Connect with us

Máy tính bảng: từ ruộng tới tiệm ăn nhanh

Tin trong nước

Máy tính bảng: từ ruộng tới tiệm ăn nhanh

Khi máy tính bảng có hàng trăm mẫu, với đủ nhãn hiệu và cước kết nối 3G khá phù hợp, thì chuyện máy tính bảng trên tay nông dân hay người chủ tiệm bánh không phải chuyện hiếm.

Từ nông dân

Bốn tháng trước, khi đưa các chuyên gia của hội Tin học Việt Nam về huyện Mỏ Cày (Bến Tre) tham quan, ông Trần Thiện Nghệ bất ngờ khi gặp một lão nông độ tuổi trạc 60, cầm một chiếc iPad 2 đang lướt trên màn hình. Mới đầu, vị tổng thư ký hội Tin học TP.HCM tưởng lão nông đang chơi game. Hỏi ra, mới biết ông đang chat. Hỏi chuyện, lão nông này trả lời tỉnh rụi: “Có mấy đứa nhỏ đang học bên Mỹ, nó sắm cho chiếc máy tính này và chỉ dẫn sử dụng, trong đó có chat. Mỗi lần nhớ nó là chat để đỡ nhớ, lại ít tốn tiền hơn gọi điện thoại. Sướng lắm”. Kể xong, lão nông bật cười sảng khoái. Lão nông này còn cho biết một chi tiết đắt giá: ở đây có nhiều nông dân có con đi học ở thành phố (ý chỉ Sài Gòn) cũng xài chiếc máy tính như ông!

Tấn Thanh, hiện đang sở hữu một quầy bánh hotdog nhỏ ngay đối diện nhà thờ Đức Bà (Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM). Cách đây gần hai tuần, Thanh vừa mua được chiếc iPad 2 32GB để “được vui với anh em”. Từ khi có chiếc máy tính này, “ngày mới” bắt đầu với Tấn Thanh từ khoảng 11, 12 giờ. Ăn trưa xong, Thanh ôm chiếc iPad 2 32GB lướt web, đọc tin tức trên mạng, vào Facebook để “xem tình hình anh em” thế nào cho đến 1 giờ chiều. Sau đó, Thanh trở về với công việc chính của mình: trộn bột, nướng bánh, bán bánh, giao bánh cho khách… 12 giờ đêm, tiệm bánh của Thanh đóng cửa nhưng người chủ tiệm này còn “tra tấn” chiếc máy tính này thêm một vài tiếng nữa mới chịu thôi với những công việc quen thuộc: lướt web vào Facebook và chơi game. Tấn Thanh cười, nói: “Ngoài số tiền mua máy, mỗi tháng thanh toán cước kết nối cao nhất là 200.000 đồng. Nếu tiết kiệm một vài khoản chi như cà phê thì số tiền trên không quan trọng”.

Lái cần cẩu xây dựng, rày đây mai đó, song Công Chiến (Bình Chánh, TP.HCM) cảm thấy bí bách khi phải giam mình cả ngày trong khoang điều khiển. Hai tháng trước, Chiến được người em bán lại chiếc Samsung Galaxy Tab 16GB với giá chưa tới 5 triệu đồng. Chiến nói: “Cái nghề lái cẩu đi nhiều nhưng thường xuyên phải ngồi một chỗ. Lúc nghỉ ngơi cũng làm biếng xuống đất vì mất thời gian leo trèo, vả lại dưới đất toàn là khói bụi, nắng nóng. Từ khi có chiếc máy tính bảng này, khi nghỉ, tôi cứ ngồi lì trong khoang để xem phim, chơi game và đọc tin tức về các trận bóng đá nước ngoài”.

Nguyễn Tuấn Anh, có công việc chính là quản lý quán karaoke ở Hải Phòng, còn nghề “phụ” là săn hàng thời trang trên mạng. Tuấn Anh thừa nhận, từ khi có được chiếc máy tính bảng này, công việc kinh doanh có phần tiện lợi hơn, có thể xem hàng bất kỳ ở đâu, ở quán hay ở nhà mà không bị chủ để ý. Nhờ việc thường trực theo dõi các website thời trang, Tuấn Anh thường xuyên mua được các sản phẩm giảm giá (có khi giảm tới 70%) để bán lại cho bạn bè.

Thêm xe, cần dịch vụ

Tuấn Anh cho biết, nhờ kinh doanh quần áo thời trang trên mạng mà ông cải thiện được thu nhập. Còn với Tấn Thanh, chiếc máy tính bảng “quá cần thiết để thoả mãn nhu cầu giải trí cá nhân, từ việc đọc báo cho đến quan hệ bạn bè trên mạng…” Với những lão nông ở Mỏ Cày, chiếc máy tính là “cầu nối tinh thần” giữa cha mẹ và con cái học hành ở xa.

Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói: “Công nghệ càng hiện đại, sản phẩm càng dễ sử dụng. Tôi cho rằng, đối tượng sử dụng máy tính bảng không còn bó hẹp ở một vài đối tượng mà đã mở rộng hơn”. Ông Đạo nói thêm, việc các nhà mạng Việt Nam giảm giá cước 3G, tăng thêm dung lượng cũng là yếu tố quan trọng để sản phẩm máy tính bảng đến với nhiều đối tượng hơn.

Nếu xem mạng 3G như một xa lộ mới, thì máy tính bảng hay điện thoại thông minh là những dạng xe. Chiếc xe đó chở ai, dùng dịch vụ gì là câu hỏi mà thị trường đang đặt ra cho các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × 2 =

To Top