Tin trong nước
Masan Consumer khó “nắm” được Vinacafe
80.000 đồng: Mức giá chào mua cổ phiếu VCF (Vinacafe) của Masan Consumer, thấp hơn so với giá giao dịch những ngày gần đây. Với thời gian đăng ký chào mua công khai chỉ vỏn vẹn 1 tháng, Masan Consumer sẽ khó lòng thâu tóm VCF.Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), một công ty con của Tập đoàn Masan (MSN), đã công bố việc chào mua 50,11% vốn điều lệ (tương đương 13,32 triệu cổ phiếu) của Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa (VCF) vào đầu tháng 9.2011 qua hình thức chào mua công khai. Số tiền dự kiến bỏ ra mua lại vào khoảng 1.065 tỉ đồng. Tuy nhiên, với thời gian thực hiện chỉ vỏn vẹn 1 tháng (12.9-11.10.2011) trong khi có quá nhiều rào cản, liệu Masan Consumer có đạt được mục tiêu?
Kế hoạch đường đột
Thông thường, kế hoạch thâu tóm sẽ dễ dàng hơn khi đối tượng bị thâu tóm đang lâm vào tình thế khó khăn về tài chính, hoặc bên mua đã có sẵn cổ phần và nhân sự trong hội đồng quản trị của công ty mục tiêu. Đằng này, Masan Consumer hiện vẫn chưa nắm giữ cổ phần nào trong VCF và công ty này đang có vị thế vững mạnh trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Đó là lý do kế hoạch thâu tóm VCF trong vòng 1 tháng của Masan Consumer được đánh giá là khá đường đột.
Tuy nhiên, nếu xét lại sức hấp dẫn của VCF mới thấy quyết tâm của Masan Consumer là có thể hiểu được. VCF là một ông lớn trong lĩnh vực cà phê hòa tan khi chiếm đến 40% thị trường trong nước. VCF đạt mức tăng trưởng doanh thu bình quân 20-30% mỗi năm. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của VCF đã đạt gần 90% kế hoạch cả năm, tương đương 122,5 tỉ đồng. Mục tiêu của VCF trong năm 2011 là tăng 48% về doanh thu, đạt 1.927 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 139 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, kể từ ngày lên sàn (28.1.2011) đến ngày 9.9, giá cổ phiếu VCF đã tăng 75%, đạt 93.500 đồng/cổ phiếu. Đây là sức bật ấn tượng so với mức giảm 10% của chỉ số VN-Index trong cùng thời gian trên.
Khó “nắm” VCF
Trên thực tế, có quá nhiều khó khăn cản trở Masan Consumer hoàn thành kế hoạch thâu tóm chóng vánh này. Một chuyên gia trong lĩnh vực M&A (không muốn nêu tên) cho biết: “Cái khó của bên đi mua nằm ở chỗ khối lượng đặt mua quá lớn”.
Tháng 5 vừa qua, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đã bán hơn 3,4 triệu cổ phiếu VCF để giảm tỉ lệ sở hữu từ 50,26% (khoảng 13,4 triệu cổ phiếu) xuống 37% (gần 10 triệu cổ phiếu). Đại diện phần vốn nhà nước là ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch VCF, đã công bố sẽ không bán số cổ phần còn lại. Nghĩa là Masan Consumer không thể trông đợi gì từ Vinacafe.
Masan Consumer chỉ còn cách thỏa thuận mua lại cổ phần của các cổ đông lớn là Công ty Chứng khoán Beta (8,6%) và ông Trần Quang Lộc (khoảng 7,7%), công nhân viên VCF (hơn 7%) và phần mà Vinacafe đã bán trước đó (khoảng 13,26%). Giả sử nếu mua được hết thì Masan Consumer sẽ nắm khoảng 36,56% vốn VCF. Đối với số cổ phần còn lại 13,55% (để có thể nắm giữ 50,11% như mục tiêu đặt ra), Masan Consumer sẽ chào mua công khai.
Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Không những tuyên bố sẽ giữ số cổ phần 37%, ông Thiêm, VCF, còn kêu gọi công nhân viên không bán số cổ phiếu họ đang nắm giữ (khoảng 7%). Vì vậy, Masan Consumer chỉ còn cách thỏa thuận mua lại phần vốn mà Vinacafe đã bán trước đó (13,26%) và của 2 cổ đông lớn (16,3%). Nếu mua được, Masan Consumer sẽ nắm được 29,56% vốn VCF. Sau đó, Công ty sẽ tiếp tục chào mua công khai 20,55% nữa mới đạt mục tiêu.
Những điều trên cho thấy có vẻ như cơ hội của Masan Consumer khá là mỏng manh. Thế nhưng, xét sự tự tin của Công ty khi tuyên bố chào mua trong khi chưa nắm được cổ phần nào trong VCF, rất có thể Masan Consumer đã thỏa thuận được với những cổ đông lớn.
Cần nói thêm, với phương thức thâu tóm không đàm phán, khâu mua gom thường đã được thực hiện trước đó. Và có thể Masan Consumer đã cho người thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn mà Vinacafe đã bán, sau đó thương lượng với 2 cổ đông lớn bằng giá cao. Việc còn lại bây giờ của bên mua chỉ là thay đổi tên người sở hữu và chào mua công khai hơn 20% cổ phần của VCF.
Tuy nhiên, cũng cần thăm dò “sự sẵn lòng” của công ty bị thâu tóm. Có thể thấy, VCF không có ý định huy động thêm vốn. Đối với việc đầu tư cho dự án lớn nhất của mình là nhà máy cà phê công suất 3.200 tấn/năm tại Đồng Nai, VCF hoàn toàn có đủ khả năng. Kế hoạch đầu tư cho nhà máy đã được điều chỉnh tăng từ 563 tỉ đồng lên 617 tỉ đồng, trong đó 50% từ nguồn vốn tự có, còn lại vay của Vietcombank. Điều đó có nghĩa VCF có thể không cần đến sự góp mặt của Masan Consumer, dù là với mục đích góp vốn phát triển Công ty.
Ở một góc độ khác, giá chào mua VCF là 80.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá giao dịch trong những ngày gần đây (trung bình hơn 90.000 đồng/cổ phiếu). Để chắc chắn mua được, bên mua thường phải chi cao hơn thị giá. Nói cách khác, mức giá 80.000 đồng/cổ phiếu sẽ khiến người bán không mặn mà. Cùng với việc thời gian đăng ký chào mua quá gấp gáp, sẽ khó lòng tạo ra cú hích để Masan Consumer thâu tóm nhanh VCF.
Theo NCĐT