Connect with us

Kinh doanh dựa vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng

Tin trong nước

Kinh doanh dựa vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng

Bệnh tật, độc hại, mất vệ sinh, giá cả leo thang đang là nỗi ám ảnh với người tiêu dùng, nhưng chúng lại được doanh nghiệp tận dụng triệt để khi quảng cáo, tiếp thị nhãn hàng mới.

Quảng cáo nhấn mạnh vào tính năng an toàn, vệ sinh và giá cả hợp lý đang là trào lưu, đặc biệt đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày. Các bà nội trợ chăm theo dõi quảng cáo không lạ gì với hình ảnh một cô gái đầy vi khuẩn trong miệng khi chưa sử dụng đúng kem đánh răng diệt khuẩn. Họ cũng dần quen với cảm giác rùng mình khi thấy hình ảnh chiếc thớt bẩn đến ghê người dùng để cắt tỏi, ớt, chanh pha nước mắm. Thậm chí một bà mẹ trẻ phải ôm con đến bệnh viện vì sử dụng sai hãng xà phòng…

Trước thông tin một số chất phụ gia có khả năng gây ung thư, nhiều công ty còn dốc tiền quảng cáo khắp nơi nhằm khẳng định sản phẩm của mình là không có thành phần độc hại. Mì Tiến Vua của công ty Masan không chứa transfat, chất bảo quản E102 hay mới đây là thạch rau câu không chứa DEHP là những trường hợp như vậy.

Nhẹ nhàng hơn, một số quảng cáo chỉ “dọa” về vấn đề tài chính. “Một hộp cam ép tương đương với 2,6 kg cam tươi” là thông điệp trong một đoạn quảng cáo được rất nhiều chị em quan tâm. Chị Vân, nhân viên văn phòng ở Hà Nội nhẩm tính, cam bây giờ cũng 40.000 đồng một cân. 2,6 kg là khoảng 100.000 đồng, chưa kể tiền đường đã thấy đắt gấp 3 mỗi hộp nước cam này.

Theo chị Vân, nếu đúng như nhà cung cấp đưa ra thì chỉ có những ai dại dột mới mua cam tươi. “Cứ xem quảng cáo đó nhiều, đâm ra mình bị ám ảnh mỗi lần đi chợ chọn cam, không biết mình có đang lãng phí không”, chị Vân bộc bạch.

Theo khảo sát của VnExpress.net, đa phần quảng cáo xây dựng dựa trên nỗi sợ hãi của người tiêu dùng đều nằm trong danh mục sản phẩm thiết yếu với đời sống con người song lại có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Hướng vào tâm lý lo lắng của người mua, họ khẳng định độ an toàn, lợi thế của sản phẩm hãng mình hơn những đơn vị khác.

“Bình thường tôi vẫn dùng thớt cắt ớt, thấy chẳng sao. Tự nhiên coi quảng cáo rồi lại đâm ra hoảng. Chẳng biết họ nói có thật không mà cứ như dọa mình”, bác Chiến (Kim Ngưu, Hà Nội) chia sẻ.

Bác Phạm Thị Thành (Đê La Thành, Hà Nội) tâm sự, bản thân gia đình bác và những người hàng xóm đều không thích những quảng cáo như vậy. Bác cho rằng, quảng cáo là để giới thiệu chứ không phải hăm dọa những ai không sử dụng sản phẩm. “Đâu đâu cũng phải nghe ăn cái này độc, uống cái kia hại nên quảng cáo không nên chỉ nhắm vào những gì người tiêu dùng sợ để khiến chúng tôi thêm lo lắng nữa”, bác Thành tâm sự.

Giám đốc truyền thông của Le Bros Nguyễn Đình Thành cho rằng, về bản chất, người làm quảng cáo đã làm đúng công thức mà họ được đào tạo để thu hút người tiêu dùng.

Song, anh Thành nhấn mạnh gốc của mọi quảng cáo vẫn phải là chữ tâm. Tức là các công ty cần xem xét việc làm của mình có tổn hại đến ai không. “Về tình, nếu được việc của mình mà tổn hại đến người khác thì không được làm. Về lý, chắc chắn pháp luật cũng không cho phép những quảng cáo dựa trên điều không có thật để thu hút, tăng doanh số. Đó là một phương pháp cạnh tranh không lành mạnh”, anh Thành nói.

Một chuyên gia về lĩnh vực quảng cáo và marketing lại cho rằng nếu có đầy đủ cơ sở thông tin thì các công ty hoàn toàn được phép. Bởi lợi dụng nỗi sợ hãi để quảng cáo cũng là một cách để tạo xúc cảm mạnh với người xem.

Trước những quảng cáo “gậy ông đập lưng ông” trong thời gian qua, chuyên gia này đưa ví dụ, nếu một người đưa ra cây gậy một cách thông minh thì anh ta mạnh, có quyền lực và được xem là thông minh. Ngược lại, nếu anh nói sai sự thật, cơ sở không vững chắc thì phải chịu hiệu ứng ngược, không những không thu hút mà còn mất lòng tin của khách hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các quảng cáo trái chiều nhau. “Có thể do họ lấy nguồn thông tin khác nhau song cũng không ngoại trừ khả năng cạnh tranh ko lành mạnh”, ông Hùng nói.

Tổng Thư ký hội cung cấp thêm, theo luật, trong những trường hợp, quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng, khách hàng có quyền khởi kiện đơn vị đặt quảng cáo. Còn đơn vị nhận quảng cáo sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới, trừ khi họ chứng minh được đã cố gắng làm mọi cách xác thực thông tin trước khi đăng tải.

“Trong cơ chế thị trường, hàng hóa phong phú, người tiêu dùng có quyền lựa chọn nhưng phải đối mặt với việc thông tin không thật chính xác. Vì vậy, khách hàng cần tỉnh táo, suy xét kỹ trước khi quyết định mua sản phẩm, lựa chọn dịch vụ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo.

Theo vnexpress

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

14 − thirteen =

To Top