Bài viết nghiên cứu
Làn sóng công nghệ di động trong ngành bán lẻ
Các chuyên gia ngành viễn thông cho rằng khi lượng người sử dụng điện thoại di động và thiết bị cá nhân có kết nối mạng Internet ngày càng tăng lên thì các nhà bán lẻ nên nghĩ tới việc khai thác các ứng dụng di động cho ngành này (mobile shopping apps).Ở các quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển, những ứng dụng trên điện thoại di động không những giúp thúc đẩy mà còn buộc ngành bán lẻ truyền thống phải đầu tư vào công nghệ di động để có lợi thế cạnh tranh.
Theo kết quả thống kê được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tính đến tháng 6-2011, Việt Nam có 30,2 triệu khách thuê bao điện thoại di động, ngang ngửa với lượng người sử dụng Internet trên cả nước (30,04 triệu người, tính đến tháng 8-2011). Trên thực tế, chiếc điện thoại di động đã trở thành một công cụ cách mạng khi vượt qua vai trò liên lạc (communicative) để tích hợp chức năng kết nối (connective) vào hệ thống Internet. Nhờ vào những tính năng vượt trội mà các dòng điện thoại thế hệ mới thường được gọi chung là điện thoại thông minh (smartphone) khi vừa là chiếc máy tính di động, vừa làm người bạn thông minh (intelligent) có khả năng hỗ trợ người sử dụng tìm kiếm thông tin hay chỉ dẫn nhiều vấn đề, vừa là phương tiện gần gũi nhất để thực hiện các giao dịch (interactive) bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.
Mùa Giáng sinh năm ngoái, người tiêu dùng trên thế giới đã có dịp chứng kiến một làn sóng những ứng dụng đầu cuối được nhiều nhà cung cấp tung ra để họ có thể tích hợp vào thiết bị di động nhằm làm cho việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn. Từ khâu khảo giá, thử hàng đến đặt hàng, thanh toán và nhận hàng, lẽ dĩ nhiên cả phần tư vấn, khuyến mãi và hậu mãi, đều có thể diễn ra trên một chiếc điện thoại đi động.
Thúc đẩy thương mại di động
Tốc độ mua sắm qua điện thoại di động trên toàn cầu hiện đang tăng lên rất nhanh. Tháng 7-2010, nhà bán lẻ Amazon.com công bố doanh thu qua thiết bị di động vượt quá con số 1 tỉ đô la Mỹ, cùng lúc đó eBay dự báo doanh thu thương mại di động (mobile commerce) của hãng trong năm 2011 vào khoảng 1,5-2 tỉ đô la. Theo Công ty tư vấn Booz & Company thì doanh thu thương mại di động ở Mỹ, Đức, Pháp và Anh trong năm 2011 này chiếm khoảng 10 đến 15% doanh số bán lẻ.
Bình quân một người sử dụng bình thường sẽ thay đổi điện thoại di động trong vòng 18 tháng, nhưng ở một số nơi ở Nhật Bản và Hàn Quốc thì người tiêu dùng sẵn sàng thay máy chỉ sau sáu tháng. Điều này cho thấy mức độ chấp nhận các phần mềm ứng dụng di động mới rất cao bởi những tính năng thiết thực cho đời sống. Booz & Company dự báo tỷ lệ điện thoại thông minh ở Mỹ nay chiếm 17% sẽ lên đến 74% vào năm 2014, ở châu Âu sẽ từ 15% lên 43% trong cùng thời gian, và 50% người Mỹ sẽ mua sắm qua điện thoại di động kể từ năm 2013.
Làn sóng công nghệ di động mới thực sự bùng nổ từ hai năm nay với việc xuất hiện các ứng dụng đầu cuối dành cho ngành bán lẻ được cài đặt bên trong các dòng điện thoại thông minh và với việc lắp đặt các thiết bị hỗ trợ di động dưới dạng kiosk kỹ thuật số hoặc các tấm gương tương tác đặt trước cửa hiệu hay chỗ đông người. Trong các phần mềm đọc mã hàng hóa và giao dịch mua bán quen thuộc hiện nay có Google Shopper có khả năng tích hợp vào các loại điện thoại chạy trên nền Android; Amazon Mobile, Shop Style, Vouchercloud dùng cho iPhone; và Shop Savvy, Price Grabber, FastMall, Living Social chạy được trên cả hai dòng điện thoại kể trên. Nhà thương mại trực tuyến hàng đầu eBay cung cấp cho khách hàng ứng dụng mua hàng di động trên nền Windows Phone 7 và hãng Tesco Grocery cung cấp trên nền các máy điện thoại Nokia. Nhiều nhà bán lẻ lớn khác, trong đó có Taobao.com và 360buy.com ở Trung Quốc, cũng phát triển phần mềm di động đầu cuối để tiện cho việc bán hàng. Trong quý 1 năm nay số lượt tải ứng dụng đầu cuối trên 360buy.com lên đến con số 1 triệu và doanh thu bán hàng qua điện thoại di động của nhà bán lẻ này trong tháng 6 vừa qua đạt mức 2 tỉ nhân dân tệ.
Ở Mỹ, khách hàng có thể dùng điện thoại di động để mua sắm tại tất cả 289 cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị Stop & Shop. Các ứng dụng của iPhone và Android cho phép khách hàng theo dõi quá trình mua hàng của mình và nhận các phiếu khuyến mãi cùng danh sách mặt hàng giảm giá vào mỗi tuần. Từ giữa năm ngoái, phần mềm mua sắm di động (mobile shopping app) có tên là Shopkick được tung ra. Người sử dụng điện thoại di động có thể truy cập Shopkick để đọc mã hàng hóa, tìm hiểu chất lượng, so sánh giá cả và đặt mua hàng tại cửa hiệu của nhiều công ty bán lẻ như Best Buy, American Eagle, Macy’s… Họ sẽ được Shopkick trả tiền kick dưới dạng các phiếu quà tặng hay phiếu giảm giá tùy theo quá trình mua sắm của họ tại mỗi công ty. Shopkick và các phần mềm ứng dụng di động khác đang làm thay đổi bộ mặt tiêu dùng hiện đại, đặc biệt tạo nên mối liên kết đa kênh (multichannel) giữa cửa hiệu (instore), trang mạng xã hội (social) và các phương tiện di động (mobile).
Khuynh hướng liên kết đa kênh
J.C. Penney là một trong những nhà bán lẻ tiên phong kết hợp đa kênh một cách hiệu quả. Năm ngoái công ty bắt đầu lắp đặt các kiosk Findmore (Findmore Smart Display) tại 120 cửa hiệu. Đó là một thứ cửa hàng ảo mà khách hàng thay vì bước vào bên trong thì có thể dừng chân tìm xem trên các màn hình cảm ứng chỉ lớn bằng một kiosk tất cả các mặt hàng hiện có tại 1.100 cửa hàng của công ty. Sau đó khách chọn hàng, dùng điện thoại quét mã vạch ngay trên màn hình để so sánh giá và các chỉ dẫn trước khi đặt lệnh mua. Hàng được đóng gói và chuyển tới tận nhà trong vòng 24 giờ.
J.C. Penney cung cấp miễn phí phần mềm ứng dụng mua hàng cho người sử dụng các dòng điện thoại iPhone, máy iPad và điện thoại chạy hệ điều hành Android. Trong mùa mua sắm cuối năm ngoái, J.C.Penney tung ra một chương trình khuyến mãi rầm rộ: các khách mua hàng qua phần mềm Foursquare hay Brightkite tích hợp trên điện thoại hoặc qua Facebook Deal bên dưới nút Places của trang mạng xã hội Facebook được khuyến mãi 10 đô la cho mỗi 50 đô la giá trị mặt hàng. Số tiền này được chuyển ngay vào điện thoại mà khách hàng dùng để đặt lệnh.
Tháng 7 năm nay, nhà bán lẻ Yihaodian ở Trung Quốc bắt đầu lắp đặt các bức tường mua sắm tại 70 trạm xe điện ngầm ở Thượng Hải và 500 bảng quảng cáo cảm ứng tại các khu công cộng ở Bắc Kinh. Những vị khách chờ tàu hay đi tham quan du lịch có thể dừng lại chọn mua hàng bằng cách dùng điện thoại quét mã vạch món hàng xuất hiện trên các bức tường hay những bảng quảng cáo. Công ty tư vấn Analysys International chuyên về thị trường Trung Quốc cho biết trong doanh số bán lẻ của quý 1 năm nay ở quốc gia này có 73% thông qua trang web thương mại điện tử, 27% còn lại tương đương 200 triệu đô la thông qua phần mềm mua sắm tích hợp trên điện thoại di động. Nhà tư vấn này cho rằng tốc độ mua sắm qua điện thoại di động ở Trung Quốc sẽ tăng lên rất nhanh trong các năm tới.
Tại phòng triển lãm của công ty quảng cáo Interpubic ở Los Angeles (Mỹ), người ta trưng bày các màn hình cảm ứng đặt trước cửa hiệu cho phép những người qua đường nhìn thấy tất cả các mặt hàng đặt trên từng kệ, và họ có thể chọn hàng rồi quét mã vạch để đặt mua qua điện thoại mang theo trong mình mà không nhất thiết phải bước vào cửa hiệu. Các màn hình này được thiết kế khá bắt mắt để thay thế hệ thống các tủ kính trưng bày trước mỗi cửa tiệm hiện nay. Trong khi đó, công ty The Limited chuyên bán quần áo lắp đặt trong mỗi cửa hiệu những tấm gương tương tác cho phép khách hàng có thể khoác ảo lên mình để thử món thời trang mình dự định mua. Đây là kỹ thuật tương tác tay ba giữa tấm gương, người đứng trước gương và hình ảnh ba chiều của mặt hàng có được thông qua mã vạch ghi trên điện thoại.
Tốc độ mua sắm và thay đổi các dòng điện thoại thông minh ở Việt Nam cũng đang tăng lên rất nhanh. Điều này cho phép các nhà bán lẻ trong nước nghĩ tới việc đầu tư vào kênh mua sắm di động. Ngày nay việc tiếp thị qua điện thoại di động được ưa chuộng hơn vì sự tôn trọng riêng tư của từng cá nhân. Các quảng cáo như vậy mang tính chọn lọc vì chỉ được đọc khi người sử dụng cho phép (permission-based), lại mang tính định hướng (targeted) theo thói quen mua sắm và nhu cầu của từng người, giá cả và sự hiện hữu của mỗi mặt hàng luôn được cập nhật (live) đúng lúc đặt lệnh, và quan trọng nhất là người mua kẻ bán dễ dàng đối thoại hai chiều (two-way) cả trước và sau khi mặt hàng được giao.
Theo TBKTSG