Connect with us

Kinh doanh online: Shop “ảo” ngày càng đắt đỏ!

Tin trong nước

Kinh doanh online: Shop “ảo” ngày càng đắt đỏ!

Chi phí thuê shop ảo và giá nhập thi nhau tăng khiến hàng thời trang ngày một đắt hơn, thậm chí còn đắt hơn cả các cửa hàng truyền thống bên ngoài trên thị trường.

Shopping trên mạng hút khách thời gian qua vì giúp người tiêu dụng không mất thời gian đi lại, có thể lướt web, mua và xem hàng bất kể lúc nào. Và quan trọng, giá bán cũng rẻ hơn 10-20% so với thị trường.

Nhưng hiện nay, khi giá cả trên thị trường ngày một đắt đỏ, nhiều sản phẩm được rao bán trên Internet cũng bị đẩy giá lên từ 10% đến 30%. Trên một shop kinh doanh thời trang công sở hàng may, giá mỗi bộ đầm từ 300.000 đồng trở lên, tăng lên khoảng10% so với trước, trong khi chất liệu vẫn vậy, chỉ thay đổi mẫu mã.

Nhiều sản phẩm rao bán trên mạng có giá đắt hơn thị trường bên ngoài.

Chủ cửa hàng tên Thùy Linh đăng tin: “Từ tháng này, mức giá rẻ nhất áp dụng tại gian hàng đã lên 300.000 đồng để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Mong chị em ủng hộ”.

Nhiều hàng hóa online giờ còn đắt hơn ngoài hiệu. Chẳng hạn loại ví cầm tay Hermes dây gài đang thịnh hành năm 2011, hàng fake (nhái) được đăng nhiều trên các trang rao vặt với giá từ 130.000-195.000 đồng tùy theo kích cỡ. Trong khi đó, loại ví này bán trong các cửa hàng trên phố Tôn Thất Tùng (Hà Nội) chỉ 100.000-130.000 đồng tùy kích thước.

Một chiếc quần legging dài, chất thô chun được đăng trên mạng với giá 220.000 đồng trở lên nhưng bày bán trong shop trên phố Kim Ngưu (Hà Nội) chỉ với 150.000 đồng…

Giá nhập sản phẩm cùng chi phí thuê gian hàng cao hơn là lý do khiến đồ bán trên online ngày một đắt như vậy. Bạn Phương Ly (Hàng Bông, Hà Nội) kinh doanh túi xách trên mạng giải thích, hàng về mỗi đợt, giá mỗi khác nên chuyện chênh nhau vài chục nghìn đồng là điều khó tránh.

Theo cô bạn này, giá hàng tăng rất nhanh. Nói về chiếc cặp dạng hộp màu xanh dương, Ly cho hay, nửa năm trước, cô nhập chỉ với 90.000 đồng, nhưng đợt gần đây nhất lấy về đã tăng lên 110.000 đồng. “Rồi tiền vận chuyển về cũng tốn kém hơn nên không thể có giá như cũ được”, Ly nói.

Hơn nữa, theo các chủ kinh doanh, không phải bán online là không mất tiền thuê “đất” như nhiều người vẫn tưởng. Chị My, kinh doanh thời trang nữ chia sẻ, chi phí mướn một gian hàng ảo cũng đắt hơn năm ngoái tới 20-30%. Ngoài ra, để duy trì hoạt động của shop, chị phải thuê người “up”, tốn thêm 200.000 đồng một tháng.

“Mỗi ngày có tới hàng nghìn tin rao vặt nên muốn thông tin của mình lên trên đầu, được xem nhiều thì phải thuê người ‘up’. Tính sơ sơ, chi phí mỗi tháng đã hết 1,2 triệu. Những khoản đó năm nay đều đắt hơn năm ngoái nên dù muốn bán rẻ, chúng tôi cũng khó”, chị My giải thích.

Bản thân chị My cũng thừa nhận, kinh doanh online hiện nay khó khăn hơn nhiều so với trước. Chị tâm sự, thị trường bên ngoài cứ giảm giá, khuyến mãi liên tục nên những người bán trên mạng mà không dài vốn “đuổi theo” thì chắc khó trụ.

“Giờ hàng nào cũng băng rôn sale off đỏ chót, siêu thị thì hết chương trình này đến chiến dịch kia để hút khách nên mình khó bì được. Nhà kinh doanh vốn lớn, xả hàng, bán rẻ lấy tiền quay vòng, nhập hàng mới. Còn bán online đa phần với mọi người chỉ là tay trái nên khó đầu tư lớn và mạnh tay hạ giá như thị trường bên ngoài”, chị My nói.

Anh Quỳnh, phụ trách kinh doanh của trang web Vatgia cung cấp, giá thuê một gian hàng trên đó hiện nay có hai loại là 500.000 đồng và một triệu đồng, chưa tính thuế. Tiền soạn tin đăng bài là 15.000 đồng mỗi tin, trong đó, Vatgia chỉ được hưởng 6.000 đồng.

“Năm ngoái, giá thuê chỉ là 400.000 đồng và hơn 800.000 đồng, chưa tính thuế. Năm nay đắt hơn 20%. Nhưng giá cả bây giờ cái gì chẳng lên, quan trọng là hiệu suất kinh doanh”, anh Quỳnh nói.

Theo vnexpress

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

9 + nineteen =

To Top