Tình huống thương hiệu
Kinh Đô muốn ra biển lớn
Với thế chủ động hiện nay, hình ảnh một tập đoàn thực phẩm tiêu dùng đa quốc gia mang tên Kinh Đô có lẽ là ước mơ mà các cổ đông có thể hình dung được.Chúng tôi gặp ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Kinh Đô vào một ngày cuối tuần trên tầng 12 một tòa cao ốc mới tinh. Văn phòng mới có góc nhìn phóng thẳng tới hàng cây cổ thụ sừng sững trước tòa nhà. Ngồi giữa không gian rộng rãi như đại sảnh, lớn hơn rất nhiều so với trụ sở cũ trước đây, ông Nguyên chia sẻ với chúng tôi về khát vọng vươn ra biển lớn đã đi được những bước đầu, trên môi luôn giữ nụ cười tươi.
Khởi đầu với số vốn nhỏ và gắn bó với công ty 20 năm qua, có lẽ ông Nguyên và anh trai mình Trần Kim Thành chưa một ngày mường tượng được viễn cảnh hôm nay khi vốn điều lệ đã tăng gần 1.200 lần so với mức 1,4 tỉ đồng năm 1993. Trong suốt quá trình ấy, mở rộng ngành hàng cả chiều rộng (mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp thực phẩm) lẫn chiều sâu (liên tục phát triển sản phẩm mới) là hai chiến lược chủ đạo. Nhờ vậy, Kinh Đô đã giữ ngôi đầu về thị phần trong nhiều ngành hàng. Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp này đang có những kế hoạch riêng để chinh phục các thị trường lớn trên thế giới.
Liên minh để tăng trưởng
Sau những thành công rực rỡ ở các mặt hàng bánh kẹo trong nước, Kinh Đô đã đạt phần nào kỳ vọng về mục tiêu tăng trưởng dựa trên công cụ M&A. Tuy nhiên, áp lực tăng trưởng đối với doanh nghiệp có quy mô lớn như Kinh Đô hiện tại khiến các vị lãnh đạo của công ty này không khỏi đắn đo.
Năm 2012, lợi nhuận ròng của Kinh Đô tăng trưởng gần 30% nhưng chủ yếu nhờ vào khả năng kiểm soát chi phí tốt chứ chưa phải nhờ tăng sản lượng hàng bán; thậm chí năm 2013 này cũng vậy. Ông Nguyên cho biết, lợi nhuận năm nay có thể đạt khoảng 600 tỉ đồng, tăng khoảng 70% so với năm ngoái nhưng doanh thu chỉ tăng cỡ 10%. Những con số này đang cho thấy, doanh nghiệp ngày càng khó mở rộng thị trường hơn.
“Kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, sức cầu yếu khiến thị trường bánh kẹo khó tăng trưởng như kỳ vọng”, ông Nguyên nói. Bởi vậy, ngoài việc sáp nhập Vinabico vào để mở rộng ngành hàng, Kinh Đô còn nhắm đến một chiến lược khác giúp duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Đó là liên minh.
Liên minh không phải là một chiến lược hoàn toàn mới đối với Kinh Đô, nhưng điều đáng nói là chiến lược này đang được triển khai với nhiều biến chuyển táo bạo.
Ngay trong năm 2012, khi làn sóng M&A của Nhật vừa chớm bùng nổ, Kinh Đô đã nhanh chóng bắt tay với một tập đoàn thực phẩm đa quốc gia của Nhật. Ngoài việc sở hữu 10% cổ phần, Ezaki Glico, Tập đoàn có doanh thu hằng năm 3 tỉ USD này, còn có thể hỗ trợ Kinh Đô mở rộng ngành hàng thông qua việc phân phối sản phẩm. Nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch đầy tham vọng của Kinh Đô.
Hồi tháng 11.2013, Kinh Đô lại lên kế hoạch phát hành 40 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Giá chào bán không thấp hơn 20% so với giá bình quân 20 phiên gần nhất. Nếu tạm tính ở mức 50.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, Kinh Đô có thể thu về khoảng 2.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, liên minh với đối tác nước ngoài giúp Kinh Đô mở rộng danh mục sản phẩm nhanh chóng hơn là tự phát triển. Qua đó, mục tiêu tăng doanh thu cũng sớm hoàn thành. “Trong thời buổi sức cầu yếu và cạnh tranh gay gắt, hơn nhau vài phần trăm thị phần đã là đáng kể. Bởi vậy, liên doanh liên kết là con đường duy nhất giúp doanh nghiệp tăng trưởng ổn định trong thời điểm hiện nay”, ông Nguyên kết luận.
Có một điều dễ thấy là trong các liên minh của mình ông Nguyên và các cộng sự đều chọn đối tác nước ngoài. Điều này đã phần nào hé lộ tham vọng chinh phục thị trường thế giới của họ.
Khi liên minh với các đối tác nước ngoài có tiềm lực mạnh, ngoài việc mở rộng sản phẩm, Kinh Đô còn có cơ hội đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình lên các kệ hàng đối tác ở thị trường đó. Đây cũng là chiêu thức mà các tập đoàn thực phẩm đa quốc gia luôn sử dụng để thâm nhập vào Việt Nam từ trước tới nay.
Bằng những chiến lược vươn ra biển lớn đang theo đuổi, ông Nguyên kỳ vọng sẽ đưa tỉ trọng xuất khẩu từ mức 10% hiện nay lên mức 50%. Theo ông, tỉ trọng này giúp Kinh Đô tránh rủi ro phụ thuộc vào một thị trường. Mặt khác, khi các hiệp định và Cộng đồng Chung ASEAN có hiệu lực trong vài năm tới, Kinh Đô phải cạnh tranh với nhiều đối thủ hơn. Vươn ra các thị trường lớn trên thế giới là bước đi mang tầm nhìn dài hạn giúp Kinh Đô bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 20% mỗi năm với các cổ đông của mình.
Nội lực đến đâu?
Kinh Đô đang có những bước chuyển táo bạo để thực hiện tham vọng vươn ra biển lớn, nhưng liệu họ có đủ nội lực để hoàn thành tham vọng này khi chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước thành công?
Nhìn vào các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm tiêu dùng có thể thấy, Kinh Đô đang đứng trong top 3, sau Masan và Vinamilk về quy mô và kết quả kinh doanh. Hiện nay mới chỉ có Vinamilk đặt những bước chân đầu tiên ra thị trường thế giới trong khi Masan vẫn chưa thể hiện động thái tương tự. Vì thế, thách thức về tính hiệu quả của những dự án sắp tới sẽ đặt lên vai các vị lãnh đạo Kinh Đô trách nhiệm không nhỏ.
Theo Giám đốc Tư vấn Doanh nghiệp của một công ty chứng khoán lớn tại TP.HCM, bán vốn cho đối tác để nhận được sự hỗ trợ ở thị trường nước ngoài là cách làm vững chắc. Tuy nhiên, đầu tư ra nước ngoài luôn tồn tại những thách thức không nhỏ. Ngành thực phẩm tiêu dùng cần có hệ thống phân phối rộng khắp và thương hiệu mạnh. Các điều khoản pháp lý xa lạ ở thị trường mới cũng là một rào cản đáng chú ý. “Mặc dù được đối tác hỗ trợ nhưng để đạt doanh thu như kỳ vọng và cạnh tranh với những đối thủ ở thị trường lớn, chắc chắn Kinh Đô phải đầu tư đáng kể”, vị này nhận xét.
Không phủ nhận đây là một chiến lược đầy tham vọng, nhưng ông Nguyên cũng cho biết Kinh Đô đã sớm chuẩn bị nội lực cho hành trình này.
Trước hết, sau khi nắm giữ ngôi vương ở thị trường trong nước, Kinh Đô đã có thể yên tâm tiến ra nước ngoài. Kinh Đô đang là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành bánh kẹo với doanh số gấp gần 4 lần đối thủ ở vị trí số 2. Mạng lưới phân phối của doanh nghiệp này trải khắp cả nước với 300 nhà phân phối và hơn 200.000 điểm bán.
Từ năm 2011, các nhà lãnh đạo của Kinh Đô đã mạnh tay bỏ ra vài triệu USD chỉ để đầu tư cho phần mềm quản lý bán hàng và kiểm soát chi phí. Nhờ công cụ này, họ có thể nhanh chóng điều chỉnh các khoản chi phí sao cho hợp lý. Thực tế cho thấy, nhờ điều tiết chi phí hợp lý mà lợi nhuận ròng năm 2012 của Kinh Đô tăng đến 30%, trong khi các doanh nghiệp trong ngành sụt giảm lợi nhuận vì khoản này.
Song song với sự chuẩn bị trên, ông Nguyên cho biết, Kinh Đô vẫn sẽ giữ chiến lược tăng trưởng quy mô thông qua M&A. Tính đến cuối quý III/2013, tiền và tương đương tiền của Kinh Đô còn hơn 1.700 tỉ đồng. Ngoài ra, sau khi đối tác Mỹ rót vốn, Kinh Đô cũng tích lũy thêm được một khoản tương đương. Với nguồn tiền mặt khổng lồ này, tập đoàn này đã đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục cuộc trường chinh M&A nhiều năm qua. Việc còn lại chỉ là tìm kiếm doanh nghiệp phù hợp.
Cùng với chiến lược gia tăng quy mô, Kinh Đô cũng nhanh tay cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả trước đây. Hiện khoản đầu tư ngoài ngành lớn nhất của Kinh Đô chỉ còn 50% trong liên doanh đầu tư dự án bất động sản Lavenue ở ngay trung tâm quận 1, TP.HCM với giá trị trên 500 tỉ đồng. Theo ông Nguyên, khoản đầu tư này không đáng lo vì không dùng tiền đi vay; khi thị trường hồi phục sẽ tiếp tục phát triển tiếp.
Rõ ràng, Kinh Đô đang ý thức rất rõ về tương lai của mình với những thách thức và cơ hội trong nhiều năm tới. Điều đó không chỉ là kế hoạch táo bạo của một doanh nghiệp đầu ngành bánh kẹo mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn của những nhà sáng lập họ Trần, nếu xét trong bối cảnh rất ít doanh nghiệp trong nước hiện nay làm được như thế. Từ một xưởng sản xuất nhỏ, hai anh em họ Trần đã biến Kinh Đô thành một tập đoàn hàng đầu. Và với thế chủ động hiện nay, hình ảnh một tập đoàn thực phẩm tiêu dùng đa quốc gia mang tên Kinh Đô có lẽ là ước mơ mà các cổ đông có thể hình dung được.
Theo NCĐT