Tin trong nước
Năm du lịch quốc gia: Chỉ tập trung cho lễ… khai mạc
Mục đích năm du lịch quốc gia (DLQG) là tuyên truyền quảng bá cho điểm đến du lịch của địa phương đăng cai và là sự kiện trọng tâm để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trong năm đó.Tuy nhiên, tổng cục Du lịch nhìn nhận hoạt động của năm DLQG hầu hết tập trung nhiều cho… lễ khai mạc hoành tráng.
Việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để thực sự thu hút khách du lịch chưa đạt được như mong đợi.
Sai mục đích
Theo các doanh nghiệp, những người tính toán hiệu quả trên lượng du khách thực tế và doanh thu cụ thể, năm DLQG nhằm quảng bá thu hút khách du lịch nên phải tổ chức ở những địa phương thật sự có nền tảng hoạt động du lịch đủ tốt, điểm đến hoàn chỉnh. Nhưng việc chọn nơi tổ chức năm DLQG thời gian qua lại dựa trên những sự kiện chính trị, lịch sử liên quan đến địa phương trong năm đó hoặc với tinh thần nâng đỡ, tạo điều kiện cho địa phương còn khó khăn, nên không làm nên được sản phẩm du lịch. Còn lãnh đạo địa phương thì mang tư tưởng hoàn thành nhiệm vụ, có nơi còn tươi cười cho rằng thành công vì đã tổ chức được lễ khai mạc hoành tráng. Đã vậy còn lập thành tích thêm bằng những hội chợ thương mại, giải thể thao, văn nghệ quần chúng, hội thi người đẹp vùng miền… không dính dấp gì du lịch, du khách không có nhu cầu.
Năm DLQG ở Cần Thơ được báo cáo một trong những mặt tiến bộ là “nâng lên một bước trình độ nghệ thuật, kinh nghiệm biểu diễn, khả năng tiếp cận với các loại hình nghệ thuật hiện đại cho đội ngũ văn nghệ sĩ và diễn viên địa phương”. Bài học kinh nghiệm mà đại diện tỉnh Cần Thơ chia sẻ sau khi tổ chức năm DLQG cũng không thấy nói gì đến việc phát triển du lịch, mà chỉ toàn nêu nên lập ban chỉ đạo, ban tổ chức gồm những ai, vận động tài trợ như thế nào, kịch bản khai mạc phải ra sao.
Hết năm du lịch, mờ nhạt điểm đến
Thống kê từ tổng cục Du lịch chỉ mới chỉ ra được số lượng khách đến địa phương tổ chức năm DLQG tăng trong năm đăng cai, điều này dễ hiểu vì chỉ khách được mời trong vài chục sự kiện chính – phụ của năm DLQG quá đông, đủ để thống kê lượng khách tăng đột biến. Đối với những tỉnh chưa phát triển du lịch tốt, cơ sở lưu trú ít như Điện Biên, Nghệ An, Thái Nguyên, Phú Yên thì việc chật kín các cơ sở lưu trú là đương nhiên, không cần thêm khách du lịch. Vì thế, thống kê trên chưa thuyết phục khi không rõ khách du lịch thật sự tới địa phương trong năm đăng cai DLQG là bao nhiêu, những năm sau đó tốc độ tăng như thế nào cũng chưa được cập nhật để so sánh, đánh giá hiệu quả.
Tất cả các địa phương nhận tổ chức năm DLQG đều than họ phải chạy đua với thời gian khi chỉ có 4 – 5 tháng lo mọi thứ, hoàn thành nhiệm vụ mà không xảy ra sự cố là tốt rồi.
Về phía các doanh nghiệp, họ tiếc cho tiền của, công sức bỏ ra nhiều mà hiệu quả mang lại không có khi không kịp quảng bá với du khách. Nhiều doanh nghiệp cho rằng các sự kiện của năm DLQG do tổng cục Du lịch và các địa phương bàn bạc với nhau, không tham khảo các doanh nghiệp và nhiều hoạt động cũng không thông báo để công ty lữ hành tổ chức cho khách du lịch đến tìm hiểu, tham gia. Vì thế, năm DLQG đi qua không để lại dấu ấn và tiếng vang gì cho ngành du lịch.
Chưa kể cứ được giao tổ chức năm DLQG, địa phương nào cũng khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình tượng đài, văn hoá… tuy nhiên, đầu tư không đến nơi đến chốn hoặc không giữ gìn nên khách không muốn đến. Có thể kể: Thái Nguyên thi công quốc lộ, tỉnh lộ gấp gáp, không hoàn chỉnh, du khách chẳng vào được các điểm tham quan. Ở Phú Yên, thắng cảnh gành Đá Dĩa được quảng bá nhưng đến giờ đã hết năm DLQG do Phú Yên đăng cai, khách du lịch vẫn khó vào vì có đường mà không qua cầu được. Điện Biên, sau năm DLQG 2004, nhà bảo tàng, các di tích lịch sử, công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ không được chăm sóc, cảnh quan ngày một xơ xác, sự tiếp đón du khách hời hợt. Khách đến Cần Thơ, đứng trước bến Ninh Kiều đi chợ nổi mà ngỡ ngàng hỏi: “Đây là bến Ninh Kiều sao?”
Theo SGTT
