong tình trạng thừa tiền vì không dám cho vay do rủi ro cao (doanh nghiệp có rủi ro cao thường chấp nhận vay lãi cao), sợ trần tín dụng 20%, và quan trọng nhất là tổng cầu tín dụng đang giảm mạnh.

Hiện tại đã có những tiền đề để lãi suất có thể giảm nhẹ như lãi suất liên ngân hàng bằng tiền đồng đã giảm từ 22% xuống còn 12% và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm từ 14% xuống 12% cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đã ổn định hơn, và lãi suất tiền gửi bình quân đã giảm 1%. “Thông thường, lãi suất liên ngân hàng và trái phiếu chính phủ thấp và ổn định trong 3 tháng thì là dấu hiệu cho việc lãi suất sẽ giảm”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng lãi suất có thể giảm trong thời gian tới nhưng sẽ không thể giảm mạnh, mặc dù mức hiện tại là quá cao.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 20-6, tăng trưởng tín dụng cả nước là 7,13% so với cuối 2010, trong đó tín dụng bằng tiền đồng chỉ tăng 2,76%.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × four =

To Top