Tình huống thương hiệu
McDonald’s vào Việt Nam: Trâu chậm có uống nước đục?
KFC vào Việt Nam đã 15 năm, Lotteria được chào đón từ năm 2004. Hiện nay, thị trường fastfood (thức ăn nhanh) ở Việt Nam đã rất sôi động với những cái tên “khủng” như Al Fresco, Pizza Hut, Buger King... nhưng vào ngày 15/7, thương hiệu fastfood lớn nhất thế giới McDonald's mới công bố lộ trình tới Việt Nam.Bước đi thận trọng của McDonald’s trong suốt một năm qua khiến thị trường fastfood của Việt Nam luôn trong tâm lý chờ đợi xem liệu ông lớn này sẽ làm gì. Đến ngày 15/7, như là một sự kiện bùng nổ, hàng loạt báo lớn của nước ngoài như Thời báo tài chính (Financial Times), Washington Post,… đưa tin McDonald’s đã chính thức công bố sẽ mở cửa hàng đầu tiên của mình ở Việt Nam vào đầu năm 2014.
Lý do gì để một ông lớn như McDonald’s phải đắn đo hơn cả KFC trong suốt 15 năm? Tại sao đến tận bây giờ, McDonald’s mới có kế hoạch xâm nhập vào thị trường tiềm năng có đến 90 triệu dân? Liệu McDonald’s có thể thất bại bởi sự chậm trễ hay không?
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Hiện nay, mặc dù thị trường thức ăn nhanh của Việt Nam không còn mới mẻ, nhưng tiềm năng còn rất lớn. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu tiêu dùng ngày càng nâng cao, chất lượng cuộc sống cũng dần ổn định luôn đảm bảo cho miếng bánh fastfood không ngừng phình to.
Với mức GDP bình quân đầu người hiện tại vào khoảng 1500 USD/năm, còn tại các thành phố lớn, con số này cao hơn nhiều. Năm 2012, Hà Nội vào khoảng 2.200 USD/người còn Tp Hồ Chí Minh là 3.600 USD/người. Mức thu nhập này đủ để người tiêu dùng sẵn sàng bỏ từ từ 4 – 6 USD cho một bữa ăn tại McDonalds mà không phải suy nghĩ quá nhiều. Điều duy nhất phải lo lắng chính là liệu chất lượng có thuyết phục được người tiêu dùng hay không.
Tuy nhiên, khi McDonald’s đã trở thành thứ văn hóa ẩm thực ở 200 quốc gia trên toàn thế giới, thuyết phục khẩu vị đang luôn tìm kiếm cái mới của người Việt có lẽ không phải là bài toán quá khó đối với gã khổng lồ này. Có lẽ, việc đến sớm hay muộn chỉ là vấn đề ở chiến lược kinh doanh của họ mà thôi.
Xuất hiện từ những năm 1950, McDonald’s đã tạo ra không những là một đế chế fastfood mà còn là cả một nền văn hóa ẩm thực hiện đại
McDonald’s nổi tiếng không chỉ bởi thực đơn những món bánh kẹp và khoai tây chiên ngon tuyệt mà còn bởi điều kiện để nhượng quyền thương hiệu của họ không hề dễ dàng: Đối tác phải là hãng có tiềm lực tài chính lớn, kinh nghiệm kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, khả năng quản lý tốt. Những điều kiện trên phải đạt chất lượng cao và phải được đảm bảo gần như tuyệt đối.
Vì thế, không quá khó hiểu khi McDonald’s phải mất đến gần 1 năm mới tìm được nhà đầu tư tốt để gửi gắm thương hiệu của mình. Cái tên đó chính là Henry Nguyễn, một doanh nhân không hề xa lạ đối với thị trường đầu tư tài chính ở Việt Nam.
Đối thủ “khai hoang”, McDonald’s gặt hái
Cái cớ đến chậm của ông lớn chính bởi cái gọi là “văn hóa fastfood”. KFC đã phải mò mẫm mất 7 năm trời, chấp nhận thua lỗ để tạo ra được thói quen ăn uống “kiểu Tây” ở Việt Nam. Với văn hóa ẩm thực từ hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn năm ở đất nước nông nghiệp, sẽ phải mất không ít thời gian để quen với việc ăn món chính chủ yếu là thịt đi kèm với nước uống có ga và nhiều đường.
Chính các đối thủ hiện nay đã giúp cho McDonald’s không cần phải làm quen từ đầu với một thị trường quá mới mẻ như Việt Nam. Cộng với sức mạnh thương hiệu “hãng fastfood lớn nhất thế giới”, McDonald’s sẽ nhanh chóng thu hút được một lượng lớn khách hàng tò mò, từ đó, tạo ra một thị phần lớn những người sẵn sàng trung thành với những thanh khoai tây hay những miếng bánh kẹp thịt xay thú vị.
Lợi thế “số 1 thế giới” đủ lớn để McDonald’s tự tin đi sau nhưng vẫn có nhiều khả năng chiến thắng.
Không hề dễ ăn
Không có sự thành công nào mà không có khó khăn, “số 1 thế giới” cũng không ngoại lệ. McDonald’s đang thất thế ở châu Á.
Nếu như ở Mỹ, McDonald’s đang phục hồi theo đà chung của nền kinh tế ở mức 2,4% trong 6 tháng đầu năm, nhiều hơn dự báo của giới phân tích với 2,1% thì ở khu vực Châu Á/ Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi rất đáng thất vọng. Doanh số bán hàng chỉ tăng 0,9%, thấp hơn mức dự đoán 1,5% và gần như đứng im.
Những con số ở châu Á đối với McDonald’s là quan trọng, bởi đây là thị trường mà họ đang tập trung phát triển mới. Nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa và McDonald’s đang cố đổ lỗi cho tình hình dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc.
Tình hình không khả quan sẽ buộc McDonald’s phải thận trọng hơn nhiều trong việc lập các chuỗi nhượng quyền thương hiệu mới, vì thế, người tiêu dùng Việt Nam sẽ khó thấy được sự hoành tráng đáng có của cái gọi là “số 1 thế giới”.
Thêm vào đó, để nhanh chóng có được lượng khách hàng lớn và trung thành, McDonald’s sẽ phải tìm kiếm được một địa điểm đặt cửa hàng thuận lợi nhất. Điều này không hề dễ dàng, bởi tại Việt Nam, hầu hết những vị trí vàng đều đã có chủ, trong đó không ít là đối thủ là “đồng hương” của họ. Tương tự như hiện tượng Starbucks đến Việt Nam, một vị trí đẹp, một tấm biển quảng cáo mời gọi hấp dẫn sẽ là thứ đầu tiên mà người tiêu dùng nghĩ đến: “McDonald’s sẽ nằm ở đâu?”.
Theo Infonet