Tin trong nước
Năng suất lao động của lao động Việt Nam thấp hơn Thái Lan 30 lần
Lực lượng lao động chủ yếu vẫn là lao động giản đơn, khi có đến 65,3 % lao động không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào.Trong khi Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ông Đàm Hữu Đắc đã lên tiếng thừa nhận: Việt Nam hiện có nguồn lao động rất dồi dào nhưng chất lượng lại rất thấp so với các nước trong khu vực, thì phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn im lặng. Vì sao Việt Nam có đến hai bộ cùng tham gia công tác đào tạo nghề ở các cấp trình độ, nhưng chất lượng nhân lực lại ngày càng tụt xa!?
Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc cho biết thêm lực lượng lao động chủ yếu vẫn là lao động giản đơn, khi có đến 65,3 % lao động không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào.
Những con số đẹp
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong khoảng 10 năm trở lại đây, số người được đào tạo từ bậc trung cấp đến đại học tăng đáng kể. Chẳng hạn, năm 2000 cả nước có 893.754 sinh viên bậc đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) và 182.994 học sinh bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), thì đến năm 2010 hai con số nói trên tăng lên lần lượt là 1.935.739 và 685.163.
Trong khi đó, Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết trong 10 năm gần đây, hệ thống dạy nghề trong cả nước đã được phục hồi và có bước phát triển mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế và phát triển con người. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển nhanh, rộng khắp trên toàn quốc, tính đến tháng 11-2009 có 265 trường trung cấp nghề (TCN), 107 trường cao đẳng nghề (CĐN), 684 trung tâm dạy nghề (TTDN) và hơn 1.000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Quy mô dạy nghề tăng nhanh (năm 2001 dạy nghề cho 887.300 người, đến năm 2008 là 1,538 triệu người), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2008 lên 26%, năm 2009 là 28%.
Và dĩ nhiên, song hành cùng những con số trên là tiền đầu tư cho GD&ĐT của ngân sách nhà nước đã tăng rất mạnh. Nếu năm 2001, ngân sách Nhà nước chi cho GD&ĐT nói chung là 15.609 tỉ đồng thì đến năm 2010 đã là 104.775 tỉ.
Nhưng, vấn đề lớn đặt ra là số lượng lao động đã được đào tạo có chất lượng như thế nào?
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong một buổi làm việc với Tổng cục Dạy nghề đã nhấn mạnh: “Số lượng tăng phải kèm theo chất lượng tăng. Chúng ta được về số lượng, nhưng chưa được về chất lượng. Nếu chúng ta tiếp tục cung cấp số lượng lớn với chất lượng như hiện nay thì không đáp ứng được nhu cầu mới và thách thức là rất lớn”. Và ông chỉ đạo “cần có một cuộc cách mạng trong công tác dạy nghề”.
Đối diện với thực tại của nguồn nhân lực
Thực sự, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, ngay cả về số lượng lao động đã qua đào tạo nghề của cả nước cũng hoàn toàn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Cuộc điều tra về lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê năm 2009 công bố: số lao động đã qua đào tạo (gồm cả đào tạo nghề và đào tạo chuyên môn kỹ thuật) chiếm chưa đến một phần năm tổng số lực lượng lao động. Cụ thể, chỉ có 17,6% lao động từ 15 tuổi trở lên có qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Rõ ràng, có sự chênh lệch con số khá lớn về tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề giữa các cơ quan đào tạo và Tổng cục thống kê. Vậy, đâu là con số đúng?
Đánh giá về chất lượng lao động Việt Nam thông qua năng suất lao động, TS. Hồ Đức Hùng (Đại học Kinh tế TPHCM) so sánh: năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần, và Nhật Bản tới 135 lần! Ông cũng bày tỏ quan điểm: “Nếu coi lao động giá rẻ (chất lượng thấp) như một lợi thế thì sai lầm, bởi yếu tố quyết định đến doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp chính là năng suất lao động”.
Dựa trên chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2009-2010, Việt Nam xếp thứ 75/133 quốc gia về năng suất lao động, trong khi đó vị trí của Singapore là 3, Malaysia 24, Thái Lan 36…
Tiến sĩ Christian H.M. Ketels, cố vấn đặc biệt Học viện Chiến lược và Cạnh tranh Harvard, nói tại hội thảo bàn tròn chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới tăng trưởng tương lai” vừa qua: Ở Việt Nam, rất nhiều vốn đã đổ vào sản xuất công nghiệp, cộng với giá nhân công rẻ nhưng vì năng suất lao động thấp nên giá trị thặng dư không cao. Và hệ quả là, đa số nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tập trung ở những ngành có năng suất thấp”.
Trong khi đó, mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam đến năm 2020 yêu cầu: nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 30% trong lao động xã hội.
Đây cũng là thách thức to lớn đối với dạy nghề và đòi hỏi dạy nghề phải đi trước một bước để chuẩn bị nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn mới này.
Ngày 19-4 vừa qua, Chính phủ đã ký Quyết định 579/2011/QĐ-TTG phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020, trong đó phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 là 55%, tỷ lệ này vào năm 2020 là 70%.
Đứng trước yêu cầu phát triển của đất nước, cũng như chiến lược phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ 17,6% năm 2009 lên đến 55% vào năm 2015, quả thật là bài toán không đơn giản và đúng là “cần có một cuộc cách mạng trong công tác dạy nghề”.
Quả bóng nhân lực trong chân ai?
Hiện nay, tham gia vào công tác đào tạo nghề các cấp là Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH (Tổng cục Dạy nghề). Tổng cục Dạy nghề đã ba lần trở thành “quả bóng” đá qua, đưa về giữa hai bộ kể trên vì ở đâu công tác dạy nghề cũng không được quan tâm đúng mức. Và, nay đào tạo nghề được chia đôi trách nhiệm giữa hai bộ.
Bộ GD&ĐT lo đào tạo từ bậc đại học đến cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; Bộ LĐ-TB&XH lo đào tạo từ cao đẳng nghề – trung cấp nghề và dạy nghề sơ cấp. Có gì khác nhau giữa hai tên gọi: cao đẳng và cao đẳng nghề; trung học chuyên nghiệp và trung cấp nghề, khi tất cả học xong đều đi vào cuộc sống lao động!? Cơ chế phân chia lĩnh vực quản lý và đào tạo nghề hiện nay giữa hai bộ đã thật sự khoa học? Vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Khi tổ chức các cuộc điều tra thống kê, Tổng cục Thống kê đã phân trình độ chuyên môn kỹ thuật theo năm nhóm: (1) sơ cấp, (2) trung cấp (bao gồm cả trung cấp nghề), (3) cao đẳng (bao gồm cả cao đẳng nghề), (4) đại học và (5) trên đại học. Vậy mà, khi đào tạo nghề thì lại rắc rối từ tên gọi đến phương thức quản lý.
Hãy chú ý đến nhận định trong dự án “Lao động và tiếp cận việc làm” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNDP chủ trì: “Việt Nam đã bắt đầu tụt hậu so với khu vực về tiếp thu kỹ năng lao động.
Đây là một điều đáng ngạc nhiên đối với một đất nước rõ ràng là rất coi trọng việc học hành mặc dù đã có đầu tư và hỗ trợ ODA đáng kể cho các chương trình dạy nghề. Một phân tích gần đây cho thấy phần lớn các khoản tiền chi tiêu theo cách này không được sử dụng một cách hiệu quả. Phân tích này đã chỉ rõ việc Việt Nam cần phải xem xét lại các chương trình dạy nghề hiện tại”.
Một cơ chế rất quan trọng trong đào tạo nghề là phải gắn chặt với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Bởi, không trường nào có thể đủ sức đổi mới công nghệ sản xuất và vận hành theo kịp thời đại, ngoại trừ khu vực sản xuất. Song, cơ chế gắn kết trường học – doanh nghiệp này mới dừng lại ở mức độ phong trào, hô hào, thiếu hẳn một khung pháp lý và những chính sách khuyến khích.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, năm 2009, tỷ trọng lao động thất nghiệp chưa qua một trường lớp đào tạo (bao gồm nhóm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và nhóm công nhân kỹ thuật không có bằng) so với năm 2007 tăng từ 70% lên 74,8% trong khi tỷ trọng của các nhóm còn lại đều giảm. Ở nhóm lao động thất nghiệp đã qua đào tạo, thì phần lớn vẫn thuộc nhóm có trình độ tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp (10,7% năm 2007 và 7,7% năm 2009). Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng lao động trình độ thấp đang ngày một giảm. Đây là vấn đề mà các cơ quan đào tạo nghề phải đặc biệt chú ý trong việc phân chia cơ cấu đào tạo lao động.
Cuối cùng, người viết xin ghi lại khuyến cáo của TS. Christian H.M. Ketels: “Việt Nam sẽ bị mắc ở mức phát triển hiện nay nếu không có giải pháp thay đổi nguồn nhân lực”.
Tác giả: Tiến sĩ Hồ Đức Hùng – Đại Học Kinh Tế HCM
Theo TBKTSG