Tin trong nước
Mạng xã hội Việt Nam xoay sở đủ cách để kiếm tiền
Để tránh cạnh tranh trực tiếp với các trang mạng xã hội nước ngoài như Facebook, LinkinEd, Cyworld hay MySpace, một số mạng xã hội trong nước đã tìm lối đi riêng như đầu tư dịch vụ thương mại điện tử, đổi điểm..Kinh doanh qua mạng xã hội được ví như chiếc bánh ngọt nhưng không dễ ăn khi mà các mạng xã hội Việt Nam đang đối mặt với bài toán chậm thu lợi nhuận, kinh doanh qua mạng chưa trở thành thói quen của doanh nghiệp.
Để tránh cạnh tranh trực tiếp với các trang mạng xã hội nước ngoài như Facebook, LinkinEd, Cyworld hay MySpace, một số mạng xã hội trong nước đã tìm lối đi riêng như đầu tư dịch vụ thương mại điện tử, đổi điểm… nhằm tồn tại và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội dung Internet tại Việt Nam.
Zing Me đầu tư thương mại điện tử
Ngày 21-11, Zing Me cho biết họ đang đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử nhằm tạo thêm lợi thế cho mạng xã hội bên cạnh số người sử dụng đã lên đến gần 8 triệu người, chủ yếu là người trẻ. Zing Me triển khai dự án thương mại trên mạng xã hội (social commerce) nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức đang tham gia vào lĩnh vực phân phối, bán lẻ có thể khai thác và mở rộng phạm vi kinh doanh thông qua việc xây dựng, phát triển khách hàng trên mạng xã hội này.
Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG – đơn vị chủ quản mạng xã hội Zing Me, cho biết sắp tới Zing Me sẽ ứng dụng dịch vụ cửa hàng trực tuyến, được tích hợp ngay trên các Fan Page, nhằm giúp các cửa hàng có thể giới thiệu và giao dịch sản phẩm một cách trực tiếp với khách hàng.
Theo ông Khải, thế mạnh của VNG trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử là đang sở hữu một cộng đồng mạng lên đến 8 triệu người. Điều này sẽ giúp các cửa hàng trực tuyến tiếp cận được một lượng khách hàng lớn, đầy tiềm năng. Thêm vào đó, VNG đã xây dựng kênh thanh toán điện tử Zing Pay có thể thay thế hình thức thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng, bưu điện để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp tham gia giao dịch.
Hiện, VNG đang cung cấp một nền tảng mở (Open Plaform) cho các cá nhân và doanh nghiệp lập cửa hàng trực tuyến theo ý muốn của họ. Ngoài ra, VNG cũng hỗ trợ các cửa hàng trong việc quảng bá sản phẩm trên các kênh thông tin thương hiệu Zing như kênh nghe nhạc trực tuyến Zing Mp3, kênh tin tức Zing News…gắn nút chia sẻ link, đặt banner cho các cửa hàng trực tuyến.
Đến nay, trên Zing Me có 23 cửa hàng đang hoạt động, trong số đó có nhiều cửa hàng kinh doanh khá hiệu quả, điển hình như Hula Shop với 18.000 người yêu thích chỉ sau 6 tháng thành lập cửa hàng trực tuyến trên mạng Zing Me.
Ông Nguyễn Quốc Anh, chủ cửa hàng Hula Shop, nói lợi tức đầu tư (ROI) từ Zing Me đem lại cao thứ ba trong tất cả các kênh mà cửa hàng đã đầu tư.
Theo ông Anh, so với việc bán hàng qua các trang thương mại điện tử, thì bán hàng trên mạng xã hội có nhiều lợi thế về mặt quảng bá hơn rất nhiều. Khi một sản phẩm được giới thiệu, thông tin sẽ được lan truyền nhanh chóng đến hàng ngàn người chỉ trong vài giây nhờ vào chức năng chia sẻ và tương tác của mạng xã hội. Người dùng mạng xã hội sẽ nhận được nhiều thông tin xác thực và có giá trị hơn thông qua các tương tác từ bạn bè, từ đó dẫn đến hành vi mua hàng của họ.
Công ty VNG cho hay cửa hàng trực tuyến trên mạng xã hội Zing Me đang là một ứng dụng đem lại nhiều triển vọng cho việc kinh doanh của khách hàng. Công ty này cho hay hiện các ứng dụng mạng xã hội là một kênh đem lại doanh thu lớn nhất cho Zing Me.
Theo thống kê của VNG, năm 2009 VNG chỉ có 10 ứng dụng chạy trên mạng xã hội Zing Me và không có doanh thu. Nhưng đến năm 2010, họ đã có 20 ứng dụng và doanh thu tăng lên 30 tỉ đồng. Đến cuối năm nay, mạng này kỳ vọng họ sẽ có 60 ứng dụng và con số doanh thu ước đạt 60 tỉ đồng.
Kiếm tiền từ quảng cáo
Theo thống kê của ComScore, 10 trang mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam hiện nay là Zing Me, Facebook, Yahoo! Pulse, Tamtay.vn, Banbe.net, KST.vn, yeulaptop.com, Cyworld, Yo88.com và Twitter. Nhìn vào thống kê có thể thấy nhiều trang mạng xã hội nước ngoài vẫn được người Việt Nam lựa chọn và do vậy các trang trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với các trang mạng nước ngoài này.
Để tồn tại và phát triển trước cạnh tranh, đầu tháng 11 vừa qua, Công ty TNHH P.A Việt Nam đã giới thiệu trang mạng xã hội Bang.vn, giúp người sử dụng có thể kiếm tiền bằng cách đổi điểm thông qua trang mạng này.
Ông Huỳnh Việt Phương, Giám đốc P.A Việt Nam, giải thích bất kỳ người nào tham gia vào trang mạng xã hội này như truy cập, xem sản phẩm, xem quảng cáo, chia sẻ và trả lời bài viết, chia sẻ hình ảnh, âm nhạc… đều được thưởng điểm Bang. Điểm Bang này dùng để mua các banner quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, gửi tin nhắn quảng cáo đến các thành viên khác, đăng rao vặt, tuyển dụng (theo giá mà trang mạng xã hội này đặt ra, ví dụ như đặt banner quảng cáo khoảng 1.000 điểm Bang).
Đối với doanh nghiệp, để có được nhiều điểm Bang, họ sẽ mua điểm vàng bằng tiền của mình, sau đó tự thỏa thuận với các thành viên trên mạng xã hội này để đổi điểm Bang, rồi dùng vào việc quảng bá công ty, sản phẩm của mình như trên.
Còn đối với người dùng cá nhân, sau khi có được điểm vàng có thể yêu cầu Bang.vn trả lại tiền cho mình. Hiện, P.A Việt Nam mới chỉ tung ra phiên bản dùng thử (beta). Ngày 1-1-2012, công ty này sẽ giới thiệu bản chính thức ra thị trường.
Việc P.A thu hút người dùng bằng hình thức quảng cáo trực tuyến trên là cách làm tương đối mới tại Việt Nam có thể tạo ra cơ hội đem lại doanh thu cho doanh nghiệp đầu tư mạng xã hội. Với phương pháp mới này, mạng xã hội của PA Việt Nam hứa hẹn sẽ thu hút nhiều người tham gia, giúp tạo tài nguyên mạng từ người dùng.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố thành công của một mạng xã hội là nội dung. Chính vì vậy, ông Joe Nguyễn, Phó chủ tịch ComScore Đông Nam Á, nói để mạng xã hội Việt Nam tồn tại và cạnh tranh được thì yếu tố nội dung vẫn là quyết định. Và để tạo ra nội dung ấy thì các doanh nghiệp không thể làm một mình mà cần có một cộng đồng chung tay phát triển nó.
Theo TBKTSG