Tin trong nước
Mây mù trên đường vận tải hàng không
Cuộc chiến hạ giá cước vận tải đang đẩy mảng đầu tư dịch vụ vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không trong và ngoài nước tại Việt Nam đến nguy cơ thua lỗ.Cuộc chiến giá cước giữa các hãng hàng không đang đến hồi gay cấn và tình trạng thua lỗ trong năm nay là khó tránh khỏi”, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam, nhận xét.
Cuộc chiến hạ giá
Đầu tháng 8 vừa qua, hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa Jade Cargo, liên doanh giữa Hàng không Thâm Quyến (Trung Quốc) và Lufthansa Cargo (Đức), đã thông báo ngưng các chuyến bay vận tải thương mại đến Hà Nội. Một trong những lý do là thị trường Việt Nam không còn hiệu quả để có thể tiếp tục khai thác. Việc hãng này quyết định tạm thời ngưng bay đến Việt Nam chỉ 6 tháng sau ngày khai trương cho thấy mảng vận tải hàng hóa trong nước đang có nhiều khó khăn do bất ổn kinh tế vĩ mô.
Nhưng vẫn còn đó nhiều hãng với nhiều chuyến bay vận tải cạnh tranh với nhau khốc liệt. Hãng Qatar Airways có 7 chuyến bay đến TP.HCM và 4 chuyến đến Hà Nội sử dụng máy bay A330-300, CargoLux có 3 chuyến bay chở hàng đến TP.HCM và 2 chuyến đến Hà Nội, China Airlines (3 chuyến đến TP.HCM, 2 chuyến đến Hà Nội), Eva Air (2 chuyến đến TP.HCM), Hong Kong Airlines (3 chuyến đến TP.HCM), Trans Smile Air (5 chuyến đến TP.HCM).
Năng lực vận tải khá lớn như vậy trong khi lượng hàng không tăng tương ứng khiến các hãng chuyên chở hàng phải giảm giá tối đa nhằm thu hút khách hàng và các đại lý. Nổi trội nhất trong cuộc chiến hạ giá là Qatar Airways, China Airlines, Eva Air, Korean Air. Các hãng này đang chào mức giá chỉ 1,5-1,7 USD/kg (chưa kể các loại phụ phí) cho 1 tấn hàng đến các điểm chính tại châu Âu như Amsterdam, London, Paris. Chưa hết, mức giá cho 1 tấn hàng đến Los Angeles, San Francisco, New York, Chicago cũng chỉ khoảng 2 USD/kg (chưa có phụ phí). Các mức giá đi châu Âu và Mỹ đã giảm tới hơn 50% so với cùng kỳ 2010.
“Với giá xăng dầu có lúc vượt 110 USD/thùng, giá từ 2,8-3 USD/kg cho 1 tấn hàng đi châu Âu thì mới đảm bảo hòa vốn, còn dưới 2 USD/kg sẽ bị lỗ nặng”, ông Quang, Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam, cho biết. Với cùng nhận định, đại diện một Hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi châu Âu (không muốn nêu tên) cho biết: “Một chuyến bay khứ hồi giữa châu Âu và Việt Nam sử dụng máy bay B747-400F tốn khoảng 450.000-500.000 USD. Nếu lượng hàng hóa tại một điểm thu gom bị sụt từ 40-50% thì chuyến bay đó có nguy cơ thua lỗ”.
Tuy nhiên, nỗi buồn của người này lại là niềm vui của người khác và niềm vui đó đang thuộc về giới đại lý vận chuyển trong ngành hàng không. “Thị trường càng giảm, các công ty làm đại lý càng có lãi, nhất là những lô hàng đã được ký hợp đồng cho cả năm với mức giá được ấn định trước”, ông Bùi Hoàng Long, đại diện Công ty Panalpina World Transport (Vietnam), cho biết. Công ty này dự kiến xuất khoảng 600 tấn hàng hóa qua đường hàng không trong năm 2011.
Sau cơn mưa trời lại sáng
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lưu Thanh Bình dự báo tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không trong và ngoài nước tại Việt Nam năm 2011 sẽ đạt khoảng 219.000 tấn, tăng 16,2% so với 2010. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, mức dự kiến của cả năm sẽ chỉ khoảng 190.000 tấn (Hà Nội 40.000 tấn và TP.HCM 150.000 tấn), trừ trường hợp có tăng trưởng đột biến trong 3 tháng cuối năm.
Thông thường đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 thị trường sẽ tốt trở lại vì các đơn hàng Đông Xuân sẽ nhiều lên từ thời điểm này, do đó giá cước vận chuyển cũng sẽ được kéo lên theo.
Một giải pháp khác đang được các hãng tính tới là tự đầu tư hãng vận chuyển hàng hóa tư nhân tại Việt Nam để từng bước có thể tự chủ về giá cước cũng như chất lượng dịch vụ. Tại Đại hội Cổ đông 2011 của Công ty VinaFreight được tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, Hội đồng Quản trị của VinaFreight đã quyết định phát hành thêm 10,4 triệu cổ phiếu để huy động vốn cho dự án thành lập hãng vận chuyển hàng hóa.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài như Samsung, Nokia, Canon tăng cường triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam cũng là một yếu tố giúp các hãng vận chuyển hàng hóa có thêm hy vọng vào mảng đầu tư dịch vụ này trong năm 2012. Các hãng vẫn kỳ vọng khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời và sau cơn mưa trời sẽ lại sáng.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của cuộc chiến giá cước vận chuyển hiện nay xuất phát từ vấn đề cạnh tranh thiếu lành mạnh đã tồn tại trong một thời gian dài và đã đến lúc nó cần phải được giải quyết một cách triệt để hơn. “Tôi nghĩ chiến tranh giá rồi cũng phải kết thúc và mặt bằng giá cước trong nước phải tiến tới mức ngang bằng với các thị trường trong khu vực. Hiện nay giá cước của Việt Nam vẫn thấp hơn từ 30-40% so với các nước Đông Nam Á và chỉ khoảng 50% so với Trung Quốc”, ông Long, Panalpina, cho biết.
Theo NCĐT