Connect with us

Kplus lỗ nặng, sao vẫn mạnh tay mua bản quyền Ngoại hạng Anh?

Tin trong nước

Kplus lỗ nặng, sao vẫn mạnh tay mua bản quyền Ngoại hạng Anh?

Thông tin trên truyền thông cho biết, VSTV (K+) đang lỗ lũy kế tới 1.800 tỷ đồng. Cho nên việc K+ tiếp tục đầu tư hơn 700 tỷ đồng mua bản quyền ngoại hạng Anh đang cần một sự minh bạch.

K+ lỗ “khủng” ngang vụ Vinashin

Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh (VSTV) là công ty liên doanh giữa hai đơn vị là VTV và Canal+ (kinh doanh dịch vụ truyền hình số vệ tinh thương hiệu K+ ở Việt Nam). VSTV được thành lập vào tháng 5/2009 và chính thức cung cấp dịch vụ từ đầu năm 2010, với tổng vốn điều lệ gần 340 tỷ đồng, trong đó VTV góp 173 tỷ đồng (tương đương 51%). Sau hơn 3 năm kinh doanh, đến hết ngày 31/12/2012, theo con số VTV đã báo cáo lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì liên doanh VSTV lỗ lũy kế lên tới 1.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số lỗ của doanh nghiệp này chưa dừng lại và tiếp tục leo thang, theo thông tin trên truyền thông thì tính đến hết tháng 6/2013, VSTV đã lỗ lũy kế đến 1.800 tỷ đồng. Tại cuộc họp báo hôm 25/7 vừa qua, lãnh đạo VSTV không xác nhận cũng không phủ nhận con số lỗ 1.800 tỷ đồng. Song ông Jacques Aymar de Roquefeuil – Phó Tổng giám đốc VSTV thừa nhận, việc kinh doanh VSTV đang trong giai đoạn thua lỗ lớn do chi phí đầu tư thuê vệ tinh và mua bản quyền rất lớn. Nhưng tình trạng thua lỗ của liên doanh là điều hết sức bình thường mà bất cứ doanh nghiệp truyền hình trả tiền nào cũng phải trải qua.

Một câu hỏi rất lớn  được dư luận quan tâm là: Tại sao đang thua lỗ lên tới 1.800 tỷ đồng (gấp hơn 5 lần vốn điều lệ) nhưng K+ lại tiếp tục chi rất nhiều tiền để mua bản quyền các giải đấu bóng đá lớn của quốc tế. Mới đây nhất K+ đã hoàn tất việc nhận chuyển giao từ Canal+ gói bản quyền Ngoại hạng Anh ba mùa giải 2013 – 2016 trị giá 35 triệu USD. Bên cạnh đó, trong mùa giải 2013 – 2015, K+ còn có đầy đủ và trọn vẹn bản quyền các giải bóng đá hàng đầu châu Âu khác của Anh, Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha. K+ cũng sở hữu bản quyền 150 trận đấu vòng loại và các trận đấu giao hữu quốc tế của World Cup 2014 khu vực châu Âu và Nam Mỹ, các trận đấu siêu kinh điển và chuyến du đấu vòng quanh thế giới của đội Brazil, Argentina.

Ông Cao Văn Liết – Tổng giám đốc VSTV tránh câu hỏi của phóng viên về hình thức chuyển giao gói bản quyền Ngoại hạng Anh trị giá 35 triệu USD từ Canal+ sang VSTV. Ông Liết chỉ nói “Canal+ chuyển giao mà không tính đến lợi nhuận và đảm bảo đúng các thủ tục pháp lý theo Luật Đầu tư nước ngoài”.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hoàn Thành (Văn phòng Luật sư Thành và cộng sự) cho rằng, việc chuyển giao gói bản quyền trị giá trên 700 tỷ đồng từ Canal+ sang một doanh nghiệp đang thua lỗ nặng như K+ nảy sinh vấn đề quản lý vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Theo phân tích của ông Thành, Canal+ không thể cho không VSTV mà chỉ có thể “cho vay hoặc góp thêm vốn”. Cả hai hình thức này đều phải có sự phê duyệt của cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Còn trong trường hợp VSTV mua lại gói bản quyền từ Canal+ thì do khoản đầu tư này quá lớn, VSTV lại đang nợ nần rất nhiều do thua lỗ nên chắc chắn VSTV phải đi vay (hoặc huy động vốn từ các nguồn khác). Vì khoản vay này VTV phải chịu trách nhiệm hơn một nửa (51%) nên cũng cần có phê duyệt của Bộ Tài chính đồng ý cho vay.

Ông Thành phân tích: “Con số thua lỗ của K+ ngang với vụ Vinashin, nên việc chuyển giao gói bản quyền Ngoại hạng Anh đòi hỏi phải rất minh bạch về vấn đề đầu tư vốn. Việc đầu tư tới hơn 700 tỷ đồng cho một doanh nghiệp thua lỗ nặng và nợ đầm đìa như VSTV cần có cơ quan nhà nước đủ thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, phải quy định rõ ai chịu trách nhiệm về khoản vay, ai phê duyệt cho vay. Bởi vì, giả sử trong trường hợp VSTV thua lỗ dẫn tới phá sản thì một nửa số nợ đó VTV phải trả và đây là tiền của nhà nước phải bỏ ra trả nợ”.

18 năm nữa K+ mới hết lỗ?

Mặc dù ông Jacques Aymar de Roquefeuil khẳng định: “Việc kinh doanh của K+ đang phát triển ngày càng tốt với hơn 150.000 thuê bao mới trong vòng 1 năm qua. Và việc mua bản quyền Ngoại hạng Anh nằm trong kế hoạch kinh doanh của K+”. Nhưng ông lại từ chối cho biết kế hoạch: Đến thời điểm nào thì K+ “cắt” được lỗ và đạt đến bao nhiêu thuê bao thì K+ sẽ hòa vốn. Ước tính K+ đang có khoảng 500.000 thuê bao.

Theo phân tích của một người có kinh nghiệm về truyền hình, giả sử bắt đầu từ năm 2014, K+ đạt đến một số lượng thuê bao đủ để có lãi. Nếu như mỗi năm bình quân K+ lãi  cao nhất cũng chỉ 100 tỷ đồng, phải đến 18 năm sau K+ mới hết trả hết khoản nợ vay do thua lỗ trong mấy năm vừa qua và bắt đầu thực sự có lợi nhuận.

Trong khi cách thức để chiến thắng trong cuộc đấu mua độc quyền Ngoại hạng Anh của K+ đang gây bức xúc cho cả xã hội, người xem không được hưởng lợi, vốn nhà nước đổ vào liên doanh này cũng không hiệu quả. Chính ông Jacques Aymar de Roquefeuil cũng nói rằng: “Chỉ còn mỗi Việt Nam vẫn còn đang tranh cãi về bản quyền Ngoại hạng Anh, các nước khác đã kết thúc từ lâu rồi”.

Theo ICT Press

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen + 18 =

To Top