Connect with us

Kinh doanh khách sạn đi theo hướng nào?

Tin trong nước

Kinh doanh khách sạn đi theo hướng nào?

Việc không đầu tư khai thác mạnh những thị trường khách du lịch "chịu chi", cộng với sự chậm đổi mới về thủ tục xuất nhập cảnh tạo nên những nỗi lo cho ngành kinh doanh cơ sở lưu trú.

Hiệu ứng từ ngành dệt may

Khi sự kiện Biển Đông xảy ra, các ngành nghề xuất khẩu chủ lực trong nước bắt đầu lật lại bài toán nhập khẩu nguyên phụ liệu. Con số 9 tỷ USD giá trị nhập khẩu vải hằng năm của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc khiến không chỉ nhà hoạch định chính sách mà cả doanh nghiệp (DN) đã tỏ ra lo lắng.

Ngoảnh sang ngành du lịch, con số tăng trưởng đều đặn hằng năm về lượng khách quốc tế đến Việt Nam trước tiên chỉ khiến người ta… sướng tai về mặt con số, thành tích nhưng sự tăng trưởng này cách đây 3 năm, nhiều chuyên gia đã cảnh báo.

Còn nhớ năm 2013, trong khảo sát ngành dịch vụ khách sạn, Grant Thornton đưa ra con số thống kê, năm 2012, số lượng khách châu Á, bao gồm cả khách Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu trong các nguồn khách du lịch xét theo khu vực, chiếm 46,7%; tăng 5,5% so với năm 2011.

Trong khi đó, tỷ lệ khách đến từ châu Âu sụt giảm đáng kể (5,6%), còn tỷ lệ khách đến từ các nước khác như Bắc Mỹ và châu Mỹ nói chung giảm nhẹ 0,5%. Đây là nhóm khách chi tiêu nhiều khi du lịch.

Cuộc khảo sát mới nhất của Grant Thornton Việt Nam cũng chỉ rõ, năm 2013, khách châu Á tăng 0,3% so với 2012, đạt 47,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ khách đến từ các nước châu Á khác (ngoài Việt Nam) sụt giảm đáng kể, 2,5%. Trong số khách quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây, khách Trung Quốc liên tục tăng và chiếm 25% trong 2013.

Sáu tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,3 triệu lượt, tăng trên 21% so với cùng kỳ 2013. Nhưng điều đáng lo là do từ trước, lượng khách đến từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao đã dẫn đến những tác động tiêu cực cho ngành khách sạn, du lịch kể từ khi sự kiện Biển Đông diễn ra (tháng 5/2014).

Theo kết quả khảo sát trên 18 khách sạn do Grant Thornton Việt Nam thực hiện, tính đến tháng 7/2014, đã có 14.945 phòng khách sạn từ 3 – 5 sao bị hủy thuê và trước tháng 5/2014, có 33 chuyến bay từ Trung Quốc chở khách đến Đà Nẵng. Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch HĐQT Grant Thornton Việt Nam, dẫn chứng, sự kiện Biển Đông tác động nhiều đến du lịch miền Trung vì nơi đây đón tới 25% khách du lịch Trung Quốc.

Theo đó, một khách sạn có casino ở Đà Nẵng đã giảm tỷ lệ đặt phòng 20% do nơi đây đón khách Trung Quốc vào chơi casino khá nhiều. Ngược lại, ông Kenneth Atkinson cho rằng, ở TP.HCM và Hà Nội, những khách sạn 5 sao có casino sẽ không bỉ ảnh hưởng vì ở đây chủ yếu là máy trò chơi trúng thưởng phục vụ chủ yếu cho khách thương gia giải trí.

Hơn nữa, một điểm nghẽn tác động đến tiềm năng thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được đề cập trong những năm gần đây là phí cấp visa vẫn cao hơn các quốc gia láng giềng như: Malaysia, Thái Lan, Campuchia… cộng với thủ tục cấp visa khá phức tạp. Thêm vào đó là chi phí 1 triệu USD hằng năm cho quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thị trường quốc tế là con số quá thấp so với Thái Lan hay Malaysia.

Thận trọng với các khoản đầu tư

Việc quá phụ thuộc vào một thị trường khách du lịch đặt ra thách thức cho ngành này tương tự như ngành dệt may, cụ thể là phải tìm bằng được thị trường khác thay thế; đồng thời, chính bản thân doanh nghiệp – những chủ đầu tư khách sạn phải chọn chiến lược phát triển phù hợp.

Trước đây, khi bàn về việc mở hay đóng đối với lĩnh vực đầu tư casino, một chuyên gia về đầu tư đã đặt vấn đề, nếu không có quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ, việc đầu tư casino sẽ như tình trạng xây sân golf, nhà nhà kinh doanh khách sạn kèm khai thác casino, trong khi nguồn khách bị hạn chế rất dễ dẫn đến cung vượt cầu, đầu tư không hiệu quả, xin giấy phép rồi để đó hoặc chuyển mục đích sử dụng.

Về dài hạn, đại diện Grant Thornton Việt Nam cho rằng, kết quả kinh doanh của các khách sạn (có casino) sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu chủ đầu tư không phụ thuộc quá nhiều từ doanh thu hoạt động của casino.

Trong khi đó, những DN muốn tham gia vào “cuộc chơi” đầu tư khách sạn phải phân tích kỹ lưỡng khu vực đầu tư và phân khúc thích hợp. Theo đó, khách sạn từ 3 – 4 sao có khá nhiều “đất sống” tại thị trường Việt Nam.

Kenneth phân tích, mấy năm qua, do khủng hoảng kinh tế nên phân khúc khách sạn 5 sao có phần chựng lại; trong khi với lợi thế về giá, chi phí đầu tư và kết quả hoạt động ổn định, kết hợp với những thuận lợi về vị trí địa lý là gần với những thành phố du lịch trong khu vực như Bangkok, Phukhet (Thái Lan) tạo nên tiềm năng cho khách sạn 3 – 4 sao tại TP.HCM phát triển.

Trong khi đó, ở Hà Nội, với nguồn cung lớn hiện nay, khách sạn 5 sao bị cạnh tranh dữ dội dẫn đến giảm công suất thuê phòng nên 3 – 4 sao đang được nhiều nhà đầu tư nhòm ngó. Điều này cũng đã xảy ra với những thành phố du lịch khác ở Việt Nam như ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × 1 =

To Top